Xếp hạng ứng dụng Công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước:
Những khoảng màu sáng tối
07:55, 15/05/2013
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc TƯ năm 2012 (CQNN). Theo đánh giá, mức độ ứng dụng CNTT vào phục vụ chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, DN có tiến bộ so với năm 2011, nhưng vẫn chưa gần dân.
Việc khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của CQNN năm 2012 dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai ứng dụng CNTT; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; nhân lực CNTT. Có 21/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 4/8 cơ quan thuộc Chính phủ và 62/63 tỉnh, TP tham gia xếp hạng về ứng dụng CNTT.
Ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước đã phục vụ tốt hơn cho người dân và DN khi tới làm việc. Ảnh: Bảo Kha |
Xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tổng thể khối các bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ TT-TT đứng thứ nhất với 444,09 điểm (năm 2011 đứng thứ 7), tiếp theo là Bộ Công thương đứng thứ hai (năm 2011 đứng thứ 6), Ngân hàng Nhà nước đứng thứ ba (năm 2011 đứng thứ 12)… Ở khối các cơ quan thuộc Chính phủ: Đài Truyền hình Việt Nam đứng thứ nhất; tiếp sau là Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam; thứ ba là Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh... Ở khối các tỉnh, TP: Đà Nẵng đứng vị trí thứ nhất (năm 2011 đứng vị trí thứ nhất); Hà Nội xếp thứ hai, tăng 17 bậc so với năm trước (năm 2011 đứng thứ 19); Thanh Hóa đứng vị trí thứ ba… Đáng chú ý, so với các năm trước, năm 2012, Thủ đô Hà Nội có bước tiến mạnh về ứng dụng CNTT khi vươn lên vị trí thứ hai của bảng xếp hạng về ứng dụng CNTT chung và đứng trong nhóm 5 đơn vị dẫn đầu ở các bảng xếp hạng theo các tiêu chí phụ khác. Ở tiêu chí xếp hạng rất quan trọng là ứng dụng CNTT vào phục vụ người dân và DN thì Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai, tăng 16 bậc (năm 2011 đứng thứ 18).
Trở lại với bản đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các CQNN năm 2012, điểm mới năm nay là trong báo cáo đã đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp hạng tốt, khá, trung bình. Về tổng thể, tỷ lệ cơ quan đạt mức tốt, khá có tăng nhưng vẫn còn thấp, cụ thể số lượng cơ quan đạt mức khá khoảng 20% (chỉ 8 bộ, cơ quan ngang bộ đạt loại khá về ứng dụng CNTT tổng thể, không có loại tốt); mức tốt là dưới 2% (chỉ có duy nhất Đà Nẵng của khối các tỉnh, TP đạt mức tốt về ứng dụng CNTT tổng thể). Còn xếp hạng theo các tiêu chí thành phần (về hạ tầng kỹ thuật; về ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động người dân và DN; về website), số lượng CQNN đạt mức tốt, khá tăng nhiều ở nhóm tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật CNTT với 10 bộ, cơ quan ngang bộ có hạ tầng CNTT tốt, 8 đơn vị có hạ tầng khá; 17 tỉnh, TP có hạ tầng tốt, 19 địa phương có hạ tầng khá. Về cung cấp thông tin trên website/portal: Trong năm 2012, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP đã cung cấp, cập nhật hàng nghìn tin, bài lên trang web của mình… Bộ Quốc phòng đã đưa cổng thông tin điện tử vào hoạt động. Với sự kiện này, mục tiêu 100% CQNN có cổng thông tin điện tử đã hoàn thành. Tỷ lệ trang web của các địa phương đạt mức khá tăng 10,3% và tốt tăng 8,2% so với năm 2011; các bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng website đạt mức khá tăng 2,8%, nhưng số lượng đạt mức tốt lại giảm 5,2%.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2012, số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ và số lượng dịch vụ công mức độ 3 được các địa phương cung cấp tăng nhiều. Ví dụ, năm 2010 có 38 tỉnh, TP cung cấp 748 dịch vụ mức độ 3, có 1 TP cung cấp 3 dịch vụ mức độ 4; năm 2011, có 38 tỉnh, TP cung cấp 829 dịch vụ mức độ 3, có 2 TP cung cấp 8 dịch vụ mức độ 4; thì đến năm 2012, 49 tỉnh, TP cung cấp 1.609 dịch vụ mức độ 3, có 2 TP cung cấp 5 dịch vụ mức độ 4. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, TP Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về ứng dụng CNTT của CQNN năm 2012 thì vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục. Chẳng hạn, ở tiêu chí ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN, có nhiều cơ quan bộ có mối liên hệ mật thiết với đời sống người dân nhưng lại bị xếp hạng ở mức trung bình khi đứng khá xa trong bảng xếp hạng. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (đứng thứ nhất về có hạ tầng kỹ thuật CNTT) lại đứng thứ 10 về tiêu chí phục vụ người dân và DN; Bộ Y tế đứng thứ 15/20, Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng thứ 18/20. Khối các tỉnh, TP, trong khi 4 địa phương: An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng đạt mức khá và lần lượt giữ các vị trí cao tương ứng từ 1 đến 4 về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN, thì TP Hồ Chí Minh lại ở nhóm trung bình (đứng thứ 12). Một địa phương khác là tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là phát triển mạnh về kinh tế, du lịch… lại đứng gần cuối bảng xếp hạng về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN. Như vậy cho thấy bên cạnh những CQNN làm tốt, vẫn còn có những đơn vị có mối liên hệ mật thiết với đời sống người dân, những địa phương có đông dân cư, có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển… vẫn chưa chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ người dân và DN.
hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc