Nhân lực CNTT: Cần chất lượng hơn số lượng
Bên cạnh việc phát triển số lượng để khỏa lấp sự thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (CNTT), thì việc đào tạo những kỹ sư đủ chất lượng là rất quan trọng, giúp CNTT của Việt Nam “bước cùng” với thế giới.
Chưa đáp ứng được thực tiễn
Theo thống kê của Hội tin học TPHCM (HCA), hiện cả nước có 400 cơ sở đào tạo có liên quan đến CNTT. Từ nay tới năm 2015, mỗi năm ngành CNTT cần 20.000-25.000 người, trong khi quy mô đào tạo hiện mới chỉ đạt trên 10.000 người/năm. Nhưng đáng lo hơn, nếu tính số cử nhân đạt yêu cầu tuyển dụng thì còn thấp hơn nữa so với nhu cầu.
Qua 80 doanh nghiệp CNTT-truyền thông sử dụng 6.330 nhân lực mà HCA khảo sát, thì 28% số này đạt yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp, 72% phải đào tạo lại mới có thể theo kịp các dự án đang triển khai. Nguyên nhân là do 72% sinh viên không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề, 70% sinh viên không thành thạo ngoại ngữ.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty phần mềm FPT (FPT Software) cho biết: “Có thời gian, chúng tôi phải mất ít nhất là 3 tháng để đào tạo lại các kỹ năng cần thiết cho một sinh viên mới ra trường. Đây là điều đáng tiếc, vì lẽ ra, sinh viên phải được đào tạo những kỹ năng đó ở trong trường”.
Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang trở thành lực cản đối với nỗ lực của Việt Nam đưa CNTT trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang đặt ra trách nhiệm đối với ngành quản lý, mà trực tiếp là các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Chất lượng nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp là hệ quả của nhiều yếu tố, như cách tổ chức của ngành giáo dục không phù hợp, quy trình đào tạo chưa được chuẩn hóa, giáo trình cập nhật chậm so với xu hướng trên thế giới, chưa đầu tư đào tạo kỹ năng mềm… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp
Bài toán cần phải giải cho nhân lực CNTT Việt Nam là thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp. Để giải bài toán trên, các cơ sở đào tạo cần chủ động tạo ra môi trường doanh nghiệp cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bằng cách thành lập công ty giúp sinh viên lập nghiệp, hay liên kết chặt chẽ với những tổ chức tuyển dụng, kinh doanh. Nhờ đó, sinh viên không chỉ có điều kiện thực hành những kiến thức đã học, mà còn được cải thiện nhiều về kỹ năng mềm như cách làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian... Vài năm trở lại đây đã có một số cơ sở đào tạo đi theo hướng trên.
Đại học FPT đang triển khai mô hình tương thích “tuyển sinh-tuyển dụng”. Theo đó, sinh viên sẽ có từ 8 tháng đến 1 năm thực tập theo chương trình on-the-job-training tại Tập đoàn FPT và các đối tác để lấy kinh nghiệm thực tế. Không ít sinh viên đã ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp ngay trong quá trình này. Đặc biệt, tháng 5/2013, Đại học FPT đã chính thức thành lập Công ty Sáng tạo công nghệ FPT toàn cầu (FTICO), hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận để đầu tư pháp triển ý tưởng kinh doanh của sinh viên, gắn kết sinh viên với thực tiễn mà doanh nghiệp CNTT đòi hỏi.
“Lợi thế của sinh viên FPT khi so sánh trên mặt bằng chung có thể thấy rõ nhất ở khả năng tiếng Anh tốt, năng động và bắt nhịp với công việc nhanh. Về kế hoạch cho đến 2015, chúng tôi mong muốn sẽ tuyển được 1.500 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn. Mới đây chúng tôi đã tổ chức 2 đợt tuyển dụng tại Đại học FPT”, bà Hồ Thủy Linh, phụ trách tuyển dụng của Viettel R&D cho biết.
Theo Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng, hiện có hơn 3% sinh viên FPT đã thành lập và điều hành công ty của riêng mình ở nhiều quy mô khác nhau. 100% sinh viên sau khi ra trường đã có việc làm. Nhiều sinh viên đã được các doanh nghiệp lớn nhận vào làm việc chính thức với thu nhập khởi điểm 1.000 USD/ tháng khi chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã chủ trương xây dựng hệ thống doanh nghiệp trong trường nhằm tăng cường gắn kết giữa trường học và môi trường KT-XH, giữa đào tạo với sản xuất kinh doanh. Hiện Đại học Bách khoa có 2 công ty trực thuộc là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội và Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ Bách khoa. Nhiệm vụ chủ yếu của 2 công ty này là đầu tư phát triển công nghệ; nghiên cứu sáng tạo và thử nghiệm công nghệ mới; sản xuất các sản phẩm công nghệ cao…
Như vậy có thể thấy xu hướng giáo dục CNTT trong tương lai là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo. Doanh nghiệp thay vì đứng ngoài, thụ động thì đã bắt đầu chủ động, tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò vừa là nhà đầu tư vừa là khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.
Ý kiến bạn đọc