'CNTT luôn lọt top 12 ngành thu nhập cao nhất Việt Nam'
Trong hơn 2 giờ, các chuyên gia đã trả lời gần 100 trong số cả nghìn câu hỏi xung quanh việc đào tạo CNTT ở ĐH FPT và các trường khác, cũng như nhu cầu nhân lực CNTT ở Việt Nam trong những năm tới.
- Cảm ơn thầy Tùng, thầy Phong và anh Nam đã tham gia buổi tư vấn. Em đang chuẩn bị thi đại học và muốn thi vào ngành công nghệ thông tin nhưng chưa biết gì về nhu cầu nhân lực của ngành này. Xin cho biết tương lai của ngành CNTT ở Việt Nam? (Thanh Hiếu, 18 tuổi, Bắc Ninh)
- Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT: Trong chiến lược phát triển của Việt Nam những năm tới, CNTT được xem là hạ tầng của các hạ tầng kinh tế xã hội khác. Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia mạnh về CNTT và nhờ CNTT. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã có những quyết định và giải pháp mạnh, trong đó có việc Thủ tướng tham gia trực tiếp điều hành việc này. Nhu cầu nhân lực CNTT trong những năm tới sẽ rất lớn, không chỉ các chuyên gia làm việc trực tiếp trong ngành mà chuyên gia trong các ngành khác cũng phải nắm bắt vững về CNTT để có thể ứng dụng hiệu quả trong ngành mình.
- Ông Lâm Quang Nam - Giám đốc Ban Nhân lực đào tạo, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa: Chính phủ hiện có chương trình đưa Việt Nam thành nước mạnh về Công nghệ thông tin, với mục tiêu năm 2020 sẽ có một triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT. Như vậy, hiện còn thiếu khoảng trên 700.000 người. Nếu mọi việc diễn ra đúng theo kế hoạch, các bạn yên tâm ra trường sẽ có việc làm. Vừa qua, Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng nêu rõ CNTT là hạ tầng mới để phát triển đất nước. Nên chắc chắn trong thời gian tới, đầu tư CNTT sẽ quan trọng không kém gì các ngành hạ tấng khác. Vì thế, ngành CNTT chắc chắn có thêm nhiều động lực mới để phát triển.
- Em đang rất quan tâm đến ngành công nghệ thông tin đặc biệt là về quản trị mạng và phần cứng máy tính của trường FPT. Cho em hỏi Đại học FPT có đào tạo về chuyên ngành này không? Em xin cảm ơn thầy. (Tong Dinh Quang, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng ĐH FPT: Quản trị mạng không phải làm một chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học. Để làm nghề quản trị mạng bạn có thể theo học khóa ngắn hạn như tại Học viện mạng và bảo mật FPT Jetking thuộc Đại học FPT. Ngoài ra, tại Đại học FPT có một số chuyên ngành bậc đại học như kỹ thuật máy tính cũng đào tạo những kiến thức liên quan đến nghề quản trị mạng.
- Kính gửi thầy Phong, em hiện là sinh viên năm 4 của trường ĐH Ngân hàng TP HCM. Em có một câu hỏi về chuyên ngành đào tạo CNTT. Đó là khi đăng ký theo học, em có được xét miễn giảm những môn học đại cương đã học hay không, điều đó sẽ giúp ích cho em rút ngắn được thời gian khóa học rất nhiều? Kính mong nhận được phản hồi của thầy. Xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Khánh Hùng, 18 tuổi, TP HCM).
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bạn sẽ được miễn giảm những môn học có nội dung và số tín chỉ tương đương với những môn đang được giảng dạy tại ĐH FPT. Bạn cần nộp bảng điểm các môn học đã có để được ban đào tạo của trường xét duyệt những môn học được miễn giảm.
- Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo của Việt Nam mình không bắt kịp được với thực tế. Xin hỏi ông Nam, vậy, chúng ta sẽ khắc phục các điểm yếu trong đào tạo CNTT hiện nay như thế nào? (Thủy Lê, 38 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Chào Thủy Lê, không chỉ ở Việt Nam, ở tất cả các nước đào tạo CNTT đều bị "chê" là không bắt kịp thực tế. Vì ngành này tiến bộ quá nhanh, nên giáo trình hay giáo án chắc chắn sẽ "lạc hậu" nhanh. Chính vì vậy, ở đâu người ta cũng trông cậy vào khả năng tự học của sinh viên hơn là khả năng cập nhật giáo trình, giáo án chính thức trong các cơ sở đào tạo. Một cơ sở đào tạo tốt sẽ cho sinh viên khả năng tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của thực tế.
Ông Lâm Quang Nam tại Văn phòng VnExpress ở TP HCM. |
- Chào anh Nam. Nếu đưa ra một nhận xét chung nhất về đào tạo ngành CNTT ở Việt Nam, anh sẽ nói gì? (Hải Nam, 40 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Một nhận xét chung nhất là truyền thụ kiến thức thì tạm được, nhưng hướng nghiệp còn yếu. Vì vậy sinh viên ra trường thường chưa sẵn sàng làm việc được ngay mà các công ty vẫn phải đào tạo thêm.
- Nhiều nước hiện nay đã phát triển nhanh dịch vụ “thuê ngoài”, nhất là trong lĩnh vực CNTT. Việt Nam hiện nay đã bắt đầu có dịch vụ làm thêm cho các nước qua các phương tiện CNTT hay không? Các cơ sở đào tạo CNTT có hướng đào tạo học viên về công việc này, thưa ông Trường Tùng? (Nam Chinh, 18 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Lê Trường Tùng: Hiện nay, nhiều nước trong khu vực đặc biệt những nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức (Ấn Độ, Philippines), dịch vụ "thuê ngoài" (outsourcing) là một ngành có tốc độ tăng trưởng rất lớn trong những năm vừa qua, chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập quốc dân. Dịch vụ này cũng đã được triển khai ở Việt Nam khoảng 5 năm với các đối tác tại Mỹ, Nhật Bản, tuy nhiên quy mô còn hạn chế.
Một trong các trở ngại là mặt bằng tiếng Anh của Việt Nam còn thấp. Do đó, số lượng người tham gia không được đông và chưa được xem là một lựa chọn tốt của các nước phát triển khi có nhu cầu đẩy một phần công việc quản lý của mình ra nước ngoài. Để lĩnh vực này trở thành thế mạnh của Việt Nam, trách nhiệm không chỉ thuộc về các doanh nghiệp CNTT mà còn phụ thuộc nhiều vào định hướng chung của quốc gia để có nguồn nhân lực phù hợp và chính sách thu hút đầu tư đủ sức hấp dẫn. Hiện nay, chưa có cơ sở nào đào tạo riêng nhân lực cho ngành này bởi ngoài khả năng ngoại ngữ, mỗi lĩnh vực outsourcing đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn khác nhau cho nên các đơn vị hoạt động lĩnh vực này tuyển dụng và tự đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp mình là chính.
