Dữ liệu công dân: Chỉ cần một mã số duy nhất
08:15, 29/06/2012
Hiện tại, mỗi công dân Việt Nam đều sở hữu nhiều mã số khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và phát sinh tình trạng giả mạo giấy tờ. Việc quản lý công dân chỉ với mã số duy nhất là nhu cầu cấp thiết.
Bức xúc từ thủ tục hành chính
Thực tế, hàng năm nhà nước phải bỏ ra khoản kinh phí khổng lồ, và huy động một lượng lớn nhân lực phục vụ cho công tác thống kê dân số, số lượng cử tri. Tuy nhiên, sai số vẫn rất lớn. Những chỉ số quan trọng như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, kỹ năng và trình độ đội ngũ nhân lực và dữ liệu cần thiết cho các chính sách xã hội, quản lý công dân và quy hoạch nguồn lực vẫn thiếu.
Vấn đề quản lý công dân gặp nhiều trở ngại do tình trạng giả mạo giấy tờ. CMND theo phương thức cũ có những bất cập như quản trị thủ công, phân tán ở các địa phương; có tình trạng 2 - 3 người có trùng số CMND hoặc một người có 2 - 3 số CMND.
Với người dân, thủ tục hành chính rườm rà là nỗi ám ảnh. Mỗi người sở hữu nhiều loại thẻ khác nhau. Dữ liệu y tế, hành chính, giáo dục... không đồng bộ, gây mất thời gian và phiền phức. Trong khi đó, mỗi mã số đều có những thông tin cơ bản trùng nhau như họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán...
Số hóa dữ liệu: Lời giải bài toán quản lý công dân
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để giải quyết bài toán quản lý nguồn lực phát triển, cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Ấn Độ thực hiện rất thành công với dự án cấp chứng minh thư điện tử cho 1,2 tỷ dân. Các giấy tờ như hộ chiếu, bằng lái xe hay thẻ y tế đều dùng chung mã số của chứng minh thư điện tử.
Để phục vụ cho việc cấp chứng minh thư điện tử, Ấn Độ thu thập dấu vân tay và quét đồng tử của người dân cả nước. Việc cấp chứng minh thư điện tử giúp đảm bảo đầu tư phúc lợi của chính phủ đến đúng người và cho phép hàng trăm triệu người dân nghèo của Ấn Độ tiếp cận các dịch vụ hiện đại.
Tại Mỹ, số an sinh xã hội là một dãy số gồm 9 chữ số được cấp phát từ năm 1935. Mục đích ban đầu của số để dùng trong chương trình an sinh xã hội. Sau đó do tính duy nhất của số, nó được sử dụng như số định danh của mỗi cá nhân sống và làm việc ở Mỹ. Số này được sử dụng khi mở tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ, cấp bằng lái, mua ô tô, bảo hiểm y tế và mở hồ sơ nghỉ hưu. Số an sinh xã hội còn cần thiết khi làm hồ sơ hoàn thuế.
Nhiều quốc gia khác như Thụy Sỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quộc, Singapore, Thái Lan... đã phát hành số định danh cho công dân từ rất sớm, giúp quản lý công dân và người nước ngoài thường trú hiệu quả, chặt chẽ.
Và bài học cho Việt Nam
Doanh nghiệp CNTT Việt Nam hiện đang làm chủ các công nghệ cốt lõi để thực hiện dự án Thẻ công dân điện tử Việt Nam và hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ này ra thị trường. Ông Lê Trường Thiên, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án PPP Tập đoàn FPT cho biết: "Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công công nghệ đảm bảo phát hành cho môi công dân một thẻ duy nhất, không thể làm giả. Một thẻ có khả năng lưu những thông tin khác nhau như vân tay, thông tin về tròng mắt,… Mặt khác cũng đã có những hệ thống kiến trúc mở hỗ trợ các Bộ, ngành có thể dùng chung một nền tảng để phát triển các ứng dụng khác nhau."
Nghị định số 90/2010 đã giao cho Bộ Công an xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo thiết kế, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm số định danh cá nhân; ảnh chân dung; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; CMND; hộ chiếu; thẻ bảo hiểm y tế; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn; tình trạng hôn nhân; họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng… Trong đó, số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký hộ khẩu (sau 60 ngày từ khi đăng ký khai sinh). Bộ Công an đã hoàn tất Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng, và bắt đầu triển khai thí điểm.
Triển khai Thẻ công dân điện tử là một nội dung trong Chương trình hành động mà Chính phủ vừa ban hành tháng 6/2012 nhằm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương tháng 1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương xây dựng cở sở dữ liệu quốc gia về công dân, triển khai thực hiện Thẻ Công dân điện tử trong giai đoạn 2012-2020.
Thẻ công dân điện tử là nền tảng tin học hóa tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý con người, nền tảng tin học hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về con người như: y tế, bảo hiểm, quá trình học tập, bằng cấp, nghề nghiệp, sinh, tử, nơi ở, tội phạm, …cơ sở để hình thành công dân điện tử. Thẻ công dân điện tử sử dụng sinh trắc học đảm bảo các số định danh không trùng lặp; chuẩn hóa các thuộc tính nhận diện công dân: tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú, tên bố mẹ, vân tay, ảnh, tròng mắt... Giải pháp thẻ công dân điện tử phát hành số định danh duy nhất cho toàn bộ công dân Việt Nam. Số định danh của công dân có thể được xác thực mọi lúc, mọi nơi và bằng nhiều cách khác nhau.
Việc triển khai thẻ công dân điện tử sẽ giúp nhà nước quản lý hiệu quả công dân thông qua giấy tờ mang mã số công dân như CMND điện tử, Giấy phép lái xe, Thẻ Bảo hiểm y tế... Người dân cũng thuận tiện hơn trong quan hệ tương tác với cơ quan quản lý nhà nước, bảo hiểm, ngân hàng, bệnh viện, kinh doanh, mua bán ...
Để triển khai thẻ công dân điện tử, trước mắt Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông đang phối hợp với các địa phương để thúc đẩy dự án cấp mã số công dân.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an), mỗi công dân ngay từ khi sinh ra sẽ được cấp mã số công dân chứa các thông tin cá nhân như năm sinh, nơi sinh… Mã số này sẽ được sử dụng suốt đời, đồng thời sẽ là số ID của thẻ công dân điện tử về sau. ID này cũng là mã số trên các giấy tờ cá nhân khác như bằng lái xe, thẻ ngân hàng, thẻ hội viên câu lạc bộ, thẻ bảo hiểm hay hộ khẩu...
Ý kiến bạn đọc