Thu nhập khá nhờ được chuyển giao KHKT
HGĐT- Các lớp nghề dạy nông dân về cách chăm lúa, ngô, nuôi lợn, ủ phân, đan lát, thậm chí là sửa chữa đường điện trong nhà bằng các mô hình cụ thể của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sau một thời gian hoạt động, hàng trăm nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, đem lại thu nhập khá cho họ.
Dạy nghề cho nông dân
Trước thực trạng nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh thiếu kiến thức về KHKT, nhiều người chưa được học nghề. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các lớp dạy nghề. Sau khi tổ chức tư vấn cho 1.200 lượt hội viên về các loại nghề nông thôn và qua đăng ký học nghề, trung tâm đã mở 18 lớp dạy nghề cho 582 lao động. Điểm khác biệt ở các lớp nghề này là hướng dẫn thực hành là chính trong thời gian dưới 3 tháng; xây dựng mô hình cụ thể ngay tại các hộ để tiện cầm tay chỉ việc cho bà con. Ví dụ như lớp dạy chăn nuôi lợn và xử lý nước thải ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), kéo dài hơn một tháng vừa đủ thời gian để truyền dạy cho các hộ về cách chăn nuôi từ lúc lợn giống đến xuất chuồng. Khắc phục được nguyên nhân thất bại của các mô hình trước đây là chỉ tập huấn cho bà con một vài ngày, thiếu thực tế, nhiều người lúng túng khi thực hiện. Hơn nữa, các lớp nghề còn được mở ở vùng sâu, vùng xa, nơi đường xá đi lại khó khăn mà các trung tâm dạy nghề chưa với tới như: Pà Vầy Sủ (Xín Mần) dạy trồng ngô; Tiên Nguyên (Quang Bình) mở lớp lúa; Bản Máy (Hoàng Su Phì); Thắng Mố (Yên Minh)... Sau khi học xong, nhiều nông dân đã thực hành thành thạo trên cánh đồng nhà mình, làm tăng năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi.
Lớp dạy nghề may mặc cho người khuyết tật tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).
Bên cạnh đó, việc dạy nghề phi nông nghiệp như sản xuất chổi chít, rượu ngô men lá, cắt may đã tạo việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập cho 112 hội viên khi nông nhàn. Một trong những lớp nghề được chuyển giao kỹ thuật đem lại hiệu quả là dạy đan lát thủ công sản xuất chổi chít cho 30 học viên tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Thông qua tổ chức Hội, Trung tâm dạy nghề đã đi tìm hiểu mô hình sản xuất chổi chít tại Công ty SANDA tỉnh Hòa Bình, mang về 5 mẫu chổi kiểu mới tiết kiệm nguyên liệu, mẫu mã đẹp khiến giá bán tăng 30% so với trước. Học xong 100% học viên đều làm chổi chít, được HTX Đức Duy nhận tiêu thụ sản phẩm.
Hay đặc biệt như lớp dạy nghề may tại thị trấn Việt Lâm cho 13 học viên bị khuyết tật mở tháng 6/2013 đã tạo cơ hội việc làm cho những người có hoàn cảnh kém may mắn. Chị Dương Thị Vân, ở xã Trung Thành (Vị Xuyên) tâm sự: “Nhờ sự nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ của giáo viên là chị Thủy, đưa đi học khi không có người đưa đón. Sau khi học xong, bây giờ em đã có một cái nghề để kiếm ra tiền”. Giáo viên lớp may, chị Sải Thị Thủy là hội viên của Hội Người khuyết tật, cho biết: “Trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ may, vải, máy khâu, kéo... để mở lớp may. Kết thúc lớp học đã có 3 học viên đi làm ở Công ty may Phú Thọ, 1 người được nhóm người khuyết tật Hà Nội nhận, các học viên khác đều đang làm việc tại các hiệu may”. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Việt Lâm, Hoàng Thị Oanh, cấp Hội ở thị trấn đã xin các chương trình học nghề, mở được nhiều lớp sau khi khảo sát nhu cầu của thị trường và hội viên như: may mặc, trồng trọt, chăn nuôi gắn với chuyển giao KHKT. Các lớp này giúp hội viên tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hỗ trợ nông dân
Thể hiện vai trò hỗ trợ nông dân, trung tâm của Hội Nông dân tỉnh chịu trách nhiệm tìm các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế, phân bón chất lượng và luôn đồng hành với bà con đến khi ra sản phẩm bán trên thị trường. Trong thời gian qua, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn KHKT về cây trồng, vật nuôi, sản xuất phân bón vi sinh và tiêu thụ sản phẩm cho 720 hội viên nông dân tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên. Cung ứng 500 cây giống trám ghép và chanh tứ thời. Tìm đưa về loại chế phẩm vi sinh Bio-plant có hiệu quả nhanh, an toàn của Thái Lan, được Viện Thổ nhưỡng nông hóa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chứng nhận chất lượng và nhiều tỉnh đã áp dụng. Để cung ứng cho hội viên ủ 655 tấn phân hữu cơ chăm sóc cây vụ Đông. Hoạt động trên bước đầu giúp hội viên nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh.
Đồng thời, trung tâm cũng giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế phù hợp với năng lực. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc trung tâm, Nguyễn Văn Tự, cho biết: “Hiện nay, trung tâm có nhiệm vụ chính là chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân thông qua các lớp tập huấn và dạy nghề để nâng cao trình độ sản xuất của họ. Tại các lớp dạy nghề, hội viên còn giảng kiến thức về sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường. Để người dân có tư duy sản xuất hàng hóa trước khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì. Tránh sản xuất ồ ạt, không tính toán dẫn đến việc thua lỗ. Chúng tôi kết hợp xây dựng các mô hình tại chỗ, nhằm hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Bên cạnh đó, là gắn với tuyên truyền phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Sau này, khi trình độ KHKT của họ đã phát triển sẽ tăng cường hoạt động hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm, móc nối với các doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ. Bây giờ, trung tâm đang giúp các hộ phát triển kinh tế từ các mô hình lên thành nhóm hộ”.
Ý kiến bạn đọc