- Xin chào ông Lâm Quang Nam, CNTT là một ngành hot của những năm 2005 trở về trước chứ gần đây thì có rất nhiều sinh viên theo học ngành này nhưng số sinh viên ra trường tìm được việc rất ít. Nhiều người phải đổi ngành hay học thêm văn bằng khác để mong tìm được việc làm. Theo BTC thì tình hình này cần giải quyết ra sao? Phải chăng đầu ra của ngành này còn yếu, chất lượng đào tạo kém chất lượng? (Hải Lê, 18 tuổi, Nam Định)
- Ông Lâm Quang Nam: Đúng là trước 2005, ngành này khá hot, nhưng từ 2005 xuất hiện nhiều ngành khác hot hơn, không chỉ người đi làm mà cả các ông chủ cũng đổi nghề. Đây cũng là hiện tượng bình thường. Trong thời gian tới, với sự thay đổi chính sách của quốc gia, ngành CNTT sẽ chiếm vị trí phù hợp nhất với mình và không còn là một ngành hot theo thời vụ nữa. Tôi cho rằng nhu cầu nhân lực của ngành này sẽ tăng và ổn định hơn.
- Tôi có con gái năm nay thi đại học, nên rất quan tâm và mong muốn nhận được lời khuyên: Học công nghệ thông tin có "nặng" không? Có nên cho con gái theo học ngành này không? Chân thành cảm ơn! (Trần Quốc Toàn, Ha Noi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Học ngành gì muốn thành công cũng đều cần phải nỗ lực. Công nghệ thông tin Việt Nam đang làm việc ở quy mô toàn cầu cần đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế nên có yêu cầu cao với đội ngũ chuyên gia CNTT. Hiện, tỷ lệ nữ theo học và làm việc trong ngành CNTT còn thấp so với nam nhưng cũng không ít bạn nữ đã thành công trong ngành này. Số lượng các bạn nữ đạt danh hiệu thủ khoa hoặc giành được những suất học bổng trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài tại Đại học FPT là không thua kém các bạn nam. Có nhiều vị trí làm việc trong ngành này nữ giới thậm chí còn có ưu thế như: đảm bảo chất lượng, triển khai, phát triển kinh doanh... Điều quan trọng là bạn gái đó có đam mê theo đuổi ngành này thì chắc chắn sẽ học tốt.
Ông Nguyễn Xuân Phong. |
- Chào thầy Tùng, nền CNTT của Việt Nam đang được xếp vào vị trí nào trên bản đồ chung của thế giới? Xin cảm ơn thầy (Quảng An, 35 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Hàng năm có khá nhiều xếp hạng các quốc gia về CNTT do những tổ chức quốc tế tiến hành. Trong các bảng xếp hạng này, thứ hạng của Việt Nam thông thường ở vị trí khoảng 70/100 nước được xếp hạng. Một mặt, chúng ta có thể lạc quan bởi trong rất nhiều bảng xếp hạng, Việt Nam đều nằm trong danh sách 100 nước được lựa chọn, còn 100 quốc gia khác không được đưa vào danh sách.
Ở khía cạnh khác, chúng ta chưa hài lòng với vị trí 70/100 bởi với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh nhờ CNTT, thì vị trí mong muốn phải nằm trong top 50 các quốc gia. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của một số lĩnh vực như viễn thông, Internet, chúng ta có thể đạt được những thứ hạng cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác như phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng CNTT và hạ tầng pháp lý... còn phải cố gắng nhiều.
- Em không biết nhiều về tin học. Trong 3 năm học cấp 3 em mới chỉ được học một số kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình Pascal. Vậy em muốn hỏi các thầy là em có nên thi vào ngành công nghệ thông tin không. Em sẽ gặp phải những khó khăn gì và nên chuẩn bị những kiến thức liên quan như thế nào? Ngoài ra, em đạt giải nhì môn Toán trong kì thi HSG quốc gia năm 2012. Vậy em có được tuyển thẳng hay ưu tiên gì không ạ? (Nguyễn Tùng Dương, 18 tuổi, TP HCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Kiến thức CNTT ở phổ thông không có ý nghĩa nhiều với việc học CNTT ở bậc đại học. Thành tích của bạn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã chứng tỏ bạn là người có tư duy và năng lực rất tốt nên việc theo học CNTT là phù hợp nếu bạn có đam mê với ngành này. Theo quy chế tuyển sinh của Đại học FPT, các thi sinh đạt từ giải ba trở lên các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Anh trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào trường đồng thời được xét học bổng toàn phần cho toàn bộ chương trình đại học. Bạn cần làm hồ sơ nộp cho trường trước ngày 30/4.
- Tại Việt Nam có nhiều trường đào tạo ngành CNTT vậy theo thầy Tùng, trường nào có khả năng đào tạo tốt, các sinh viên ra trường liệu có bị xét theo bằng thuộc trường nào đào tạo như các ngành nghề khác không? (Trần Đăng Đức, 18 tuổi)
- Ông Lê Trường Tùng: Hiện tại, Việt Nam chưa xếp hạng các trường đại học, việc kiểm định chất lượng đại học cũng chưa được thực hiện cho nên khó có thể có thước đo đánh giá trường nào đạo tạo tốt nhất. Hàng trăm trường đại học đào tạo về CNTT hiện nay. Tuy nhiên, căn cứ vào một số điều tra trên mạng và kết quả thi Olympic sinh viên hàng năm, 5 trường đào tạo CNTT tốt nhất hiện nay là ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Đại học FPT. Khi tuyển dụng, các doanh nghiệp căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, việc tốt nghiệp trường nào, kết quả học tập cũng là một yếu tố được xem xét
- Ông có so sánh gì về nhân lực CNTT ở Việt Nam và khu vực, thế giới? Điểm giống, khác và đâu là cái nhân lực Việt Nam thiếu và cần bổ sung? VN có kế hoạch gì cho việc đó? (Nguyễn Xuân Yên, 28 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Ông Lâm Quang Nam: Chào Yên, câu hỏi này của em rất thú vị. Trên thị trường CNTT có nhiều phân khúc khác nhau, có một số phân khúc Việt Nam hơn hẳn các nước khác, và có một số phân khúc khác thì lại thua hẳn các nước khác. Vì thế, nếu nói chung chung về nhân lực CNTT của cả nước thì tôi cho rằng không thể so sánh được. Khía cạnh mà nhân lực CNTT cần bổ sung là kiến thức và sự am hiểu về các lĩnh vực hoạt động của khách hàng. Riêng về điểm này thì đại đa số nhân lực CNTT của Việt Nam yếu hơn mặt bằng chung trong khu vực và quốc tế.
