Giải pháp phát triển rau, hoa Phó Bảng (Đồng Văn) và các xã phụ cận từ nay đến 2015, tầm nhìn 2020
HGĐT- Hà Giang là một trong 3 tỉnh được Bộ NN - PTNT phê duyệt là vùng trồng hoa ôn đới cao cấp. Cây hoa đã được trồng từ lâu ở tỉnh, nhất là khu vực huyện Quản Bạ, Đồng Văn. Do địa hình vùng núi cao, khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình khoảng 16 - 220C. Đặc biệt vào mùa hè, nền nhiệt cũng không cao là lợi thế cho việc sản xuất các loại hoa ôn đới có chất lượng hơn hẳn các vùng đồng bằng.
Hiện nay, tại Đồng Văn đã hình thành vùng hoa tương đối tập trung. Nhiều hộ nông dân đầu tư sản xuất hoa chất lượng cao phục vụ thị trường tiêu thụ (chủ yếu là Hà Nội), đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, số lượng hoa của tỉnh sản xuất chưa nhiều, chủng loại hoa chưa đa dạng, chất lượng hoa chưa thực sự cao. Tại Phó Bảng và các xã phụ cận của huyện Đồng Văn còn gặp nhiều khó khăn như: Địa bàn xa các trung tâm đô thị; giao thông không thuận lợi; thời gian bảo quản sản phẩm dài; trình độ dân trí khu vực thấp, khó tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho việc trồng, chăm sóc các loại giống rau, hoa mới, chất lượng cao; chưa có quy hoạch chi tiết cho vùng sản xuất rau, hoa; cơ sở hạ tầng thấp, đặc biệt, cơ sở vật chất của Trung tâm Khoa học Kỹ thuật giống cây trồng và gia súc Phó Bảng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất các loại giống rau, hoa mới; giá thành sản phẩm tới người tiêu dùng cao do giao thông khó khăn, sản phẩm phải bảo quản lâu; cơ chế ưu đãi đầu tư và mối liên kết 4 nhà chưa hình thành rõ ràng; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định và thiếu gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Tuy nhiên vùng cũng có những thuận lợi nhất định như: Các xã Phó Bảng, Phố Cáo, Phố Là, Sủng Là có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, đặc trưng cho khí hậu vùng cao núi đá của tỉnh, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của nhiều loại rau, hoa, đặc biệt là rau, hoa ôn đới. Địa hình khu canh tác là các thung lũng tương đối bằng phẳng, thuận tiện đường giao thông, có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu, đã nằm trong quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh. Có sự quan tâm chỉ đạo và mong muốn của lãnh đạo tỉnh về phát triển vùng sản xuất rau, hoa tập trung chất lượng cao tại Phó Bảng; có Trung tâm Giống và gia súc Phó Bảng; các sản phẩm rau, hoa của vùng đã được thị trường trong nước tín nhiệm, ưa dùng (hoa Hồng, Ly...).
Trên cơ sở những khó khăn, thuận lợi đó, để phát triển vùng rau, hoa Phó Bảng và các vùng lân cận, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất giải pháp phát triển như: Tiến hành nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất rau, hoa Phó Bảng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, quy hoạch và thiết kế đồng bộ hệ thống tưới và giao thông nội đồng. Thí điểm xây dựng một số mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao để thực hiện trồng rau, hoa chất lượng cao, có thể trồng trái vụ để đúc rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng; tăng cường sử dụng các loại phân bón thế hệ mới thân thiện môi trường như phân hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, mở rộng áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chống suy thoái đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường; giao cho Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới phối hợp với các Viện, Trường Đại học xây dựng các dự án chuyển giao công nghệ sản xuất các loại giống rau, hoa mới chất lượng cao để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư bằng nguồn vốn chương trình nông thôn miền núi hàng năm. Qua những dự án này, các Trung tâm sẽ củng cố được cơ sở vật chất và nâng cao trình độ KHCN cho cán bộ kỹ thuật. Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối kết nối với các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ để trình dự án xin Bộ đầu tư. Cho thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh vào dự án rau, hoa trên địa bàn. Nâng cao tầm và vị thế của Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng làm hạt nhân thúc đẩy phát triển sản xuất vùng rau, hoa. Nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau, hoa chất lượng cao; xây dựng Website giới thiệu về những sản phẩm rau, hoa gắn với các vùng sản xuất hàng hóa an toàn. Tăng cường đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông), gắn sản xuấtvới chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phân chia hợp lý lợi nhuận cho mọi đối tượng tham gia, nhất là bảo đảm quyền lợi của nhà nông.
Dự kiến quy mô sản xuất: Xây dựng các vùng sản xuất hoa ôn đới chất lượng cao tập trung ở 2 huyện có điều kiện khí hậu ôn đới là Quản Bạ và Đồng Văn với diện tích là 70 ha, sản lượng ước đạt 25 triệu bông vào năm 2015 và đạt 100 ha, sản lượng 35 triệu bông vào năm 2020. Tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường cho các huyện vùng cao núi đá. Đưa ra các giải pháp đảm bảo phát triển vùng hoa ổn định, vững chắc.
HẰNG NGA
(Sở Khoa hoc – Công nghệ)
Ý kiến bạn đọc