Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nhờ CNTT-TT
Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng và những hiệu quả nó mang lại đang ngày càng phát huy mạnh mẽ.
Với thành công khá toàn diện, Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam đã tạo ra một nền móng vững chắc, môi trường sẵn sàng cho việc triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT). Cụ thể, Dự án giúp Bộ TT-TT hoàn thiện khung CPĐT cho các Bộ và địa phương; giúp Tổng cục Thống kê hoàn thiện Kiến trúc tổng thể; giúp Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hà Nội xây dựng Kiến trúc tổng thể CPĐT, Thành phố Đà Nẵng triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Nhân tố con người luôn là nhân tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự thành bại của việc phát triển CNTT-TT. Hiểu được tầm quan trọng đó, Dự án đã tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho các cán bộ quản lý Nhà nước cũng như một bộ phận doanh nghiệp. Trên 500 Lãnh đạo thông tin (CIO) của các Bộ, Ban, Ngành, các tỉnh thành phố và một bộ phận doanh nghiệp; và hơn 1000 cán bộ của Bộ TT-TT và một bộ phận các doanh nghiệp đã được đào tạo, tập huấn, nâng cao ý thức và nhận thức về việc ứng dụng CNTT. Trong các hợp phần khác của Dự án (Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Đà Nẵng), trên 1000 cán bộ được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT-TT là một mục tiêu quan trọng của Dự án. Các trung tâm dữ liệu công suất lớn được xây dựng cho Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Đà Nẵng và Hà Nội nhằm lưu trữ thông tin tập trung thống nhất, cài đặt các dịch vụ công phục vụ công tác quản lý nhà nước tại Bộ và các địa phương. Tiểu dự án Bộ TT-TT đã xây dựng hệ thống truyền thông hợp nhất, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh,… tăng cường kết nối giữa Bộ TT&TT và các cơ quan trực thuộc. Trang bị hệ thống hội nghị truyền hình, máy chủ, hơn 100 mạng LAN, trên 1.000 máy tính,… nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 12 tỉnh, thành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại các địa phương. Ngoài ra, cũng nâng cấp Root CA phục vụ triển khai chữ ký số và CPĐT; xây dựng trung tâm đo kiểm đánh giá các giải pháp CNTT cho việc phát triển CPĐT.
Tại Đà Nẵng, trung tâm Giao dịch CNTT-TT được xây dựng nhằm hỗ trợ quản lý, khai thác và ứng dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng về CNTT-TT; Tổng đài hành chính công Đà Nẵng ra đời, cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế-xã hội… Tại đây đã hình thành Mạng đô thị Thành phố kết nối trên 90 Sở, Ban, Ngành và đặc biệt là trên 170 điểm kết nối Wi-Fi trải khắp thành phố, phục vụ miễn phí người dân và khách du lịch. Đồng thời hệ thống quản lý giao thông công cộng thông minh với hơn 100 xe buýt được lắp thiết bị định vị toàn cầu, lịch trình xe buýt truy cập thông qua ứng dụng mobile hay website. Các hệ thống đăng ký bằng lái xe, đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đã được hoàn thành và sẽ sớm được đưa vào sử dụng.
Tiểu dự án Tổng cục Thống kê giúp thiết kế lại các quy trình công việc, hệ thống các ứng dụng CNTT tập trung; xây dựng mạng kết nối Tổng cục Thống kê với 40/63 Chi cục thống kê; hình thành Hệ thống thu thập thông tin thống kê (SSIC) và Hệ thống thông tin đầu mối dữ liệu thống kê (SHS); cho phép chuyển và phân tích dữ liệu theo thời gian thực; quét dữ liệu giảm thời gian thu thập và phân tích dữ liệu từ 24 tháng xuống còn 12 tháng (nhanh hơn 2 lần so với quy trình cũ).
Một thành công nổi bật nữa của Dự án Phát triển CNTT-TT là đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến (G2G, G2C, G2B). Bộ TT-TT đang tiến hành triển khai để đưa vào sử dụng 3 dịch vụ công trực tuyến (đăng ký tần số, đăng ký xuất bản, đăng ký danh mục xuất bản các ấn phẩm nhập khẩu), giảm thời gian đăng ký 40%. Bên cạnh đó, Dự án còn phát triển hệ thống thông tin hợp nhất, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và Trung tâm dữ liệu của Bộ TT-TT.
Tổng cục Thống kê triển khai Hệ thống thông tin đầu mối dữ liệu thống kê đưa việc truy cập của người dân và doanh nghiệp đối với các dữ liệu thống kê lên một bước mới. Tổng đài hành chính công Đà Nẵng thì cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế - xã hội, cổng đào tạo trực tuyến với hơn 400 khóa đào tạo CNTT và các kỹ năng mềm.
Trong khi đó, Cổng thông tin TP Hà Nội sẽ cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tiến hành xây dựng Hệ thống cung cấp visa điện tử, đang được triển khai lắp đặt tại 95 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, dự định đưa vào sử dụng quý I/2014.
Ý kiến bạn đọc