- Em chào thầy Phong! Thầy cho em hỏi, để có thể học giỏi CNTT ở FPT thì cần có các tố chất gì ạ? Em muốn có được suất học bổng đi du học ở nước ngoài như các anh chị đã có ở Đại học FPT ạ. (Khang Lâm, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Để theo học ngành CNTT tại Đại học FPT, bạn cần có tư duy Toán và tư duy logic nhất định. Điều này được kiểm tra qua kỳ thi đầu vào của trường được tổ chức ngày 8/4 tới đây. Để học giỏi ngành này, theo tôi điều quan trọng nhất là sự đam mê và nỗ lực. Có nhiều sinh viên có kết quả học phổ thông chỉ ở mức trung bình hoặc có điểm thi đại học trên điểm sàn nhưng đã có kết quả học tập rất tốt tại Đại học FPT nhờ nỗ lực lớn trong quá trình học tập. Để giành được học bổng trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, bạn cần có kết quả học tập năm ở top đầu của khóa, có trình độ ngoại ngữ tốt và tích cực tham gia các hoạt động sinh viên trong trường và ngoài xã hội.
- Học CNTT cũng có nhiều cấp độ, lĩnh vực, theo ông, lĩnh vực nào là dễ tìm được việc làm và có thu nhập tốt hơn cả? Học viên phải đầu tư, chuyên sâu thêm về những kỹ năng nào, xin hỏi đại diện của FPT và Vinasa? (Lan Hạ, 20 tuổi, Quảng Ninh)
- Ông Lâm Quang Nam: Lan Hạ thân mến. Dễ tìm việc làm và thu nhập tốt là hai yếu tố thường không đi đôi với nhau. Ví dụ như việc dễ tìm nhất là hỗ trợ khách hàng hay BPO thì thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình chứ chưa thật sự tốt. Muốn có thu nhập tốt, ngoài việc trau dồi kỹ năng, bạn cần phải có thêm kinh nghiệm làm việc nữa.
- Mặc dù hiện nay các cơ sở đào tạo vẫn không ngừng tuyển sinh ngành CNTT với quy mô lớn nhưng thực tế, số sinh viên học CNTT ra chưa tìm được việc làm hoặc có thì việc làm có mức thu nhập rất thấp. Vậy xin hỏi các ông là phải chăng, các cơ sở đào tạo CNTT đang tuyển sinh ở quy mô vượt quá nhu cầu thực tế về việc làm trong ngành này hay không? (Hồng Hà, 20 tuổi, Vũng Tàu)
- Ông Lê Trường Tùng: Thực trạng nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay vừa thừa vừa thiếu, thừa những người được đào tạo không bài bản, thiếu những kỹ năng cần thiết để làm việc như những chuyên gia CNTT chuyên nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng thiếu đội ngũ nhân lực đào tạo tinh thông về chuyên môn ngoại ngữ, có kỹ năng đưa CNTT vào ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế xã hội và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Trong 2-3 năm gần đây, số lượng người theo học ngành này có giảm sút vì một số ngành khác dường như có sức hấp dẫn cao hơn. Điều này có thể dẫn tới việc thiếu hụt nhân lực CNTT trong những năm tới. Tuy nhiên, nó cũng là sức ép để các cơ sở đào tạo ngành này nâng cao chất lượng đào tạo của mình để có sức hút cao hơn đối với các thí sinh.
Ông Lê Trường Tùng. |
- Thưa thầy Phong, em xin hỏi, liệu có tiêu cực nào trong tuyển sinh của đại học FPT và cách thức nào để loại bỏ tiêu cực? (Lan Anh, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tôi khẳng định là không có bất kỳ tiêu cực nào trong các kỳ thi tuyển sinh của Đại học FPT. Bản thân dạng đề thi của Đại học FPT với nhiều phương án đề khác nhau không cho phép bất cứ sự gian lận nào của thí sinh trong phòng thi. Quy trình làm và sao lưu đề thi cũng được trường tuân thủ và theo dõi chặt chẽ.
- Em đang học một trường đại học khác nhưng muốn sang FPT học thì có cần phải thi hay thủ tục như thế nào? Em xin cảm ơn. (Tuấn, 20 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bạn cần thi đỗ trong kỳ thi tuyển sinh ngày 8/4 của Đại học FPT và sau đó có thể làm thủ tục chuyển trường. Bạn có thể liên hệ với tư vấn của chúng tôi ở các văn phòng tuyển sinh để được hỗ trợ và hướng dẫn làm thủ tục. Hoặc truy cập vào website của trường tại địa chỉ: www.fpt.edu.vn để có các thông tin chi tiết.
- Xin ông Nam chia sẻ về thu nhập tương lai và yêu cầu của nhân lực ngành CNTT, cụ thể như cần chuẩn bị những kỹ năng gì ngoài yếu tố chuyên môn, sẽ làm việc với mức lương như thế nào và cơ hội cho nhân sự trong ngành này tính trên tầm vĩ mô sẽ đi tới đâu? (Anh Đức, 28 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Về thu nhập, ngành CNTT cho đến nay luôn luôn nằm trong số top 12 ngành có thu nhập cao nhất Việt Nam. Ngoài yếu tố chuyên môn, người làm CNTT nên có kiến thức rộng về các lĩnh vực khác, ví dụ như kế toán, thống kê...
- Xin được hỏi thầy Phong, cụ thể ở trường đại học FPT thì ngoài vấn đề đào tạo thì công tác nghiên cứu có được chú trọng? (Trần Lâm Thao, 46 tuổi, Hà Nội).
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Công tác nghiên cứu khoa học tại Đại học FPT luôn được chú trọng. Chúng tôi có một Viện nghiên cứu trực thuộc trường và đã có những thành công nhất định. Gần đây nhất, dự án "Cứu ngư dân trước thảm họa bão" của Viện đã giành giải nhất cuộc thi của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc phòng châu Âu (EADS). Một thành viên của Viện là anh Nguyễn Trọng Thư đã trở thành một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2012 nhờ những nghiên cứu và công trình trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vũ trụ vào cuộc sống. Dự kiến, Viện sẽ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Việt Nam chế tạo trong năm 2012. Ngoài ra, các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học cũng có cơ hội tham gia vào các dự án của Viện Nghiên cứu Công nghệ của Đại học FPT.
- Xin ông Nam đưa ra shortlist những trường đào tạo về CNTT hiện giờ mà ông thấy ổn nhất ở VN? Tôi có con trai muốn theo ngành này nhưng còn rất ngại việc cháu sẽ phải học giáo trình cũ không cập nhật, mà lại không đủ tiền cho con đi học nước ngoài. (Hoài An, 28 tuổi, Khu TT bóng đèn phích nước, Nguyễn Trãi, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Tôi có thể kể ra 10 trường có đào tạo CNTT được đầu tư nhiều nhất ở nước ta hiện nay (không theo thứ tự): Đại học Bác khoa Hà Nội; Đại học KHTN Hà Nội, Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học KHTN TP HCM, Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học FPT.
- Xin được hỏi học phí đào tạo CNTT ở Việt Nam có xu hướng tăng không? (Hoàng Linh Đan, 20 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Mức học phí trung bình hiện nay ở Việt Nam rất thấp, không chỉ so với các nước mà còn so với mức độ đầu tư cần thiết để có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo. Chính phủ đã có lộ trình tăng học phí tất cả các ngành trong những năm tới bao gồm cả CNTT, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư ngoài Nhà nước (xã hội hóa) để tăng nguồn chi cho giáo dục đào tạo.
