Trà xanh Shan tuyết Thông Nguyên - hứa hẹn tiềm năng
HGĐT - Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) có đặc sản nổi tiếng mà thị trường biết đến là sản phẩm từ cây chè Shan tuyết. Đây là một tiềm năng, thế mạnh của địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để phát triển, xây dựng thương hiệu trên thị trường. Bài viết nhằm giới thiệu những kết quả đạt được, mặt hạn chế, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển trồng chè, chế biến sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ thông qua nhãn hiệu hàng hóa.
Vườn chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên.
Ảnh: Khánh Toàn
Trong chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học - Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh (giai đoạn 2011-2015) ngày 14.12.2012, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị liên kết 4 nhà trong sản xuất và chế biến chè tại xã Thông Nguyên. Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo tại hội nghị cho thấy, xã Thông Nguyên có 463,5 ha chè, diện tích chè cho thu hoạch 339,5 ha, diện tích đang chăm sóc 74 ha, diện tích trồng mới 51 ha. Xã có 636 hộ dân thì có đến gần 90% số hộ tham gia phát triển cây chè. Trên địa bàn xã có 148 cơ sở sản xuất, sơ chế qui mô hộ gia đình, trong đócó 1 HTX có xưởng chế biến mang nhãn hiệu Phìn Hồ trà với qui mô nhỏ (3-5 tấn búp tươi/ngày). Qua nhiều năm phát triển cây chè, từ cán bộ cho đến nhân dân trên địa bàn đã có nhận thức khá tốt về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chế biến chè xanh. Chính vì vậy, sản phẩm chè xanh Thông Nguyên có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài chất lượng thơm mát, bổ dưỡng thì ngoại hình sáng đẹp, nước xanh... Đặc biệt chè xanh Thông Nguyên được đánh giá chè sạch, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Các xưởng chế biến hàng năm cơ bản đã thu mua hết lượng chè búp tươi, sản lượng bình quân hàng năm của xã là 1.600 tấn cho nhân dân với giá giao động từ 6.000-7.000 đồng/kg. Đây chính là nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng chè, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời từng bước bảo tồn và phát triển thương hiệu, tài sản trí tuệ “Trà xanh Thông Nguyên” của địa phương. Để đạt kết quả to lớn như vậy phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển cây chè. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ lãi xuất vay vốn; hỗ trợ về giống; hỗ trợ đầu tư thiết bị công nghệ chế biến; hỗ trợ tập huấn khuyến nông; khuyến công. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế cho thấy, do đặc điểm tự nhiên chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, điều kiện đi lại từ các thôn bản có vườn chè đến xưởng chế biến xa nên chè búp tươi vận chuyển đến xưởng rễ bị dập nát, làm cho chất lượng sau chế biến giảm. Vườn chè được trồng theo khóm kết hợp chè cổ thụ có từ lâu đời. Chè được phân bố rải rác, mật độ cây chè trong vườn thấp khó chăm sóc. Ngoài ra giá cả thu mua bình quân thấp dẫn đến nhiều hộ có chè mà không thu hái. Mặt khác, công nghệ, thiết bị chế biến còn lạc hậu, lao động thủ công chiếm tỷ lệ lớn trong dây truyền sản xuất. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất cao, lợi nhuận bị giảm, đồng nghĩa với tiềm năng thế mạnh cây chè Shan tuyết của xã chưa khai thác triệt để.
Để góp phần từng bước tháo gỡ những khó khăn, trong quá trình phát triển trồng chè, chế biến sản phẩm và từng bước phát triển và xây dựng thương hiệu trên thị trường đòi hỏi phải có sự liên kết 4 nhà cùng vào cuộc để giúp nhà nông phát triển đặc sản chè Shan Thông Nguyên thông qua một số giải pháp cụ thể. Đối với nhà nước: Tiếp tục có chính sách hỗ trợ lãi vay với mục tiêu “Tiếp tục cải tạo vườn chè, phát triển diện tích trồng mới đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ thiết bị chế biến hiện nay”. Xây dựng, bổ sung xưởng chế biến mi ni có trình độ thiết bị thích hợp tại các thôn bản. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao về kỹ thuật trồng và chế biến chè xanh cho nhân dân. Thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Với các nhà khoa học: Tham gia tích cực nghiên cứu, đề xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Thiết kế xây dựng mô hình vườn chè đạt tiêu chuẩn trên đất dốc. Đổi mới nâng cao trình độ thiết bị công nghệ sản xuất chế biến chè xanh. Với các doanh nghiệp và nhà nông cần chú trọng hợp tác, liên kết chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái vận chuyển đến nhà máy chế biến đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cần có chính sách thu mua ổn định, đúng giá trị, thị trường khu vực. Đảm bảo khuyến khích được người trồng chè có thu nhập cao, ổn định. Các doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu đầu tư cho đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, mở rộng qui mô sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên cả nước.
Hy vọng, với một số giải pháp đồng bộ trên sẽ giúp xã giải quyết những khó khăn trong sản xuất chế biến chè xanh hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả của cây chè trên địa bàn xã, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Th.sỹ NGUYỄN VĂN BÌNH
(Sở Khoa học - Công nghệ)
Ý kiến bạn đọc