Tuyết rơi trên sao Hỏa
Một phi thuyền bay quanh sao Hỏa phát hiện những bông tuyết rơi ở cực nam của hành tinh đỏ.
Phi thuyền Mars Reconnaissance Orbiter, đang bay quanh sao Hỏa, phát hiện tuyết rơi ở cực nam của hành tinh đỏ. Ảnh: NASA. |
Paul Hayne, một chuyên gia của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực thuộc NASA, cùng các đồng nghiệp phát hiện tuyết rơi trên sao Hỏa sau khi phân tích dữ liệu do thiết bị Mars Climate Sounder của tàu Mars Reconnaissance Orbiter thu thập trong mùa đông ở cực nam của hành tinh đỏ từ năm 2006 tới năm 2007.
Tuyết được tạo nên bởi carbon dioxide (CO2) đóng băng ở cực nam của sao Hỏa và mỗi hạt có kích thước tương đương tế bào máu của người, Space đưa tin.
“Đây là bằng chứng rõ ràng đầu tiên về sự tồn tại của những đám mây tuyết trên sao Hỏa, Chúng tôi khẳng định những đám mây đó được tạo nên bởi CO2 và độ dày của chúng đủ lớn để tạo ra mưa tuyết”, Hayne phát biểu.
Với phát hiện của Mars Reconnaissance Orbiter, sao Hỏa là thiên thể duy nhất trong hệ Mặt Trời có những điều kiện thời tiết để tuyết có thể rơi. Phát hiện cũngcho thấy sao Hỏa có hai loại tuyết.
Vào năm 2008, thiết bị thăm dò tự hành Phoenix của NASA phát hiện tuyết rơi gần cực bắc của hành tinh đỏ, song loại tuyết ấy được tạo nên bởi nước.
Giới thiên văn vẫn chưa biết rõ lý do khiến băng CO2 tồn tại ở cực nam của sao Hỏa mà không xuất hiện ở những nơi khác.
Băng CO2 chỉ rơi khi nhiệt độ xuống tới mức -125 độ C. Vì thế hiện tượng băng rơi trên sao Hỏa chỉ củng cố một điều mà giới khoa học đã biết: bề mặt sao Hỏa rất lạnh.
Ý kiến bạn đọc