Với các quốc gia có tốc độ phát triển như nước ta, mức học phí phù hợp phải vào khoảng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người (khoảng 40 triệu đồng một năm). Tuy nhiên, với nhiều gia đình đây là một khoản chi rất lớn. Chính phủ cũng như các trường cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên như cấp học bổng, cho vay ưu đãi... nhằm giải quyết một phần khó khăn cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính.
- Như các anh đã nói, hiện nước ta còn cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT, nhưng thực trạng mấy năm qua nhiều sinh viên học CNTT ra trường mà không xin được việc làm. Lý do tại sao, có giải pháp nào cho vấn đề này? (Nguyễn Cường, 49 tuổi, Cty phát triển công nghệ- Viện cơ học)
- Ông Lâm Quang Nam: Thực tế trong mấy năm vừa qua, nhân lực CNTT được tuyển dụng có tăng, nhưng sinh viên CNTT lại "ế". Lý do chính là vì cái gọi là "chuyển dịch cơ cấu" trong bản thân ngành CNTT, nên nhu cầu của ngành với phân khúc lao động là sinh viên đại học có thay đổi. Tình trạng này chắc chắn được cải thiện trong vài năm tới, có thể ngay từ năm sau. Lý do để tôi tin như vậy cũng là do "chuyển dịch cơ cấu" khi ngành CNTT được Chính phủ định vị lại như là hạ tầng của hạ tầng để phát triển.
- Ông Lê Trường Tùng: Việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp là hiện tượng của tất cả các ngành. Tuy nhiên, với ngành CNTT dường như mức độ có cao hơn. Lý do ở đây thì có nhiều, tuy nhiên có thể kể ra là do: a) tốc độ phát triển rất nhanh của ngành CNTT, chương trình đào tạo thay đổi theo không kịp; b) xã hội cần nhân lực CNTT chủ yếu theo định hướng kinh tế - kỹ thuật trong khi các trường đào tạo phần lớn theo định hướng KH-CN; c) rất đông giảng viên chưa có kinh nghiệm tuy có kinh nghiệm nghiên cứu nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc trong ngành nên sinh viên khi ra trường khó có thể hòa hợp với môi trường kinh tế kỹ thuật. Giải pháp ở đây là nâng cao chất lượng đào tạo đặc biệt theo định hướng hòa nhập quốc tế, gắn kết giữa cơ sở đào tạo CNTT với các doanh nghiệp, trong đó có việc khuyến khích mở các doanh nghiệp trong nhà trường cũng như mở trường trong các doanh nghiệp.
- Xin thầy chia sẻ thêm thông tin về chế độ ưu đãi và thu hút nhân tài vào học tại ĐH FPT được không? (Ngọc Sơn, 28 tuổi, THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ là một trong những hướng của Đại học FPT. Hiện nay, đại học FPT có Viện Nghiên cứu Công nghệ, Câu lạc bộ Tài năng trẻ, giải thưởng hàng năm dành cho tất cả giảng viên có công trình công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài. Hàng năm, Đại học FPT cấp 30 suất học bổng "FPT 2PhD" học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ chuyên ngành học máy tính. Đại học FPT cũng cấp hàng trăm suất học bổng Nguyễn Văn Đạo hàng năm dành cho các học sinh giỏi nhất của 100 trường phổ thông trên toàn quốc. Nhờ các biện pháp này, trong các năm vừa qua, Đại học FPT đã thu hút được nhiều thí sinh giỏi theo học tại trường.
- Ông Nam có thể cho tôi biết việc tuyển dụng của ngành CNTT hiện nay, tính trên mặt bằng chung, thì dựa vào những yếu tố nào? Tôi thấy nhiều thông tin từ sinh viên những trường ngoài công lập như ĐH FPT đều rất khả quan về việc làm và lương bổng ngay sau khi ra trường. Nhiều em còn đi làm việc ở nước ngoài ngay khi tốt nghiệp nữa. Vậy ranh giới nào phân chia việc đào tạo và tuyển dụng trong ngành này thưa ông? (Khanh, 30 tuổi, Phú Thọ)
- Ông Lâm Quang Nam: Nói chung các công ty đều đánh giá cao khả năng hòa nhập của nhân sự vào môi trường đặc thù của công ty, bao gồm cả môi trường công nghệ và môi trường văn hóa. Vì thế sinh viên từ những trường có chú trọng đến việc trang bị khả năng này cho sinh viên dễ xin được việc hơn.
- Tôi nên học nghề lập trình viên ở các trung tâm đào tào (Aptech, FPT..) hay nên theo học các trường đại học đào tạo CNTT? Vì tôi thấy CNTT khi ra trường quan trọng anh làm được việc chứ không quan trọng bằng cấp. Học nghề thời gian sẽ nhanh và thực tế hơn. Xin các thầy cho một lời khuyên. (Phan Hoang, 20 tuổi, Ha Noi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tôi đồng ý với bạn rằng trong ngành CNTT điều quan trọng là làm được việc chứ không phải bằng cấp. Học chương trình đại học tại Đại học FPT bạn vừa được trang bị những kiến thức cơ bản, nền tảng của bậc đại học vừa được trang bị những công nghệ, công cụ, quy trình sản xuất hiện đại để có thể làm việc được ngay trong các doanh nghiệp và không chỉ ở Việt Nam. Các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn như Aptech, Jetking, NIIT... chủ yếu cung cấp các công cụ và kỹ năng nghề.
- Nhiều người cho biết, khi học tại FPT sinh viên ra trường sẽ đuợc nhận vào FPT làm việc. Vậy việc này có thực hay không, nếu có thì FPT có thực là một môi truờng vững mạnh cho các sinh viên mới ra trường thể hiện khả năng cũng như nâng cao tầm hiểu biết không? (Trần Đăng Đức, 18 tuổi, Buôn Ma Thuột)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Sinh viên FPT ra trường được nhà trường giới thiệu việc làm. Trong số các sinh viên ra trường năm 2011 có khoảng 50% lựa chọn ở lại làm việc cho tập đoàn. Số còn lại đã có việc làm tại các doanh nghiệp CNTT ngoài FPT, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, kinh doanh... Gần 10% sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại nước ngoài, cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc học tiếp sau đại học. FPT hiện là một trong những tổ chức sử dụng nhân lực chất lượng cao lớn nhất tại Việt Nam với hơn 13.000 chuyên gia, làm việc trên quy mô toàn cầu nên chắc chắn FPT lựa chọn tốt cho sinh viên ra trường.
