Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
HGĐT- Trong quá trình phát triển KT-XH, việc khai thác, sử dụng nguồn nước diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Dù được đánh giá là giàu tiềm năng về nước nhưng thực trạng quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhằm giải quyết những tồn tại cũng như nâng cao công tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước, tỉnh ta đã lập Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2020.
Hà Giang được đánh giá giàu tiềm năng về nước. Tài nguyên nước mặt của tỉnh phong phú do có tâm mưa Bắc Quang, lượng mưa trung bình hàng năm trên 4.800 mm. Cùng với đó, do đặc điểm địa hình hiểm trở nên sông, suối phát triển khá dày với hệ thống sông lớn chảy qua như: Sông Lô, sông Gâm, sông Chảy, sông Nho Quế. Nguồn nước dưới đất cũng chưa được điều tra, đánh giá chính xác nhưng có thể nhận định ở mức độ tương đối giàu nước. Tuy nhiên, dù được đánh giá có nguồn tài nguyên nước lớn nhưng do điều kiện địa lý, khí hậu và những nguyên nhân khách quan khác nên tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện những hạn chế, tồn tại. Nguồn tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phân bố không đồng đều dẫn đến việc khai thác, quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất diễn ra nghiêm trọng. Tranh chấp về mục tiêu sử dụng các nguồn nước đã bắt đầu nảy sinh tại một số nơi trong tỉnh. Cùng với đó, hệ thống sông lớn chảy qua tỉnh đều là sông quốc tế nên lượng nước, chế độ nước phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khai thác sử dụng bên nước bạn Trung Quốc. Một ví dụ điển hình đó là lượng nước, chất lượng nước trên sông Lô đang ngày càng giảm sút do nước bạn đầu tư, xây dựng nhiều công trình thủy điện phía đầu nguồn nên đã giữ lại lượng nước từ 10 đến 15% tổng lượng nước sinh ra trên lưu vực. Chất lượng nước tại Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi sông Lô chảy vào Hà Giang, cũng có dấu hiệu ô nhiễm. Do đặc điểm địa hình núi đá, nhiều hang động Karst nên việc tìm kiếm nguồn nước dưới đất gặp rất nhiều khó khăn...
Hồ “treo” đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng cao Thài Phìn Tủng (Đồng Văn).
Trong những năm qua, tỉnh cũng quan tâm đến công tác quản lý, khai thác nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các chương trình, dự án, hàng nghìn công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, nông nghiệp được đầu tư xây dựng. Trong đó phải kể đến hệ thống hồ “treo” chứa nước được xây dựng trên các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao... Tuy nhiên, đến nay lượng nước được khai thác mới đảm bảo cấp nước cho 40% nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân; 14.000ha/149.000ha đất nông nghiệp đáp ứng được nguồn nước tưới tiêu.
Việc lập Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước toàn tỉnh đến năm 2020 được thực hiện để giải quyết các vấn đề tồn tại trong khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển KT-XH. Quy hoạch tập trung nghiên cứu, xem xét, đánh giá một số vấn đề trọng tâm, đó là: Dự báo nhu cầu sử dụng nước; đánh giá tiềm năng nguồn nước mặt, nước dưới đất; xác định các vấn đề trong khai thác sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế diễn biến tài nguyên nước trong kỳ quy hoạch; tính toán phân bổ kết hợp tài nguyên nước cho các ngành dùng nước trên địa bàn đến năm 2020 theo 2 kịch bản trong trường hợp bình thường và trường hợp thiếu nước, qua đó lựa chọn phương án tối ưu để đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý. Sau một thời gian triển khai, nghiên cứu, Quy hoạch đã hoàn thành và đạt được mục tiêu đề ra. Đã đánh giá chính xác tình hình hạn hán, thiếu nước ở 4 huyện phía Bắc và thiếu nước sản xuất nông nghiệp tại các huyện vùng thấp. Qua đó tiến hành đề xuất các giải pháp khai thác cho các vùng trên theo thứ tự ưu tiên. Tính toán lượng nước đến của các sông, suối trên địa bàn, tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm sinh ra trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, đạt 8,3 tỷ m3/năm. Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được tính toán có trữ lượng xác định được là 1.657.768 m3/ngày. Tính toán, đánh giá hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của ngành kinh tế đặc biệt là ngành Nông nghiệp, sinh hoạt, thủy sản, chăn nuôi, công nghiệp... Xác định được xu thế biến động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tổng nhu cầu nước toàn tỉnh năm 2010 là 316,7 triệu m³/năm, đến năm 2020 nhu cầu 387,37 triệu m³/năm. Quy hoạch đã tính toán cân bằng nước mặt theo 2 trường hợp nước đến trung bình và nước đến ít cũng như cân bằng nước dưới đất cho nhu cầu sử dụng đến năm 2020, qua đó đánh giá khả năng đáp ứng của tài nguyên nước và ngưỡng giới hạn khai thác nước cho từng khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra 3 phương án phân bổ tài nguyên nước ứng với 2 trường hợp năm nước ít và năm nước trung bình. Qua tính toán định lượng cân bằng nước 3 phương án đã đưa ra được bức tranh tổng thể về việc phân bổ chia sẻ nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Từ đó xác định được các khả năng thiếu nước trong các kỳ quy hoạch theo từng phương án. Đã lựa chọn phương án 3 đề xuất cho quy hoạch tài nguyên nước là phương án phân bổ, chia sẻ nguồn nước một cách hài hòa, đồng thời đảm bảo được các mục tiêu sử dụng nước. Phương án này đảm bảo 100% nhu cầu nước cho sinh hoạt và hạn chế mức thiếu nước thấp nhất cho các ngành nghề khác, đồng thời đảm bảo nhu cầunước cho môi trường trên sông chính.
Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020 cũng đề xuất một số ý kiến quan trọng giúp tỉnh thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước như: Hợp tác với nước bạn trong quản lý các lưu vực sông quốc tế, giảm thiểu tác động của việc sử dụng tài nguyên nước không hợp lý gây suy giảm nguồn nước về Việt Nam; trên cơ sở phương án phân bổ tài nguyên nước, các ngành, địa phương đề xuất triển khai các dự án khai thác nước, xác định được các ưu tiên phù hợp trong việc phân bổ chia sẻ nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, tăng cường trao đổi thông tin tài nguyên nước và dữ liệu liên quan phục vụ giám sát, chỉ đạo quản lý khắc phục và giảm thiểu tác động của tình trạng suy giảm nguồn nước đến đời sống và phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường; hiện nay, tỉnh đã có một số lỗ khoan ở các huyện phía Bắc có nước nhưng chưa được khai thác, sử dụng, trong thời gian tới cần tiến hành thi công khai thác phục vụ nhân dân. Để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nước, cần khảo sát chi tiết các công trình khai thác nước mặt, nước ngầm, qua đó, tiến hành nâng cấp, sửa chữa các công trình đã bị xuống cấp và hư hỏng...
Ý kiến bạn đọc