Ứng phó biến đổi khí hậu cả hệ thống chính trị vào cuộc
(Xuân Giáp Ngọ)- Trong sự bộn bề của những ngày cuối năm Quý Tỵ, Sở TN-MT đã phối hợp với Tổ chức Plan tại Việt Nam mở Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là hội thảo có tính chất quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan.
Tác động của BĐKH đã gây ra các kiểu thời tiết cực đoan làm sạt lở đất, mưa đá và ngập lụt tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo được giới thiệu các nội dung cơ bản về Chiến lược ứng phó với BĐKH của Việt Nam, Chương trình mục tiêu Quốc gia về BĐKH; kế hoạch ứng phó BĐKH của tỉnh, quá trình xây dựng và triển khai; kiến thức bản địa của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong ứng phó BĐKH; những kinh nghiệm trong công tác ứng phó, chống chịu với BĐKH Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng; chia sẻ một số mô hình về thích ứng BĐKH, phù hợp với nhu cầu của địa phương và những mô hình của Plan đang hỗ trợ thực hiện tại Hà Giang.
Tại hội thảo, thông tin từ đại diện Sở NN-PTNT đưa ra được rất nhiều người quan tâm đó là: Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai xẩy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân. Điển hình như năm 2008, rét đậm, rét hại đã làm chết 17.689 con trâu, bò; 89,5 vạn con cá giống; trên 226 kg lúa giống, trên 2.638 ha ngô; mưa, lũ khiến 37 người chết, bị thương 18 người, 92 nhà bị sập đổ, 156 nhà phải di dời... Đến năm 2010, rét đậm, rét hại cũng làm 7.538 con trâu, bò, 4.500kg cá giống bị chết; mưa lũ làm 16 người chết, 10 người bị thương, 47 nhà bị sâp, 1.631 nhà tốc mái, 150 nhà phải di dời. Ngay như năm 2013, rét đậm, rét hại quật ngã 142 con trâu, bò; mưa, lũ gây ra khiến 7 người chết, 32 người bị thương, hàng trăm nghìn m3 đất đá bị sạt lở, vùi lấp nhiều tuyến đường giao thông, ruộng vườn của người dân.
Đại diện Sở TN-MT, cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH cho biết: Công tác ứng phó BĐKH đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, gắn với phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh ta đã bước đầu xây dựng, ban hành những cơ sở pháp lý để chủ động ứng phó với BĐKH như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; kiện toàn, ban hành quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn các cấp; công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” được triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các trạm khí tượng thủy văn được đầu tư, nâng cấp, kịp thời phục vụ công tác dự báo thời tiết... Tuy nhiên, công tác ứng phó BĐKH còn lúng túng, khả năng cảnh báo, dự báo thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả quản lý tài nguyên nước và khoáng sản chưa cao, chưa kiểm soát được tình trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở một số nơi, làm ô nhiêm môi trường.
Đại diện Sở TN-MT cũng cho rằng: BĐKH là vấn đề toàn cầu, lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ cấu tổ chức, quản lý chưa hoàn thiện, dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng trong chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa nhất quán, còn thiên về lợi ích trước mắt. Tổ chức bộ máy quản lý về tài nguyên và môi trường các cấp đã được tăng cường, nhưng chưa theo kịp yêu cầu quản lý, nhất là cấp cơ sở. Cán bộ quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và BĐKH còn thiếu, yếu về chuyên môn. Nguồn lực đầu tư ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, điều tra đánh giá tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, tỉnh ta xác định: Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống người dân. Vì vậy, công tác ứng phó với BĐKH phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn.
Tỉnh ta cũng xác định mục tiêu, đến năm 2020 cơ bản thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh; tạo được bước chuyển biến cơ bản trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác và sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững. Tổ chức tuyền truyền, phổ biến các thông tin về BĐKH, thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chủ động phòng, tránh thiên tai; thực hiện tốt chương trình bố trí, sắp xếp dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt, lở tại những khu vực xung yếu; xây dựng mới các công trình cấp nước sạch cho nhân dân khu vực nông thôn, trọng tâm là khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, dược liệu, thủy sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm thích ứng với những biến đổi của khí hậu. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống sạt, lở, sói mòn, lũ ống, lũ quét, rửa trôi đất với các giải pháp cụ thể như trồng rừng, làm nương xếp đá, các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, canh tác bền vững trên đất dốc. Nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngay từ khi lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các dự án đầu tư; kiên quyết loại bỏ những dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường...
Ý kiến bạn đọc