- Xin thầy cho biết nếu sinh viên đã học một năm chương trình đại học tại một trường ở Việt Nam (Em đang là sinh viên của ĐH Ngoại thương) thì có phải qua kì thi tuyển sinh của trường FPT không? Vì đã qua một năm ở đại học, em cũng đã học được kiến thức nền tảng của ngành em đang theo (Tài chính Quốc tế). Như vậy em có được tuyển thẳng vào năm nhất của FPT không, hay phải qua kì thi nào? Em xin cảm ơn! (Thiên Di, 20 tuổi, TPHCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bạn cần tham gia kỳ thi tuyển sinh vào ngày 8/4 sắp tới và sau đó có thể làm thủ tục chuyển trường. Một số môn học có thể được công nhận chuyển đổi nếu phù hợp về nội dung và số tín chỉ. Bạn có thể tham khảo thông tin về kỳ thi tuyển sinh và chương trình đào tạo tại: www.fpt.edu.vn.
- Kính chào thầy Nam, em đang có dự tính học ngành CNTT và đã nộp hồ sơ dự thi, xin phép thầy cho em hỏi khi ra trường với tấm bằng CNTT thì công việc chủ yếu mà sinh viên ra trường có thể làm thuộc lĩnh vực nào? Thầy có thể cho em một vài ví dụ về công việc ra khi trường? (Trần Đăng Đức, 18 tuổi, Buôn Ma Thuột)
- Ông Lâm Quang Nam: Riêng trong ngành CNTT, bạn có thể làm được ít nhất 34 nghề khác nhau từ kinh doanh sản phẩm CNTT, phát triển ứng dụng... cho đến đào tạo CNTT. Vì thế tấm bằng CNTT là bàn đạp ban đầu, còn thực sự đâu là nghề nghiệp của cuộc đời bạn, thì phải đi làm vài năm bạn mới tự chọn được.
- Con tôi nhất định thi vào ngành Vật lý lý thuyết cơ bản. Tôi phải làm sao để thuyết phục cháu thi vào ngành CNTT (Lưu Hoàng Nhân, 48 tuổi, 3/19 F13 Gò Vấp TPHCM)
- Ông Lê Trường Tùng: Theo tôi, anh nên tìm hiểu và ủng hộ nguyện vọng của cháu theo học ngành Vật lý lý thuyết. Một trong những yếu tố để các cháu học tốt là sự đam mê với lĩnh vực mình chọn. Tôi cũng có nhiều người bạn học Vật lý lý thuyết và sau khi tốt nghiệp cũng rất thành công trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, anh nên định hướng cháu hình dung rõ sau này mình sẽ làm việc ở đâu và làm việc gì chứ không đơn thuần chỉ là học gì.
- Hiện tại, đại học FPT có những kênh nào để thí sinh có thể tiếp cận? Tôi đang rất muốn biết một số thông tin (Trần Long Hoàng, 28 tuổi, Bắc Ninh).
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bạn có thể tham khảo thông tin tại website: http://www.fpt.edu.vn/, trực tiếp tư vấn tại các văn phòng tuyển sinh của trường ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cũng như tại các văn phòng đại diện ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Quy Nhơn, Cần Thơ. Các thí sinh và phụ huynh cũng có thể email theo địa chỉ: daihoc@fpt.com.vn hoặc điện thoại theo số: (04) 37687717 để được hỗ trợ tốt nhất.
- Em yêu thích ngành CNTT, nhưng đang phân vân việc chọn trường, theo thông tin em được biết thì trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM là trường đào tạo CNTT tốt nhất cả nước và thứ 2 Đông Nam Á, theo đánh giá của AUN. Điều này có đúng không? (Lê Minh Tuấn, 18 tuổi, An Giang)
- Ông Lê Trường Tùng: Như tôi đã trả lời ở trên, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM có thể xem là một trong 5 trường đào tạo CNTT tốt nhất Việt Nam hiện nay. Trường này cũng là thành viên của AUN (Asian University Network) và được tổ chức này đánh giá khá cao trong những trường CNTT ở Đông Nam Á, đặc biệt là về lĩnh vực nghiên cứu. Đây là một trong những lựa chọn tốt nếu em quyết tâm theo học ngành CNTT và xác định tương lai của mình sẽ nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực CNTT.
Hiệu trưởng Lê Trường Tùng. |
- Bây giờ ở các trường THPT đã có môn học tin học tại sao ngành CNTT tuyển sinh khônng có môn thi này?Em rất thích học lập trình nhưng không có khối thi nào có môn này cả. (Lương Huy Hoàng, 17 tuổi, Thanh Hóa)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Để theo học ngành CNTT bậc đại học, bạn không nhất thiết phải có kiến thức tin học ở bậc phổ thông. Với Đại học FPT chúng tôi chỉ yêu cầu thí sinh có tư chất và tư duy phù hợp thể hiện qua bài thi tuyển của trường. Việc có đưa môn tin học vào thi tuyển sinh đại học hay không là do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
- Em học CĐ nghề CNTT ISpace ngành quản trị mạng. Vậy em muốn liên thông đại học FPT chuyên ngành của em có được không, và thời gian bao lâu? Em có cần phải thi tuyển không? Em cảm ơn! (Nguyễn Ngọc Tài, 22 tuổi, 70/1B Ấp Xuân Thới Đông 3, Xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn)
- Ông Lê Trường Tùng: Rất tiếc là hiện nay Đại học FPT chưa triển khai các chương trình liên thông đại học nhận bằng cử nhân - kỹ sư. Tuy nhiên, một số trường đại học của Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo liên thông với trường cao đẳng như ISpace. Em có thể tìm hiểu thông tin trực tiếp của các trường. Tôi hy vọng em sẽ tìm được cơ hội học liên thông để hoàn thiện học vấn của mình.
- Chào thầy Lê Trường Tùng, thầy cho em hỏi trong 5 năm tới ngành công nghệ thông tin Việt Nam sẽ ở vị thế như thế nào so với thế giới, chiến lược của 10 năm tới Việt Nam sẽ đi theo xu hương nào phần cứng hay phần mềm? Em cám ơn thầy (Trọng Tuân, 32 tuổi, Hà Nam)
- Ông Lê Trường Tùng: Theo tôi nghĩ, trong 5 năm tới cùng lắm là năm 2020, Việt Nam phải lọt vào top 50 các quốc gia theo các xếp hạng về CNTT của các tổ chức tư vấn quốc tế. Đến năm 2020, ranh giới giữa phần cứng và phần mềm sẽ không rõ rệt như hiện nay cũng giống như ranh giới phần cứng và phần mềm 50 năm trước. Định hướng của Việt Nam là triển khai tốt các ứng dụng trong nước để CNTT thật sự là hạ tầng của các hạ tầng kinh tế xã hội khác đồng thời có nhiều sản phẩm và giải pháp công nghệ có giá trị xuất khẩu lớn.
