Giải pháp thâm canh ngô ở các huyện vùng cao núi đá
HGĐT- Nhằm nâng cao năng suất, sản lượng ngô, đảm bảo an ninh lương thực đối với các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất một số giống ngô tại các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang” do PGS.TS Hà Thị Thanh Bình làm Chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh tuyển chọn và phê duyệt đưa vào thực hiện từ tháng 4.2010 đến tháng 3.2012.
Người dân Yên Minh chăm sóc ngô chính vụ. Ảnh: Khánh Toàn
Đề tài thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất một số giống ngô trên đất bằng huyện Quản Bạ, đất dốc huyện Yên Minh và trên hốc đá huyện Đồng Văn thông qua biện pháp tăng mật độ trồng và áp dụng kỹ thuật bón phân dạng viên nén. Đơn vị thực hiện tiến hành khảo sát tình hình sản xuất ngô, lấy mẫu đất phân tích các chỉ tiêu, thành phần đất tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ); Hữu Vinh (Yên Minh), Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Trên cơ sở đó xác định và đưa ra được phương án để triển khai các thí nghiệm về thâm canh tăng năng suất ngô trước khi thực hiện các mô hình trong năm tiếp theo.
Vụ Xuân năm 2010, đề tài triển khai 7 thí nghiệm về mật độ và lượng đạm bón dạng viên nén, dạng phân rời và thời điểm bón phân viên nén để có cơ sở xác định quy trình kỹ thuật thâm canh ngô phù hợp với từng vị trí đất trên mỗi huyện. Các thí nghiệm được thực hiện trên các giống ngô đang được sản xuất tại các địa bàn triển khai: giống NK54 trên đất bằng Quản Bạ; giống NK4300 trên đất dốc Yên Minh; giống CP999 trên hốc đá Đồng Văn. Tại mỗi huyện đều thực hiện các thí nghiệm với hai nhân tố: 3 mật độ (6,94 vạn cây/ha; 7,93 vạn cây/ha; 9,2 vạn cây/ha) và 4 mức phân bón. Qua kết quả thí nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được mật độ trồng ngô lai 9,2 vạn cây, bón phân viên NPK nén với lượng 90 kg N:90 kg P2O5: 90 kg K2O/ha trên đất bằng Quản Bạ (tương đương 1.050 kg), 150 kg N:90 kg P2O5 :90 kg K2O/ha trên đất dốc Yên Minh (tương đương 1.170 kg),120 kg N:90 kg P2O5:90 kg K2O/ha trên đất hốc đá Đồng Văn (tương đương 1.110 kg) là phù hợp.
Từ những kết quả kết quả thí nghiệm năm 2010, đề tài đã đầu tư 1 máy ép phân viên nén cho HTX dịch vụ Trung Quốc tại thị trấn Yên Minh và chuyển giao công nghệ sản suất phân viên nén theo các công thức đã được xác định và sản xuất được 10 tấn phân cho cả 3 công thức để thực hiện mô hình thâm canh ngô trên 3 huyện. Xây dựng được quy trình sản xuất phân viên nén và quy trình bón phân viên nén cho ngô.
Để từng bước đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất ngô của đồng bào các huyện vùng cao của tỉnh, các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất ngô trên đất bằng huyện Quản Bạ, đất dốc huyện Yên Minh và đất hốc đá huyện Đồng Văn đã được triển khai với quy mô 2ha/huyện trong vụ Hè thu năm 2011. Riêng huyện Quản Bạ do điều kiện thời tiết rét đậm khi gieo ngô bị chết phải dồn những cây còn sống nên diện tích còn lại trong mô hình là 1,3ha. Kết quả theo dõi sau thu hoạch và tính toán năng suất ngô thu được của mô hình, so sánh với năng suất ngô của nông dân trồng đại trà cho thấy năng suất ngô trồng đại trà thấp hơn năng suất trung bình của các hộ tham gia mô hình: Mô hình trên đất dốc Yên Minh cao hơn 97,5%, trên đất hốc đá Đồng Văn cao hơn 111,3%; trên đất bằng Quản Bạ là 82%. Năng suất ngô trong sản xuất của nông dân thấp hơn năng suất trung bình của các hộ tham gia mô hình chủ yếu là do mật độ trồng thấp (khoảng cách giữa các hốc 70x75cm) và trồng 2 - 3 cây/hốc dẫn đến có cây không có bắp hữu hiệu, phân bón ít hơn và không cân đối. Chính vì thế, sản xuất ngô thâm canh theo mô hình đòi hỏi đầu tư phân bón và giống cao hơn so với sản xuất ngô hiện tại của nông dân. Tuy nhiên, do năng suất ngô tăng nên giá trị sản xuất tăng và thu nhập trên ha ngô thâm canh cao hơn nhiều so với sản xuất của nông dân.
Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, trực tiếp tham gia thực hiện mô hình và tham quan mô hình thâm canh ngô, người dân đã hiểu thêm về cách làm mới đơn giản, dễ làm, có thể thu được năng suất ngô cao và tăng thu nhập từ ngô ngay trên đồng ruộng của mình. Đặc biệt mô hình thâm canh làm năng suất ngô tăng tới 100% so với sản xuất của dân có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đồng bào các dân tộc Đồng Văn, một vùng đất canh tác nhờ nước trời, diện tích đất hốc đá trồng ngô chiếm tỷ lệ tương đối cao.
Kết quả nghiên cứu của đề tài chứng minh lợi thế của vùng đất dốc về khả năng thu nhận ánh sáng mặt trời cho quang hợp tích lũy chất hữu cơ tạo năng suất cây trồng. Tăng mật độ trồng ngô trên đất dốc còn có tác dụng lớn trong bảo vệ đất chống xói mòn do tăng chỉ số diện tích lá, tăng độ che phủ đất và tăng khả năng thấm nước của đất do rễ ngô phát triển mạnh hơn. Ngoài tăng năng suất hạt còn có nghĩa tăng năng suất sinh khối tạo sản phẩm phụ cung cấp chất đốt, bổ sung thức ăn cho đàn trâu bò.
Ý kiến bạn đọc