Nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động KHCN những năm tiếp theo
HGĐT- Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt được nhiều thành quả nhất định, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh thành quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Do đó, việc định hướng nhiệm vụ trọng tâm hoạt động KHCN trong năm 2014 và những năm tiếp theo là yêu cầu cần thiết.
Khảo nghiệm giống lúa mới tại Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức.
Từ năm 2005 đến 2012, trên địa bàn có trên 100 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh được triển khai. Trong đó khối nông nghiệp chiếm 60% đề tài; khối điều tra cơ bản môi trường chiếm 11%; khối y tế, văn hóa xã hội chiếm trên 20%; khối giao thông, công nghiệp, xây dựng chiếm gần 10%. Các đề tài, dự án tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm của tỉnh. Qua đó góp phần không nhỏ giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ chuyên môn trên các lĩnh vực; tạo điều kiện cho người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào đời sống, sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung xác định công thức luân canh, cơ cấu cây trồng mới đối với các tiểu vùng sinh thái. Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nước, phân bón, chế phẩm nông nghiệp trong thâm canh. Trong đó có các đề tài hiệu quả như: Khảo nghiệm giống lê Đài Loan; Phục tráng, bảo tồn giống lúa Khẩu Mang, lúa Già Dui, nếp Yên Minh; khảo nghiệm các giống chè shan nhập nội chất lượng cao và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về máy móc, thiết bị chế biến...
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động KHCN vẫn tồn tại nhiều khó khăn, yếu kém. Nổi bật là số đề tài, dự án KHCN của các sở ngành, địa phương còn ít, nhiệm vụ đăng ký hàng năm tuy nhiều nhưng đa phần là đề tài nghiên cứu của các Viện, trường Đại học, trong đó có rất nhiều đề tài được các Viện, các trường thực hiện ở địa phương khác. Mặt khác, rất ít đề tài gắn với yêu cầu bức thiết và sự phát triển của Hà Giang. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả chưa cao; việc lồng ghép các công trình khoa học vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội yếu; việc liên kết thực hiện hoạt động khoa học còn ở mức độ thấp, thiếu các nhiệm vụ koa học mang tính đột phá và có tính vùng miền để triển khai với quy mô lớn; các Hội đồng xét chọn, thẩm định, nghiệm thu đề tài được thành lập nhưng tổ chức họp rất khó khăn do đa phần thành viên Hội đồng là lãnh đạo, quản lý của các ngành nên thường xuyên vắng mặt...
Trước những khó khăn, hạn chế trong hoạt động KHCN những năm vừa qua, việc định hướng hoạt động KHCN năm 2014 và những năm tiếp theo là yêu cầu cần thiết. Coi ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đời sống là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác. Huy động các nguồn lực để ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, trọng tâm là tạo sự gắn bó chặt chẽ mối quan hệ lợi ích 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông), nhằm tạo sự phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nâng cao tiềm lực KHCN của địa phương thông qua việc đầu tư chiều sâu gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức, cán bộ làm công tác khoa học. Khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Riêng trong năm 2014, các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ được hình thành theo nhóm, tập trung vào các lĩnh vực đó là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các loại giống, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải bảo vệ môi trường, giải quyết nước ăn, sinh hoạt; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch đặc thù tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng văn và các vùng đệm... Về công tác đào tạo, các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cần lồng ghép nội dung đào tạo đội ngũ kỹ thuật, tạo mạng lưới kỹ thuật và cộng tác viên trực tiếp nhân rộng, phổ cập các tiến bộ kỹ thuật. Huy động triệt để nguồn đầu tư phát triển cho KHCN hàng năm để tăng cường đầu tư chiều sâu cho các Trung tâm KHKT như Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, Phó Bảng. Hình thành lực lượng cán bộ chuyên trách về KHCN ở 11 huyện, thành phố và một số sở, ngành đi vào hoạt động ổn định, là đầu mối trong hoạt động quản lý, triển khai nhiệm vụ ở cơ sở.
Để giải quyết vấn đề trên, ưu tiên khoảng 70% nguồn ngân sách KHCN hàng năm dành cho các hoạt động ứng dụng. Tăng cường tiềm lực cho các trung tâm, trạm trại hoạt động khoa học. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN, đặc biệt là các dự án đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến KHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua các hội nghị đầu bờ, hội thảo, hội nghị chuyên đề khoa học...
Ý kiến bạn đọc