- Xin được hỏi vui một chút là CNTT là ngành học khô khan như vậy, ngày ngày cắm cúi vào máy tính, thì đại học FPT có làm gì để việc đào tạo trở lên hấp dẫn và đỡ căng thẳng không? (Trần Huệ, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Quan điểm ngành CNTT khô khan và suốt ngày cắm mặt vào máy tính là không hoàn toàn chính xác. Ngành CNTT hiện là hạ tầng của tất cả các ngành kinh tế xã hội nên lĩnh vực này trở nên rộng lớn hơn nhiều so với trước. Có nhiều vị trí làm việc khác nhau, có những vị trí đòi hỏi những kiến thức xã hội rộng, kỹ năng giao tiếp, có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Đại học FPT, chúng tôi luôn chú trọng đến việc phát triển cá nhân toàn diện, hài hòa của sinh viên. Cuộc sống của sinh viên Đại học FPT rất năng động và vui vẻ. Bạn có thể tham khảo các hoạt động của sinh viên FPT tại cocdoc.fpt.edu.vn hoặc một chương trình của chúng tôi vừa diễn ra ngày 27/3 tại đây.
Thầy Nguyễn Xuân Phong. |
- Tôi thấy ông Nam đưa ra danh sách 10 trường có đào tạo CNTT được đầu tư nhiều nhất ở nước ta hiện nay, vậy ông cho hỏi là danh sách này ông lấy ở đâu, theo tiêu chí nào? Vì theo tôi được biết thì chưa có bất kỳ một bảng xếp hạng chính thức nào về các trường đại học tại Việt Nam. Câu trả lời của ông có thể được xem là một thông báo chính thức của Vinasa và được sử dụng ở các nơi khác không? Xin cảm ơn ông. (Hoàng Ngọc Trung, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Trong số 10 trường này, có 7 trường có khoa CNTT thuộc vào số các khoa CNTT trọng điểm, được đầu tư từ 1997 đến nay. Ba trường còn lại là những trường tương đối trẻ, được hậu thuẫn bởi một trường đại học danh tiếng, có bề dày, hoặc bởi một công ty dẫn đầu thị trường. Tôi tin là nếu có bất kỳ một xếp hạng nào, thì ít nhất 8 trường trong số này sẽ nằm trong top 10.
- Cho em hỏi chỉ tiêu ngành CNTT của trường Đại học FPT năm nay là bao nhiêu zậy thầy? Ngành CNTT năm nay có được xếp vào ngành hot nhất không ạ? Em xin cảm ơn! (Trân Trung Kiên, 18 tuổi, Bình Định)
- Ông Lê Trường Tùng: Chỉ tiêu năm nay của Đại học FPT là 1.900 cho cả hai khối kỹ thuật và kinh tế. Theo các số liệu thống kê sơ bộ hiện nay, dựa trên nguyện vọng của thí sinh cũng như thông tin từ các trường đại học khác, CNTT vẫn chưa phải là ngành "hot" nhất. Cũng như các năm trước, "hot" nhất vẫn là các ngành thuộc khối kinh tế mặc dù đã có nhiều cảnh bảo về việc dư thừa nhân lực của ngành này trong thời gian tới.
- Tại sao cũng ngành công nghệ thông tin, nhưng học xong khi ra trường các công ty chỉ nhận sinh viên tốt nghiệp trường Bách khoa hay Tự nhiên mà không là các trường khác? Phải chăng ngành CNTT chỉ dành cho 2 trường đó. Còn những truờng khác học để lấy bằng cho vui? (Bui Phu Hoai, 28 tuổi, 138 nguyen huu dat)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Thông tin này của bạn không chính xác. Các doanh nghiệp tuyển dụng theo chất lượng và khả năng làm việc của sinh viên chứ không phụ thuộc vào bằng cấp. Thực tế phần lớn sinh viên Đại học FPT đã có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp và đang được nhiều doanh nghiệp coi là lựa chọn hàng đầu. Không ít sinh viên của chúng tôi đã làm việc tại nước ngoài hoặc cho khách hàng nước ngoài ngay sau khi ra trường.
- Chào thầy Tùng, em đang làm ở Viettel nhưng em muốn học thêm văn bằng 2 tại FPT. Hiện tại FPT có đào tạo chương trình này không ạ. (Đào Minh Hùng, 28 tuổi, Thanh Hóa)
- Ông Lê Trường Tùng: Đại học FPT mới thành lập được 6 năm. Để giữ chất lượng đào tạo, hiện nay trường chỉ đào tạo hệ chính quy, chưa đào tạo hệ tại chức, văn bằng hai, liên thông.
- Chào thầy Phong, em đang chuẩn bị thi đại học và cũng rất thích ngành CNTT. Nhưng em còn mơ hồ, không biết học xong ngành này mình có thể làm trong những công ty gì và cụ thể là những công việc gì. Nhờ thầy tư vấn giúp em. Em cảm ơn. (Mai Hoa, 17 tuổi, Tp Ho Chi Minh)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Ngành CNTT bao gồm các lĩnh vực có thể tạm chia làm phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin trong các doanh nghiệp và tổ chức, nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế. Vì CNTT hiện là hạ tầng của các ngành kinh tế xã hội nên bạn có thể làm việc gần như trong bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Bạn có thể làm việc tại các tập đoàn chuyên về CNTT, viễn thông như: FPT, Viettel, VNPT... hay các doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, sản xuất...
- Ngành công nghệ thông tin khi đi làm có sợ thất nghiệp không ạ? (Nguyễn Xuân Tùng, 18 tuổi, Ninh Bình)
- Ông Lâm Quang Nam: Chào Tùng, những nghề không bao giờ sợ thất nhiệp thường là những nghề không lương hoặc lương rất thấp. Vì thế, trong cuộc đời nếu muốn thăng tiến, thì nên học cách chấp nhận và vượt qua rủi ro. Nguy cơ thất nghiệp cũng là một rủi ro mà một người trẻ tuổi muốn thăng tiến nên chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt.
- Có phải lượng kiến thức CNTT tăng theo từng giờ từng ngày không? Nếu thế thì càng ngày sinh viên sẽ phải tiếp thu một khối kiến thức khổng lồ. Không biết điều tôi nghĩ có đúng không ạ? (Trần Trọng Tạo, 20 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: CNTT thay đổi rất nhanh, nhiều thứ chúng ta thấy hiện nay cách đây 5 năm còn chưa tồn tại. Thông thường, kiến thức của CNTT cứ 2 năm là thay đổi 50%. Rất có khả năng những gì học ở năm thứ nhất thì tới năm thứ 4 đã trở thành lạc hậu. Đây là thách thức rất lớn cho những người chọn CNTT làm nghề của mình. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội to lớn cho những ai mới tham gia vào ngành này vì tình trạng "sống lâu lên lão làng" của ngành này không như các ngành khác. Việc thay đổi nhanh chóng cũng làm ngành CNTT trở nên hết sức lý thú.
- Học CNTT có khó không? Em thấy ngồi máy tính nhiều, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ? (Nguyễn Thế Quyền, 20 tuổi, Việt Trì - Phú Thọ)
- Ông Lâm Quang Nam: Ngồi máy tính nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cột sống và thị lực, nhưng bù lại ngón tay sẽ rất linh hoạt. Vấn đề là ưu tiên của riêng bạn là gì thôi.
