Kết quả bước đầu trong việc thực hiện Đề án chuyển đổi chất đốt tại huyện Quản Bạ
HGĐT- Theo thống kê cho thấy, số hộ sử dụng chất đốt hàng ngày là củi được lấy từ rừng tự nhiên, rừng trồng và phế thải từ chế biến gỗ, các phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ ngày một tăng (chiếm 83,5%); số hộ dùng than, gas và các chất đốt thay thế củi là rất ít chỉ chiếm 16,5%.
Nguyên nhân do người dân chưa có điều kiện kinh tế sử dụng các chất đốt thay thế củi và cũng theo tính toán mức tiêu thụ củi trung bình của một hộ dân trong huyện là 19kg củi/ngày, điều này gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sự sinh trưởng, phát triển của rừng.
Bếp đun cải tiến của hộ gia đình anh Hùng Văn Minh, thôn Má Hồng, xã Thanh Vân đang phát huy tốt hiệu quả sử dụng.
Trước thực tế đó, trên cơ sở Đề án “Chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015” nhằm hạn chế tình trạng khai thác cây rừng làm chất đốt, cải thiện môi trường sinh thái, huyện Quản Bạ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chất đốt trên địa bàn một cách cụ thể với mục tiêu là đến năm 2015 sẽ xây dựng được 4.864 bếp đun cải tiến cho hộ gia đình; 49 bếp đun cải tiến cho các trường bán trú dân nuôi; xây dựng 1.280 bể Biogas và tiến hành trồng mới 230.900 cây phân tán các loại. Để thực hiện được những mục tiêu trên, việc phổ biến rộng rãi các loại bếp đun cải tiến phù hợp với phong tục tập quán đun nấu của người dân địa phương được coi là vấn đề cần thiết. Nếu phổ biến rộng rãi các bếp đun cải tiến thì hiệu quả nó mang lại là rất lớn không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn giải quyết tốt các vấn đề về môi trường. Ngay trong năm đầu thực hiện (năm 2011), huyện Quản Bạ đã thực hiện thí điểm xây bếp đun cải tiến tại 4 xã là: Thanh Vân, Quyết Tiến, Lùng Tám, Cán Tỷ với tổng số 125 bếp; mở 2 lớp tập huấn tại 2 xã là Thanh Vân, Lùng Tám cho các đối tượng trực tiếp làm thợ xây dựng bếp đun cải tiến và xây bể Biogas, trưởng thôn bản, hộ gia đình trực tiếp sử dụng các giải pháp chuyển đổi chất đốt. Qua đánh giá cho thấy, bếp đun cải tiến có nhiều ưu điểm, phù hợp với phong tục, tập quán và được người dân đón nhận tích cực. Trên cơ sở thành công bước đầu, năm 2012 huyện Quản Bạ xây dựng kế hoạch thực hiện xây 1.627 bếp đun cải tiến tại các xã, thị trấn trong toàn huyện, đến hết tháng 8.2012 đã thực hiện được 568 bếp và hiện đang triển khai xây dựng 333 bếp, số còn lại nhân dân đang đăng ký. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 300 nghìn đồng/bếp, huyện Quản Bạ trích kinh phí từ nguồn vốn chương trình nông nghiệp trọng tâm hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/bếp. Đối với hộ xây bể Biogas, huyện hỗ trợ 100% lãi suất (0,65%) trong 2 năm để người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện chuyển đổi sang bếp đun cải tiến.
Điều đáng nói là nhận thấy được lợi ích của việc sử dụng bếp đun cải tiến, hơn nữa kinh phí đầu tư xây dựng bếp đun cải tiến không lớn chỉ khoảng 700 đến 1 triệu đồng (tùy vào kích cỡ của bếp) là có thể xây được bếp đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình, nhiều người dân trong huyện, nhất là tại các xã Thanh Vân, Cán Tỷ, Lùng Tám, Quyết Tiến đã chủ động mua vật liệu về để xây bếp. Đặc biệt, tại xã Thanh Vân, toàn xã hiện có tới hơn 1/3 số hộ dân (300 hộ) có bếp đun cải tiến. Chủ tịch UBND xã Thanh Vân Nguyễn Việt Tiến cho rằng: Việc sử dụng bếp đun cải tiến đã dần làm thay đổi nhận thức, thói quen của nhân dân trong việc sử dụng chất đốt, hạn chế việc người dân sống phụ thuộc vào rừng, nó không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội mà còn giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, làm tăng trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn các giá trị di sản Cao nguyên đá Đồng Văn.
Anh Hùng Văn Minh, người dân thôn Má Hồng, xã Thanh Vân cho biết: Từ thực tế gia đình làm nghề nấu rượu kết hợp với chăn nuôi lợn hàng hoá nên nhu cầu sử dụng chất đốt là củi rất lớn. Nếu như trước đây dùng bếp kiềng và bếp lò được đắp bằng đất thì hiệu suất của bếp rất thấp, không tận dụng được tối đa lượng nhiệt toả ra từ chất đốt, gây lãng phí củi rất lớn. Anh Minh nhẩm tính, dùng bếp kiềng, với cường suất mỗi ngày gia đình nấu 3 nồi rượu bán ra thị trường 200 lít rượu kết hợp với nấu cám nuôi 20 con lợn thịt mỗi ngày trung bình gia đình anh tiêu tốn trên dưới 500kg củi và hàng ngày gia đình mất một lao động lên rừng lấy những cành củi khô hoặc phải mua thêm củi về đun. Để giảm mức độ chi phí, tiêu tốn củi, năm 2011 vừa qua, cùng với số tiền của gia đình, anh được Dự án phát triển cộng đồng tổng hợp huyện Quản Bạ hỗ trợ xây 1 bếp đun cải tiến trị giá 1,3 triệu đồng, sử dụng bếp này đã tiết kiệm được trên một nửa lượng chất đốt, tiết kiệm được cả thời gian, công lao động, điều đó đã giúp gia đình có thêm điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống hơn. Anh Minh cho biết thêm, từ lợi ích dùng bếp đun cải tiến đem lại, trong thôn của anh hiện có 2/3 số hộ đã sử dụng bếp đun cải tiến.
Có thể nói, những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án “Chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015” trên địa bàn huyện Quản Bạ là hết sức khả quan. Đề án được triển khai đã dần làm thay đổi thói quen, tập quán lâu đời của người dân địa phương dùng gỗ, củi để đun nấu, qua đó không những tiết kiệm được tiền của, thời gian, góp phần vào công cuộc XĐGN trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc