Điện thoại, máy tính cũng gặp khó vì căng thẳng Hàn – Triều
Các chuyên gia phân tích cho rằng, một khi những lời đe dọa và vụ thử tên lửa của Triều Tiên trở thành sự thật, dẫn tới chiến tranh toàn diện, nguồn cung các sản phẩm như tivi LCD, smartphone, máy tính bảng chắc chắn sẽ bị gián đoạn.
Nhiều nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG đặt nhà máy tại Seoul, gần biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên. Biên giới này có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào nếu căng thẳng giữa hai bên đạt tới đỉnh điểm.
Theo Thomas J. Dinges, nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu IHS, hơn một nửa nguồn cung DRAM và một lượng không nhỏ bộ nhớ flash, màn hình trên thế giới được sản xuất tại Hàn Quốc.
Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce chỉ ra chỉ riêng quý bốn năm 2012, Hàn Quốc đã chiếm tới 78,5% thị phần DRAM toàn cầu, Nhật Bản xếp thứ hai với thị phần 19%. Phần lớn máy tính và laptop dùng DRAM để lưu trữ dữ liệu vì nó rẻ tiền hơn các phương án thay thế khác như SRAM.
Samsung là hãng đi đầu trong ngành bán dẫn Hàn Quốc với các khách hàng lớn như Apple, Qualcomm, Texas Instruments. Về lý thuyết, nếu chiến tranh tại Hàn Quốc khiến nhà cung ứng như Samsung không thể xuất khẩu, có thể nhận thấy ảnh hưởng tới các sản phẩm điện tử sau khoảng ba tháng do lượng hàng tồn kho hay đang luân chuyển chỉ đủ cầm cự trong khoảng thời gian này.
Đặc biệt, ngành công nghiệp tivi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong sản xuất màn hình LCD. Từ góc độ cung ứng, tỷ lệ màn hình LCD cho tivi được sản xuất tại Hàn Quốc cao hơn so với màn hình smartphone, máy tính bảng.
Bản thân các hãng điện tử Hàn Quốc cũng gặp khó nếu chiến tranh nổ ra. Ví dụ, Samsung dù sở hữu một số nhà máy nhỏ tại các khu vực khác trên thế giới như Mexico, châu Âu, hãng vẫn phụ thuộc phần lớn vào Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm riêng cũng như linh kiện cho khách hàng. Xét cho cùng, Samsung chủ yếu vẫn là công ty sản xuất tại gia.
Gián đoạn trong nguồn cung từ Samsung cũng tạo ra cơn địa chấn đối với khách hàng của Samsung. Phản ứng tự nhiên là những công ty phụ thuộc vào hãng điện tử Hàn Quốc sẽ sốc và thu mua bất cứ thứ gì có thể.
Tuy nhiên, chướng ngại vật lớn nhất cho khách hàng của Samsung là tìm kiếm nhà cung ứng mới. Có thể thấy điều này từ Nhật Bản trước đây. Năm 2011, cường quốc châu Á bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh 8,9 độ Richter, các hãng sản xuất màn hình chật vật trong cuộc tìm kiếm nhà cung ứng vật liệu mới để duy trì hoạt động. Sony, Toshiba và Texas Instrument phải tạm dừng hoạt động vài tháng sau thảm họa.
Tất nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực kể trên chỉ có thể xảy ra nếu quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc không thể cứu vãn. Dù vậy, có lẽ lãnh đạo các hãng điện tử lớn đã bắt đầu bàn thảo sách lược để đối phó trong trường hợp không may mắn nhất.
Ý kiến bạn đọc