Kết quả quá trình xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
HGĐT- Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), kể từ khi Luật ra đời, trong những năm qua công tác quản lý Nhà nước về SHTT nói chung và trong quá trình thực hiện luật nói riêng tại tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhận thức của người dân cũng được nâng lên trong quá trình đăng ký, xác lập và bảo vệ quyền SHTT.
Tuy nhiên là tỉnh miền núi, nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, khái niệm về SHTT còn mới mẻ và chưa phát triển so với các tỉnh khác. Kể từ năm 2002 đến đầu năm 2014, tỉnh ta mới có gần 100 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục SHTT;trong đo, tỉnh đã được cấp 01 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” (cho sản phẩm mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang); trên 50 đơn đăng ký đã được cấp Văn bằng bảo hộ và gần 40 đơn đăng ký đang trong quá trình thẩm định. Với số liệu thống kê trên có thể khẳng định: So với các tỉnh khác, số đơn đăng ký của tỉnh vẫn còn có nhiều hạn chế, phản ánh thực trạng mới mẻ trong công tác đăng ký, xác lập và bảo vệ quyền đối với các sản phẩm của các đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp trong thời gian trước mắt và lâu dài để góp phần phát triển tiềm năng kinh tế của tỉnh nhà, cần hơn nữa việc các cơ sở SXKD cần chú trọng hơn đến việc nâng cao nhận thức, đầu tư trang thiết bị trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; cùng với việc quan tâm đăng ký, xác lập và bảo vệ quyền đối với sản phẩm của đơn vị mình sản xuất ra, phát huy khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm đang là thế mạnh của tỉnh trên thị trường. Dựa trên những sản phẩm có tính chất đặc trưng chủ lực là thế mạnh và có tiềm năng của tỉnh như: chè, cam, đậu tương, rượu... các cơ sở SXKD có thể mạnh dạn đứng ra đăng ký nhãn hiệu phù hợp cho các sản phẩm của mình dựa trên các tiêu chí, đáp ứng đủ các yêu cầu về điều kiện đăng ký để lựa chọn quyền đăng ký nhãn hiệu (NH)...
Việc đăng ký, xác lập và bảo vệ quyền SHTT - đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại... là việc làm cần thiết đối với tất cả các cơ sở SXKD đang trên đà khẳng định giá trị thương hiệu và mặt khác khẳng định quyền được Nhà nước bảo vệ các sản phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và hơn nữa thể hiện rõ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Về việc đăng ky NH, luật cũng quy định rõ việc cho hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân cùng đăng ký một NH để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện như: Việc sử dụng NH đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình SXKD; Không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ. Người có quyền đăng ký kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng....
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật sở hữu trí tuệ, tỉnh ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn; nhưng nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh cũng như sự quyết tâm thực hiện và làm tốt chức năng nhiệm vụ của Sở KH&CN, đến nay tỉnh đang từng bước tiến tới phổ cập hóa kiến thức về SHTT, dự án về tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên sóng truyền hình tỉnh được thực hiện kể từ năm 2011 đến nay, đã đáp ứng được nhu cầu nắm bắt thông tin về SHTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân, những thành công đó đủ khẳng định sự cần thiết của việc ra đời dự án và tiếp tục được thực hiện trong những năm tiếp theo. Dự án trên cũng là thành công của Sở KH&CN Hà Giang trong quá trình góp sức mình vào công cuộc phát triển, đó cũng là mục tiêu thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo chung của Chính phủ và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho UBND các cấp quản lý Nhà nước về SHTT.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và với những thành công đã đạt được của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong việc hỗ trợ các đơn vị có hoạt động SXKD các sản phẩm mang giá trị trí tuệ, khẳng định uy tín cũng như xác lập quyền SHTT của đơn vị mình, trong giai đoạn trước mắt và lâu dài góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà ngày một phát triển.
Ý kiến bạn đọc