Một con voọc Cát Bà 'mất tích'
Người đứng đầu dự án Bảo tồn voọc Cát Bà vừa gửi thông báo về việc một con voọc, đang được chuẩn bị di dời đến khu bảo tồn, mất tích.
Những con voọc sống trên đảo Cát Bà.
Trong bức thư gửi các cơ quan địa phương hồi giữa tháng này, ông Rick Passaro, Giám đốc dự án Bảo tồn voọc Cát Bà cho biết các nhân viên bảo vệ không còn quan sát thấy một con voọc trong đàn.
"Con già nhất trong ba con voọc cái ở đảo Đồng Công không còn xuất hiện nữa", ông Rick Passaro cho biết trong thông báo, và thêm rằng con vật đã không được nhìn thấy kể từ tháng 4.
Theo báo cáo của Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà, ngày 14/4 năm nay là lần cuối cùng người gác voọc quan sát thấy ba con voọc cái ở gần nhau. Đến 30/4, camera của Dự án bảo tồn đặt trong hang chỉ còn ghi nhận thấy hai con voọc. Đến nay, người gác voọc cũng chỉ thấy còn hai con xuất hiện.
Đảo Đồng Công, nằm phía tây bắc đảo Cát Bà, trước đây có 4 con voọc, gồm một con đực đầu đàn và 3 con cái. Năm 2001, một thợ săn bắn chết con đực đầu đàn, nên đàn voọc chỉ còn 3 con cái. Trước đó, tại khu vực quanh đảo, phong trào nuôi tôm nở rộ khiến các hộ dân phá rừng ngập mặn, đàn voọc cái vì thế bị cô lập với các đàn voọc khác.
Cách đây 8 năm, các nhân viên bảo tồn đưa ra ý tưởng về việc di dời đàn voọc cái tới nơi khác để tạo cơ hội sinh sản, làm phong phú nguồn gene. Năm 2010, Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà chính thức được cấp giấy phép thực hiện di dời đàn voọc cái từ đảo Đồng Công, sang phía nam đảo Cát Bà, thuộc Khu bảo tồn voọc.
Dự kiến kế hoạch sẽ được thực hiện vào mùa khô năm nay (tháng 10-12), có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của hai chuyên gia thú y từ Australia. Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ quây lưới ở cửa hang khi voọc đang ngủ, sau đó bắn thuốc mê để di dời chúng.
Chết già
Tuy nhiên, kế hoạch trên chưa được thực hiện thì nhóm bảo tồn đã phát hiện ra rằng con voọc cái già không còn xuất hiện nữa. Dự án bảo tồn voọc Cát Bà nhận định, con vật chết bởi lý do tự nhiên chứ không phải do bị săn bắn.
Ông Passaro cho hay, theo thông tin cung cấp bởi những người gác voọc ở khu vực này, con voọc mất tích là một cá thể trưởng thành. Lần đầu tiên họ quan sát thấy nó khi họ tiến hành xây đầm tôm vào năm 1990, khi đó nó ít nhất đã 5 tuổi.
"Đến nay, cá thể đó khoảng 27 tuổi, trong khi đó tuổi thọ trung bình một con voọc ngoài tự nhiên là 25 năm. Chúng tôi nghiêng về nguyên nhân con voọc đã chết", Passaro viết.
Những người gác voọc tại khu vực đảo Đồng Công cho hay vào đầu năm 2011, khi họ cách ba con voọc khoảng 2 - 3 m, họ thấy nó đã bị rụng rất nhiều răng và di chuyển chậm chạp.
Trao đổi với VnExpress qua điện thoại, ông Hoàng Văn Thập, giám đốc vườn quốc gia Cát Bà cho biết, việc tìm ra nguyên nhân con voọc cái mất tích không dễ, vì chúng sống ngoài tự nhiên trong diện tích hơn 30.000 ha. "Sau vài tháng tìm hiểu, ban đầu chúng tôi cho rằng, con voọc chết do quá già".
Luôn luôn trong Sách Đỏ
Voọc Cát Bà có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus poliocephalus, là loài linh trưởng (khỉ ăn lá) quý hiếm và tồn tại duy nhất tại quần đảo Cát Bà, Hải Phòng. Loài này liên tục nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Số lượng loài voọc Cát Bà ngoài tự nhiên tại quần đảo Cát Bà khoảng 60 con. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số trên thực tế chỉ khoảng trên 50, gồm nhiều voọc non. Ngoài ra, còn hai con gồm một trưởng thành và một con non đang được nuôi nhốt tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Vườn quốc gia Cúc Phương theo hình thức bảo tồn ngoại vi.
Số phận của những con voọc đang là trung tâm chú ý của công luận nhiều ngày nay, sau khi một loạt ảnh giết voọc chà vá chân xám, trong đó có con đang mang thai, được đăng tải trên mạng xã hội Facebook.
Sau vụ việc này, nhiều chuyên gia bảo tồn bày tỏ sự đau xót và lo ngại rằng loài động vật quý hiếm này có thể sẽ bị tuyệt chủng, chung số phận với tê giác một sừng Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc