Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng:
Trồng khảo nghiệm một số giống ngô lai
HGĐT- Là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT, Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng đã thực hiện nhiều đề tài khoa học trong nông nghiệp và áp dụng thành công trong sản xuất. Nhằm nâng cao năng suất cây lương thực tại các huyện vùng cao núi đá phía Bắc, Trung tâm đã triển khai thành công nhiều mô hình khảo nghiệm các giống ngô lai có khả năng áp dụng trồng đại trà tại các huyện này.
Trung tâm nằm tại thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) có khí hậu tương đối phức tạp, về mùa Hè thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ trung bình từ 20 – 25 độ C, mùa Đông khô hạn kéo dài, nhiều sương mù, độ ẩm thấp. Đất đai ở Phó Bảng thuộc thành phần đất thịt nhẹ, tầng canh tác tơi xốp, dễ thoát nước. Như vậy, khí hậu, thời tiết cũng như đất đai ở đây khá tương đồng với nhiều vùng ở 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh ta. Xác định cây ngô là cây lương thực chính của đồng bào nơi đây, vụ Xuân vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Syngenta tiến hành trồng khảo nghiệm một số giống ngô lai nhằm xác định khả năng thích ứng, năng suất, chất lượng; khả năng sinh trưởng và phát triển; khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh; các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của các giống ngô được trồng khảo nghiệm. Các giống ngô được đưa và trồng khảo nghiệm là: NK 54, NK 67 và NK 7328 với tổng diện tích 0,5 ha (trong đó có ngô NK54 đối chứng được trồng theo tập quán của địa phương). Các loại giống ngô trên được gieo từ 30.3, mọc vào ngày 10.4 (riêng giống NK7328 mọc vào 14.4). Tổng thời gian sinh trưởng (từ ngày gieo đến ngày ngô chín hoàn toàn) giống NK 54, NK 67 120 ngày; giống NK 7328 125 ngày và ngô đối chứng 115 ngày. Qua kết quả theo dõi cho thấy, từ khi gieo đến khi nảy mầm thời gian bị kéo dài do thời tiết khô hạn, tỷ lệ nảy mầm của các giống ngô chỉ đạt từ 90 – 95%. Giai đoạn cây 3 – 5 lá, sau khi vun đợt 1 cây sinh trưởng và phát triển khỏe, không có sâu bệnh hại. Giai đoạn ngô 7 – 8 lá, vun xong đợt 2 kết hợp với vun cao chống đổ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây phát triển mạnh cho đến khi trỗ cờ không có sâu bệnh. Chiều cao trung bình của các giống ngô trên từ 2,7 đến 2,8 mét, chiều cao đóng bắp 1,1 đến 1,2 mét, chiều dài bắp từ 21 đến 22 cm, đường kính bắp từ 0,4 đến 0,5 cm. Cây có bộ rễ phát triển mạnh do đó có khả năng chống hạn, chống đổ tốt, bắp có vỏ bi bao kín đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản. Về các yếu tố cấu thành năng suất (Số cây/m vuông, số bắp trên cây, số hàng trên bắp, số hạt trên hàng...) cho năng suất lý thuyết đối với giống NK 54 là 120 tạ/ha, giống NK67 đạt 119 tạ/ha, giống NK 7328 là 146 tạ/ha và ngô đối chứng là 126 tạ/ha. Tuy nhiên, năng suất thực thu của NK 54 là 118 tạ/ha, NK 67 bằng 92,7 tạ/ha, NK 7328 đạt 109 tạ/ ha và năng suất của ngô đối chứng đạt 84 tạ/ha. Như vậy, giống ngô trồng đối chứng có năng suất thấp hơn 3 giống ngô được trồng khảo nghiệm.
Trao đổi với đồng chí Mai Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm về hiệu quả kinh tế của mô hình được biết: Riêng giống ngô NK 54 với giống đối chứng chi phí trên 1 ha vật tư về phân chuồng, phân hóa học, công lao động... thì giống ngô đối chứng có tổng chi 14.210.000 đồng, năng suất đạt 8.400 kg x 5.500 đồng/kg (giá ngô hạt thị trường hiện tại ở Phó Bảng) được 46.200.000 đồng. Trừ chi phí còn được 31.990.000 đồng. Chi phí cho 1 ha ngô NK 54 là 14.390.000 đồng, năng suất đạt 11.800 kg x 5.500 đồng được 64.900.000 đồng, trừ chi phí còn lại 50.510.000 đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế chênh lệch giữa ngô NK 54 với ngô đối chứng là 18.520.000 đồng/ha. Với kết quả này, Trung tâm đề nghị các phòng Nông nghiệp – PTNT, các xã thuộc 4 huyện vùng cao núi đá khuyến cáo quy trình trồng ngô NK 54 để người dân áp dụng trồng đại trà trên diện rộng. Đối với giống ngô NK 67 và NK 7328, Trung tâm tiếp tục khảo nghiệm ở các vụ sau có nền canh tác khác nhau để đánh giá chính xác hơn về khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây để khi triển khai gieo trồng đại trà đạt hiệu quả cao.
Ý kiến bạn đọc