- Quý vị có thể chứng minh được chất lượng đào tạo CNTT ở trường FPT hay không? (Phạm Văn Tuấn, 36 tuổi, Phạm Văn Đồng)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trong những năm qua, Đại học FPT luôn nằm trong top các trường đại học Việt Nam trong các kỳ thi CNTT quốc gia và quốc tế như Olympic tin học sinh viên, ACM, Microsoft Imagine Cup... Đối với chúng tôi, chất lượng đào tạo của một trường đại học phải được đo bằng chất lượng và sự thành công của sinh viên sau khi ra trường. Về tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng như khả năng của các em có thể làm việc được trong môi trường toàn cầu chúng tôi tin tưởng rằng Đại học FPT đang dẫn đầu ở Việt Nam.
- Kính chào thầy Nam, em có nguyện vọng muốn theo chuyên ngành phần mềm trong nhóm ngành chung CNTT, xin thầy cho em biết xu hướng triển vọng của nghề, những đòi hỏi cần thiết của một kỹ sư phần mềm phải có. Em xin cảm ơn (Lê Minh Tuấn, 18 tuổi, An Giang)
- Ông Lâm Quang Nam: Tuấn thân mến, ngoài kiến thức và kỹ năng về công nghệ để làm một công việc theo yêu cầu của công ty và khách hàng, một kỹ sư phần mềm nên biết chơi một môn thể thao để cân bằng về áp lực công việc. Mặc dù kỹ sư phần mềm thường ngồi làm việc một mình trên máy tính, nhưng khả năng hòa đồng với đồng nghiệp và khách hàng là rất cần thiết.
- Tại sao ngành CNTT giờ không phải là ngành "hot"? (Đỗ Ngọc Vỹ, 26 tuổi, Quảng Ngãi)
- Ông Lê Trường Tùng: Có nhiều lý do, trong đấy có việc "thoái trào" của kế hoạch CNTT 2001-2005, suy thoái tài chính 2008-2009 và sự lên ngôi của một số ngành "hot" khác như tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Hy vọng rằng CNTT sẽ trở lại vị trí "hot" của mình trong một vài năm tới.
- Tôi rất muốn con trai theo học CNTT và cụ thể là theo học tại truờng ĐH FPT. Nhưng gần đây tôi có nghe nói một số thông tin tiêu cực trong thi cử, hack server của truờng để sửa điểm bài thi của sinh viên truờng FPT, vì vậy tôi rất lo lắng. Xin ông Tùng cho tôi biết, những thông tin đó có thật hay không? (Nguyễn Tuấn Minh, 43 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Gian lận trong thi cử thì chắc là trường nào cũng có. Tại trường Đại học FPT, tất cả sinh viên thi cử trên hệ thống máy tính cá nhân nối mạng không dây nên việc gian lận mang tính công nghệ cao cũng tinh vi hơn. Việc trung thực trong học tập và thi cử được xem như là một yêu cầu quan trọng đối với tất cả sinh viên và cán bộ công nhân viên nhà trường. Mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Trong năm qua, trường đã kỷ luật, đình chỉ học tập hàng chục sinh viên do các hành vi gian lận thi cử tại trường.
- Nếu như năm nay em thi vào ĐH FPT tức là em sẽ bắt buộc phải lên Hòa Lạc học phải không ạ? Không biết điều kiện học tập và sinh hoạt ở đây dành cho sinh viên như thế nào? (Bảo Linh, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Toàn bộ sinh viên nhập học 2012 tại Hà Nội sẽ theo học tại cơ sơ mới của trường tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là cơ sở chính được quy hoạch trên diện tích 30 ha, thiết kế theo tiêu chuẩn của Nhật. Trong giai đoạn đầu, trường đưa vào sử dụng diện tích 9 ha, với đầy đủ điền kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Phòng học được trang bị điều hòa, các trang thiết bị multimedia và các thiết bị học tập hiện đại. Toàn bộ sinh viên sử dụng máy tính xách tay, ở ký túc xá theo tiêu chuẩn 3 sinh viên một phòng, công trình phụ khép kín. Khu tổ hợp thể thao của trường có sân bóng cỏ nhân tạo, nhà tập Vovinam, các sân thể thao và đặc biệt là có sân trượt băng lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí ngoài giờ học cũng được nhà trường chú trọng.
- Tiền lương thấp nhất của ngành CNTT khi mới ra trường? (Nguyễn Vân Hùng, 21 tuổi)
- Ông Lê Trường Tùng: Mức lương phụ thuộc vào tính chất công việc và nơi làm việc. Hiện nay, mức lương thấp nhất của kỹ sư CNTT Việt Nam mới ra trường khoảng 4 triệu đồng một tháng, chưa kể các khoản thưởng hàng năm.
- Thưa thầy, thầy cho em hỏi, bí quyết nào để em có thể thi một phát là đậu ngay vào Đại học FPT? (Lan Chi, 18 tuổi, Nam Định)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bí quyết nằm trong chính tư chất của con người bạn thôi. Bạn có thể thi một phát là đỗ ngay hoặc thi một phát là trượt ngay. Trong trường hợp chưa trúng tuyển trong kỳ thi tháng 4 bạn có thể có thêm một cơ hội nữa vào tháng 8/2012.
- Làm sao để yêu thích ngành công nghệ thông tin. Em đã làm việc trong ngành một thời gian và cảm thấy ko còn hứng thú như lúc ban đầu. Có phải dù chọn ngành nào cũng vậy làm việc một thời gian sẽ thấy không con say mê nữa? Xin cảm ơn. (Nguyễn Đức Anh, 20 tuổi, Nghĩa Dũng- Ba đình)
- Ông Lâm Quang Nam: Nếu em rất muốn yêu mà không thể yêu được nữa thì em thử rời xa ngành này một thời gian xem sao. Nếu ngành này là số phận của em thì em sẽ tự biết lúc nào em phải quay lại với nó.
- Cho tôi xin hỏi, lương FPT trả cho người lao động, cụ thể là sinh viên mới ra trường có cạnh tranh với mặt bằng chung của ngành trong cả nước? (Hoàng Tiến Dũng, 52 tuổi, Đông Hà - Quảng Trị)
- Ông Lê Trường Tùng: Một doanh nghiệp muốn phát triển bắt buộc phải có mức lương cạnh tranh được với mức lương của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. FPT là công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chất lượng cán bộ là yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển của công ty trong các năm qua và các năm tiếp theo. Do đó, lương của FPT đều đạt cao hơn mức lương mặt bằng chung. Tất nhiên, ngoài lương, thưởng còn có nhiều yếu tố khác thu hút và giữ chân người lao động như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến...
- Chào thầy Phong, thầy có cho rằng là mức học phí của ĐH FPT hiện nay đang quá cao? (Tùng Dương, 18 tuổi, TP HCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Học phí của Đại học FPT hiện đang nằm trong top 7 trường cao nhất tại Việt Nam, khá cao so với học phí tại các trường công lập. Hiện nay, chương trình đào tạo của Đại học FPT bao gồm 9 học kỳ. Học phí của mỗi học kỳ là khoảng 23 triệu đồng.
