Phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam
Từ tháng 5/2012, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam và là một trong 33 thành phố trên toàn thế giới được tập đoàn IBM hỗ trợ phát triển dự án "Thành phố thông minh hơn".
Những thiết bị cảm biến tự động đo lường độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ pH và nồng độ clo trong nước… đã giúp công ty cấp nước Đà Nẵng đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh tự động cung cấp thông tin lịch trình, vị trí, tốc độ... của 100 xe bus và cập nhật lên cổng thông tin điện tử của Sở giao thông vận tải để hành khách tham khảo. Đó là những thành công ban đầu mà dự án xây dựng thành phố Đà Nẵng thông minh hơn đạt được hơn 1 năm qua.
Ông Đỗ Trọng Tuấn, phụ trách thị trường Đà Nẵng, IBM Việt Nam cho biết: “Bên cạnh việc thành công trong việc quản lý xe bus, chúng tôi sẽ cố gắng trong việc quản lý giao thông nói chung, bao gồm những chương trình cảnh báo, những giải pháp chống tắc nghẽn giao thông, cũng như điều khiển các camera giám sát giao thông trên toàn thành phố. Về phía cấp nước, bên cạnh việc đảm bảo cấp nước sạch cho người dân, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp quản lý nước thải”.
Giao thông và nước sạch là hai lĩnh vực hoa tiêu mà Đà Nẵng lựa chọn để bắt đầu lộ trình xây dựng thành phố thông minh. Trong 5 – 10 năm tới, lộ trình này sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Ông Đỗ Trọng Tuấn cho biết thêm: “Bên cạnh hai lĩnh vực nước và giao thông, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án thành phố thông minh trong việc bảo đảm sức khỏe của người dân bằng cách sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm”.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn, có thể là tài trợ từ các tổ chức quốc tế để thực hiện chương trình này, đồng thời tranh thủ chương trình mục tiêu quốc gia”.
Mô hình thành phố thông minh đã được tập đoàn IBM triển khai trên toàn thế giới. Hơn một nửa số dự án này là tại khu vực châu Á. Tại Việt Nam, theo đại diện IBM, với thành công bước đầu tại Đà Nẵng, mô hình thành phố thông minh được kỳ vọng tiếp tục phát triển tại Huế và Khánh Hoà.
Bà Poh Wah, Giám đốc chương trình Thành phố thông minh hơn, IBM châu Á - Thái Bình Dương nói: “Có hai tiêu chí mà dự án hướng tới cho các địa phương. Một là những lợi ích mà người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận được. Thứ hai là về phía lãnh đạo thành phố, dự án sẽ giúp họ quản lý, ra các quyết định xử lý trong tình huống khẩn cấp như tai nạn, thiên tai xảy ra trên địa bàn chính xác hơn, nhanh hơn”.
Việt Nam hiện đang đối mặt với áp lực đặt lên nguồn tài nguyên xuất phát từ sự gia tăng dân số những năm gần đây. Trước thực tế này, rõ ràng việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường khả năng quản lý tài nguyên và hệ thống hạ tầng là bước đi mang tầm chiến lược cần được quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ý kiến bạn đọc