Phát hiện mới về nước trên sao Hỏa
Phần bên trong của sao Hỏa đang tồn tại nhiều hồ chứa nước ngầm, với một số nơi ẩm ướt ngang với Trái đất, theo báo cáo đăng trên chuyên san Geology.
Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ thực hiện, sau khi kiểm tra 2 thiên thạch đã bị tống đi từ sao Hỏa trong một vụ va chạm khủng khiếp và đáp lên bề mặt Trái đất cách đây khoảng 2,5 triệu năm.
|
Sử dụng công nghệ gọi là phép đo phổ khối lượng sắt thứ cấp, đội ngũ chuyên gia với trưởng nhóm là Francis McCubbin của Đại học New Mexico xác định được lớp vỏ từng chứa các thiên thạch này đã “ngậm” từ 70 đến 300 ppm nước. Để dễ so sánh, vỏ Trái đất đang chứa từ 50 đến 300 ppm nước.
“Kết quả này cho thấy nước đã kết hợp trong quá trình hình thành sao Hỏa, và hành tinh này có thể giữ nước bên dưới lớp vỏ,” theo Erik Hauri - đồng tác giả nghiên cứu thuộc Viện Carnegie ở Washington (Mỹ).
Nước từng tìm được đường lên đến bề mặt sao Hỏa trong quá khứ. Trong sứ mệnh vào năm 2004, các thiết bị thăm dò tự hành sao Hỏa của NASA là Spirit và Opportunity đã tìm được vô số bằng chứng cho thấy hành tinh này cách đây vài tỉ năm trước từng ấm và ẩm ướt hơn rất nhiều lần so với tình trạng hiện tại.
Trong khi phát hiện mới có thể giúp tìm hiểu sâu hơn về sao Hỏa và lịch sử của nó, các thông tin này đồng thời hỗ trợ giới chuyên gia trong nỗ lực nghiên cứu sự tiến hóa của các thiên thể lớn, đầy đá, chẳng hạn như cung cấp cơ chế lưu trữ hydrogen trong giai đoạn hình thành của các hành tinh, theo trưởng nhóm McCubbin.
Ý kiến bạn đọc