“Thắp lửa” đam mê sáng tạo kỹ thuật
HGĐT- Năm 2012-2013, lần đầu tiên tỉnh ta có đề tài khoa học tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc và đã giành giải. Kết quả đó là niềm tự hào, vinh dự không chỉ riêng nhóm tác giả đạt giải, còn là niềm vui chung của những người làm công tác nghiên cứu khoa học nơi miền cực Bắc Tổ quốc. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh, niềm đam mê nghiên cứu, đóng góp trí tuệ khoa học cho sự phát triển của tỉnh.
Vinh dự, tự hào, xúc động... là cảm xúc tràn ngập trong mỗi thành viên đoàn Hà Giang có mặt tại khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội tại đêm trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013) vừa được Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam phối hợp với Bộ KHCN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Trong số hàng trăm giải pháp được lựa chọn từ các địa phương, đề tài khoa học: Nghiên cứu biên soạn và thiết kế mô hình dạy học lịch sử địa phương (LSĐP) cho học sinh các trường THCS của nhóm tác giả Nguyễn Minh Nguyệt, Dương Thị Thu Loan, Bế Thu Hoa, Đàm Thị Hòa, Triệu Thị Năm - giảng viên trường CĐSP tỉnh đã lọt qua các vòng chấm, đánh giá hết sức ngặt nghèo của những nhà khoa học hàng đầu cả nước và giành giải Ba.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (người mặc áo tím) vinh dự nhận giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuậtToàn quốc.
Vinh dự là một trong 88 nhóm giải pháp được trao giải, chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu biên soạn và thiết kế mô hình dạy học LSĐP cho học sinh các trường THCS” Nguyễn Minh Nguyệt cùng các cộng sự có mặt rất sớm ở Nhà hát lớn. Chị Nguyệt chia sẻ: Đề tài trên thực sự là tâm huyết, được các thành viên dày công nghiên cứu, xuất phát từ thực tiễn những gì đang diễn ra tại địa phương và đòi hỏi sự đổi mới để nó phát huy hiệu quả. Chị cho biết thêm, với kinh nghiệm 15 năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại trường CĐSP và thực tiễn quá trình nghiên cứu đã chứng minh, vấn đề dạy, học LSĐP ở trường phổ thông gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này, do chưa có tài liệu dạy học dưới dạng sách giáo khoa và hướng dẫn dành cho giáo viên. Việc dạy học LSĐP thường qua các tài liệu, sự kiện lịch sử tiêu biểu, lịch sử Đảng bộ tỉnh... nhưng phần lớn giáo viên thiếu hoặc không có tài liệu tham khảo, thiết kế bài giảng.
Qua điều tra, khảo sát nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, nhóm tác giả nhận thấy: Việc giảng dạy LSĐP không theo một chương trình thống nhất, đồng bộ, nặng tính hình thức bởi thiếu tài liệu biên soạn bài giảng, quan trọng hơn là thiếu chỉ đạo thống nhất chung cho các khối, cấp học về nội dung chương trình, nguyên tắc tổ chức thực hiện, phương pháp dạy học. Các giáo viên giảng dạy lịch sử rất quan tâm giáo dục LSĐP, họ mong muốn có những tài liệu được biên soạn dưới dạng sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn. Còn học sinh luôn khao khát, muốn hiểu biết nhiều về LSĐP. Từ thực tiễn đó, các giảng viên trường CĐSP đã đăng ký, thực hiện thành công Đề tài khoa học “Nghiên cứu biên soạn và thiết kế mô hình dạy học LSĐP cho học sinh các trường THCS”, được ứng dụng vào quá trình dạy học từ năm 2011 đến nay.
Theo nhóm tác giả, đề tài đã giải quyết những vấn đề cấp thiết về dạy học LSĐP, góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ mục tiêu, nội dung, nguyên tắc biên soạn chương trình, phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Việc triển khai, nhân rộng kết quả đề tài cho giáo viên giảng dạy lịch sử THCS và học sinh, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí... Qua đó, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Đề tàiđược thực hiện trên cơ sở những nguồn tư liệu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng bộ địa phương, thể hiện bằng lối văn phong trong sáng, đảm bảo tính khoa học, tính Đảng, tính chính xác, mô phạm và đặc biệt vừa sức trong biên soạn sách giáo khoa. Sản phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa hình và chữ, hệ thống câu hỏi, bài tập vừa sức, phát huy tính sáng tạo, năng lực tự học của học sinh, được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản từ năm 2011, Sở GD-ĐT đưa 3 cuốn tài liệu LSĐP vào dạy học tại các trường THCS. Thành quả trên là sự tôn vinh, ghi nhận công sức lao động miệt mài của nhóm các nhà nghiên cứu suốt từ năm 2008 - 2010.
Có mặt tại Nhà hát lớn dự Lễ trao giải, chung vui cùng các nhà khoa học, ông Cao Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội KH-KT tỉnh cho biết: Hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm là sân chơi bổ ích cho các nhà khoa học, đồng thời thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động. Năm 2012-2013, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh, BTC nhận được 6 đề tài, giải pháp kỹ thuật của 2 doanh nghiệp, 2 tổ chức và 2 nhóm tác giả thuộc lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm- ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; GD-ĐT. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 3 đề tài, giải pháp kỹ thuật tiêu biểu, có tính mới, sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, tạo ra lợi ích cho nhân dân để trao giải.
Trong đó, Đề tài “Nghiên cứu biên soạn thiết kế mô hình dạy học LSĐP cho học sinh các trường THCS” đạt giải Ba. Giải Khuyến khích được trao cho 2 đề tài “Một số thiết bị ứng dụng dùng trong dạy học vật lý phần quang hình học” của nhóm tác giả thuộc CLB nghiên cứu khoa học Trường THPT Chuyên và “Giải pháp khoan ngang công trình khai thác nước ngầm tại thôn Tò Đú”, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) của Công ty TNHH Bảo Cường. Căn cứ vào kết quả đó, BTC đã lựa chọn đề tài đạt giải Ba tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 12 và cũng giành giải. Kết quả trên là niềm vinh dự lớn, đã động viên tinh thần thi đua, lao động, sáng tạo của các nhà khoa học. Từ đó, khích lệ họ dành nhiều tâm huyết, trí tuệ, tích tụ hàm lượng chất xám cao trong mỗi sản phẩm khoa học, phục vụ tích cực quá trình phát triển của mảnh đất cực Bắc Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc