Quy định nào cho hoạt động kinh doanh đa cấp?
10:37, 22/08/2012
Vì không có những quy định cụ thể trong quản lý mô hình kinh doanh đa cấp, nên khi thực hiện giao dịch, người dân phát hiện bị lừa cũng không có cơ sở nào để lấy lại được tiền…
Vụ việc MB24 gây xôn xao dư luận. |
Bộ Công thương vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định mới về thương mại điện tử (TMĐT). Đây là văn bản thay thế cho Nghị định 57 năm 2006. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là những quy định về hoạt động kinh doanh đa cấp TMĐT như MB24 trong thời gian vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, vì không có những quy định cụ thể quản lý hoạt động mô hình kinh doanh này, nên nhiều công ty khi thực hiện các giao dịch với người dân đều không có hóa đơn, chứng từ, chỉ lấy danh nghĩa TMĐT để núp bóng, khi phát hiện bị lừa cũng không có cơ sở nào để lấy lại được tiền.
Để tránh những sự việc đáng tiếc như MB24, theo bà Hồ Thúy Ngọc, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, ngoài quy định hành vi bị cấm về hoạt động mô hình này, dự thảo nghị định mới cần bổ sung quy định về hợp đồng TMĐT để giúp người tiêu dùng có những cơ sở pháp lý khi có tranh chấp xảy ra. Nghị định cần quy định rõ việc giải quyết tranh chấp, hiện nay mới chỉ là khiếu nại, mà khiếu nại và tranh chấp là những quy trình liên tiếp nhau. Vấn đề nữa là làm rõ những giao dịch… như vậy khi người tiêu dùng tham gia giao dịch qua mạng, nếu có xảy ra vấn đề gì thì đã có cơ sở pháp lý.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng TMĐT với đối tác nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, đây là khiếm khuyết lớn về nội dung, vì bản chất của hợp đồng TMĐT là phi biên giới, việc giao dịch giữa hai chủ thể thuộc hai quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra, khi đó vấn đề tranh chấp từ hợp đồng TMĐT sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước nào.
Theo ông Mai Anh, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, dự thảo nghị định mới cần phải tham chiếu một số luật khác để phù hợp với thực tế. “Nghị định mới cần nghiên cứu tham chiếu luật thương mại, bởi những TMĐT chỉ là môi trường kinh doanh của thương mại, tức là của các thương nhân”.
Hoạt động TMĐT ở Việt Nam đã được luật hóa sau khi Luật Giao dịch điện tử năm 2006 và Nghị định 57 của chính phủ được ban hành, tuy nhiên đây chỉ là các văn bản điều chỉnh những vấn đề căn bản của hoạt động này, Nghị định 57 mới chỉ quy định đến vấn đề chứng thực điện tử, còn dự thảo nghị định mới bao gồm 7 chương với đầy đủ các hoạt động liên quan đến các giao dịch, kinh doanh TMĐT.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch điện tử, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc cung cấp thông tin, giao kết và thực hiện hợp đồng với người mua hàng hóa, dịch vụ. Dự kiến, cuối năm nay, Dự thảo nghị định mới sẽ được trình lên Thủ tướng.
Ý kiến bạn đọc