Đưa CNTT thành nền tảng quan trọng cho hiện đại hóa đất nước
Ngày 26/6 tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Ông Dan E Khoo, Chủ tịch Liên minh CNTT Thế giới (WISTA) - tổ chức với 82 thành viên đại diện cho hơn 90% thị trường CNTT thế giới - tham dự với vai trò diễn giả.
Ý nghĩa lớn nhất của Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2012 chính là việc đề cao tư duy, nhận thức mới, coi CNTT như một hạ tầng quốc gia. Diễn đàn cũng là nơi để nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT thảo luận các giải pháp để hiện đại hóa hạ tầng, cũng như phát triển đất nước bằng CNTT.
Bên cạnh phiên thảo luận chung, Diễn đàn có các phiên thảo luận chuyên đề hẹp như: giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng CNTT; CNTT với đổi mới giáo dục, đào tạo; phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và thẻ công dân điện tử.
Tầm nhìn dài hạn
CNTT-TT luôn được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 17/10/2000 Bộ Chính trị khóa IX đã ra Chỉ thị số 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 đã chứng tỏ tầm nhìn dài hạn, chiến lược sáng suốt của Đảng trong việc áp dụng những thành tựu của ngành CNTT-TT nhằm đi tắt đón đầu, tiếp cận và làm chủ công nghệ, áp dụng những tiến bộ của khoa học của nhân loại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, đồng thời, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của người dân.
Trong những năm qua, CNTT-TT trở thành một trong những ngành có khả năng hội nhập và cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Năm 2011, giá trị gia tăng toàn ngành đã chiếm khoảng 17% GDP, Việt Nam đã đứng vào top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Chính phủ điện tử Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á và tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng thế giới so với năm 2010.
Thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển CNTT-TT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 về việc phê duyệt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Hội nghị Trung ương lần thứ 4 , khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết đã xác định của CNTT-TT là một trong những hạ tầng quan trọng, vừa là hạ tầng của ngành kinh tế - kỹ thuật, vừa là hạ tầng đặc thù phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền số.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 8/6/2012, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, trong đó xác định việc xây dựng hạ tầng thông tin đến năm 2020 với nhiều nội dung quan trọng như phát triển công nghiệp CNTT, Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, phát triển hệ thống y tế thông minh, điện lưới thông minh…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chính phủ rất quan tâm và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, những khuyến nghị để đưa CNTT trở thành nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa đất nước. - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Những câu hỏi cần giải đáp
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, trong 10 năm qua, việc phát triển CNTT-TT như một ngành kinh tế đã đem lại những kết quả to lớn. Tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các diễn giả, đại biểu tham dự Diễn đàn cần tập trung làm rõ hơn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân trước hết là trong thời gian qua, chúng ta chủ yếu quan tâm nhiều đến các tiêu chí tăng trưởng về định lượng, chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí về chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động, chất lượng sản phẩm dịch vụ, về hiệu quả kinh doanh, về hoạt động của các tổ chức cơ sở.
Nguyên nhân tiếp theo là trong quản lý của các ngành, các địa phương, người đứng đầu chưa đề ra những nhiệm vụ, những đề bài cụ thể cho ứng dụng công nghệ nói chung, CNTT nói riêng để ngành mình, địa phương mình, đơn vị mình tăng được năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, những hạn chế nói trên là hệ quả của việc mới chỉ chú trọng đào tạo theo chuyên ngành hẹp, cán bộ quản lý chỉ nắm chắc chuyên môn của lĩnh vực mình phụ trách.
Phó Thủ tướng phân tích, “để ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế chẳng hạn, đòi hỏi người bác sĩ phải có kiến thức tốt về cả chuyên môn, cả lĩnh vực CNTT. Vừa qua, chúng ta chưa quan tâm đào tạo những người có cả năng lực chuyên môn và năng lực CNTT để góp phần làm đòn bẩy, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, như vậy, sẽ hạn chế vai trò tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị diễn đàn làm rõ thêm vì sao CNTT-TT lại là công cụ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giảm chi phí trong các ngành kinh tế khác. Các nhà quản lý CNTT-TT và đại diện các doanh nghiệp cần có nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận nhằm cụ thể hóa việc triển khai các nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và Nghị quyết 16/NQ-CP phục vụ phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Thủ tướng khẳng định những chủ đề của Diễn đàn về quản lý tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng CNTT, CNTT với đổi mới giáo dục, đào tạo, phát triển đô thị thông minh, thẻ công dân điện tử,… là hết sức thiết thực và cần thiết, góp phần trực tiếp giúp Chính phủ cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ.
Chính phủ rất quan tâm và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, những khuyến nghị của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp để đưa CNTT trở thành nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa đất nước.
Ý kiến bạn đọc