Châu Á, tương lai của ngành internet di động
Các chuyên gia tin rằng trung tâm của hệ sinh thái di động sẽ chuyển từ Mỹ và các nước Tây Âu sang châu Á.
Theo ước tính của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2013 số người dùng Internet di động tại các nước đang phát triển lần đầu tiên sẽ vượt qua các nước phát triển. Số thuê bao internet di động ở các nước đang phát triển đã tăng gấp 27 lần so với năm 2007, so với mức tăng chỉ gấp bốn lần ở các nước phát triển.
Trước đây tại các thị trường cũ, với việc các nhà mạng áp dụng chính sách trợ giá thiết bị, doanh số các thiết bị cao cấp đã đạt được những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo của sự tăng trưởng sẽ diễn ra tại các thị trường mới nổi với nhu cầu của khách hàng về các thiết bị rẻ tiền hơn, mức phí truy cập rẻ hơn tới các dịch vụ cũng rẻ tiền hơn.
Sự thay đổi này tạo ra những thách thức lớn đối với các tập đoàn lớn như Apple hay Samsung, hai công ty đã sản xuất ra hơn một nửa số smartphone được bán khắp trên thế giới.
Châu Á là động lực tăng trưởng
ITU cũng dự đoán rằng năm 2013, số người dùng Internet di động tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ nhiều hơn cả châu Âu lẫn châu Mỹ cộng lại. Và vẫn còn vô số cơ hội để phát triển: hiện chỉ có khoảng 23/100 người dân châu Á là người dùng Internet di động. Con số này là 67 ở châu Âu và 48 ở châu Mỹ. Ông Scott Lee, một quan chức của tập đoàn quảng cáo Exponential Interactive (Mỹ) cho rằng châu Á sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng internet di động trên toàn cầu trong vòng hai thập kỷ tới.
Sự tăng trưởng này có được phần lớn là nhờ các thiết bị giá rẻ hơn nhiều so với các thiết bị tương tự ở các nước phát triển. Trung Quốc, thị trường di động lớn nhất thế giới, đang nổi lên như một “chiến trường ác liệt” khi các tập đoàn nước ngoài gặp phải sự cạnh tranh dữ dội từ phía các đối thủ bản địa. Thí dụ như hãng Xiaomi của Trung Quốc đang bán ra các loại điện thoại trông giống hệt chiếc iPhone của Apple, nhưng có mức giá chỉ bằng một nửa chiếc iPhone 5.
Còn tại Ấn Độ, sự cạnh tranh thậm chí còn gay gắt hơn. Tại thị trường di động lớn thứ hai thế giới này, giá một chiếc điện thoại Android giá rẻ đã giảm một nửa xuống chỉ còn khoảng 50 USD. Thậm chí, mức giá này có thể sẽ giảm thêm khoảng 20 USD nữa trong năm tới, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm điện thoại giá rẻ của Nokia hay Samsung.
Hãng eMarketer ước tính rằng từ nay cho tới năm 2017, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm tới hơn 28% số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh mới của toàn thế giới. Trong khoảng thời gian này, số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh của riêng Ấn Độ cũng sẽ tăng gấp ba lần.
Các ứng dụng “hot”, các show trực tuyến
Điều đáng ngạc nhiên là tốc độ tiếp nhận của người dùng đối với những dịch vụ hàng đầu trên mạng internet di động là rất nhanh, thậm chí ngay cả khi chất lượng mạng không tốt lắm.
Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng hạn chế hay mức phí truy cập 3G đắt đỏ liên quan tới điện thoại và dịch vụ SMS vẫn làm nhiều người dùng ngần ngại. Năm ngoái, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, 62% trong tổng số điện thoại di động được bán ra tại Trung Quốc là điện thoại thông minh, nhưng chỉ có 16% số thuê bao có tiếp cận với mạng Internet di động.
Ông S. Mohan - sáng lập site Spuul chiếu các bộ phim Bollywood, nhận xét: “Tôi phát hiện rằng nếu bạn có một thiết bị thông minh thì bạn sẽ có nhu cầu rất lớn”. Bởi vậy, với mức giá smartphone ngày càng rẻ hơn và lượng khách hàng ngày một tăng lên, tương lai của internet di động sẽ là ở châu Á.
Ý kiến bạn đọc