Quan điểm của chúng tôi là không thể có đào tạo chất lượng nếu chi phí thấp vì chi phí cho giáo trình theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí cho các trang thiết bị học tập và đặc biệt là chi phí để có giảng viên giỏi có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề là không nhỏ. Toàn bộ giáo trình đào tạo tại Đại học FPT được nhập nguyên bản từ nước ngoài, sinh viên được hỗ trợ trang bị máy tính xách tay.
Ông Nguyễn Xuân Phong. |
- Kính chào ông Nam, theo tôi được biết có một số trường dạy CNTT theo dạng học nghề CNTT học viên tốt nghiệp vẫn có thể làm việc tốt như nhưng người tốt nghiệp chính qui từ các trường đại học. Ông có đánh giá gì về việc này? (Đỗ Văn Vinh, 30 tuổi, 16 Cửu Long Tòa nhà Lotus)
- Ông Lâm Quang Nam: Kỹ năng hay trình độ làm việc của một người phụ thuộc trước tiên vào bản thân của người đó. Trường học cũng chỉ giúp được phần nào mà thôi. Vì thế những người có tố chất tốt để làm việc trong ngành có khi chỉ cần qua trường nghề là đã không kém gì những người học chính quy từ các trường đại học. Nếu những người có tố chất tốt đó có cơ hội qua đào tạo chính quy thì chắc chắn họ sẽ làm việc tốt hơn hẳn những người khác cũng được đào tạo chính quy như vậy.
- Chào thầy Tùng, nếu con em thầy học FPT ra trường mà không có việc làm thì thầy xử lý thế nào? (Hải An, 17 tuổi, TP HCM)
- Ông Lê Trường Tùng: CNTT đang là ngành có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho nên nếu học tốt, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao. Với Đại học FPT, một trong những định hướng hoạt động là "vào không quá khó, ra không dễ dàng" nên bằng cấp của Đại học FPT đồng nghĩa với chất lượng. Chúng tôi hoàn toàn tin vào tương lai nghề nghiệp của sinh viên trường. Chúng tôi cũng biết rằng chất lượng của nhiều trường đại học đào tạo CNTT hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội và cơ hội việc làm của sinh viên khi ra trường có khó khăn. Trong trường hợp đó, nếu sinh viên vẫn chọn CNTT là định hướng nghề nghiệp của mình thì nên học thêm một số khóa đào tạo bổ sung - khi đấy tìm việc sẽ dễ dàng hơn. Nếu thấy CNTT không phù hợp với mình thì nên chuyển sang học ngành khác.
- FPT Aptech có đào tạo Lập trình viên quốc tế, vậy cho e hỏi đó có phải là 1 ngành của ĐH FPT không? Em muốn đăng ký học thì ở Aptech thì phải làm hồ sơ như thế nào? Và bằng của FPT Aptech và bằng ĐH FPT có giống nhau không? Cảm ơn các thầy (Vũ Thanh Tuân, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: FPT Aptech đào tạo nghề ngắn hạn theo chương trình của tập đoàn Aptech Ấn Độ và do tập này cấp bằng. Bạn có thể liên hệ theo số (04)38224880 để biết về thông tin tuyển sinh của chương trình này. FPT Aptech là trung tâm đào tạo trực thuộc Đại học FPT. Bằng của Đại học FPT cấp cho sinh viên hệ đại học là bằng chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
- Chào anh Nam. Hiện nay em thấy CNTT của VN có vẻ hơi loạn khi có quá nhiều doanh nghiệp tham gia. Anh có thể định hướng cho chúng em nên chọn mảng nào để phát triển? (Lâm Vinh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lâm Quang Nam: Vinh mến, nếu xét về số lượng doanh nghiệp CNTT trên đầu người thì Việt Nam chưa bằng một phần của New Zealand. Bạn có thể chọn những mảng thị trường mà khi có ứng dụng CNTT thì người ta sẽ thu lợi gấp bội so với khi không có ứng dụng, ví dụ nông nghiệp, chăn nuôi...
- on The Job Trainning là một điểm rất hay ở đại học FPT, thầy có thể chia sẻ về nó? Và nó chiếm bao nhiêu phần trong việc đào tạo ra một người làm CNTT tốt (Lê Kim Chi, 34 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Chương trình đào tạo của Đại học FPT chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu là dự bị tiếng Anh; giai đoạn thứ 2 là học các môn cơ bản và chuyên ngành; giai đoạn thứ 3 là OJT (On the Job Trainning) tức học trong môi trường làm việc thực tế; giai đoạn thứ 4 là học nâng cao và làm đồ án tốt nghiệp.
OJT là một chương trình đặc biệt của Đại học FPT với thời gian 4-8 tháng, bắt buộc với tất cả sinh viên. Qua giai đoạn này, sinh viên sẽ có kinh nghiệm thực tế đồng thời tạo nền tảng tiếp thu các môn liên quan đến quản trị, lập nghiệp dễ dàng hơn. Chúng tôi mong muốn rằng sinh viên Đại học FPT khi tốt nghiệp không chỉ đơn thuần làm việc trong các công ty đã tồn tại mà còn có khả năng tạo lập doanh nghiệp, công việc cho mình và bạn bè của mình. Khi đó, nội dung đào tạo trong giai đoạn ôn thi OJT rất quan trọng.
- Tôi có một người cháu là học sinh giỏi, nghèo vượt khó. Cháu rất đam mê công nghệ thông tin dù nhà rất nghèo. Tôi được biết học phí tại ĐH FPT rất cao, vậy trường có những ưu tiên nào dành cho những học sinh giỏi nghèo vượt khó không? Xin cảm ơn (Nguyễn Thủy Tiên, 33 tuổi, TP HCM)
- Ông Lê Trường Tùng: Hàng năm trường Đại học FPT đều có học bổng dành cho học sinh giỏi và tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên nghèo. Cháu của chị có thể đăng ký tham gia các chương trình tài chính sinh viên này khi làm thủ tục nhập học vào trường.
- Năm nay em đăng kí dự thi vào FPT vì niềm đam mê công nghệ và được biết FPT là một môi trường hàng đầu đào tạo cho sinh viên ngành này. Em muốn hỏi về chương trình vay vốn cho sinh viên, và đối tượng nào được vay, đến khi nào phải hoàn trả cho ngân hàng. Liệu có đảm bảo rằng 100% s/v có việc làm khi ra trường. Em đưa ra dẫn chứng nhạy cảm một chút mong thầy thẳng thắn giúp. (Pham Trong Quynh, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Sinh viên có học lực khá, có hoàn cảnh khó khăn có thể vay tín dụng để theo học tại Đại học FPT. Năm nay, trường có chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất tương đương lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Thí sinh cần vượt qua một mức điểm nhất định trong kỳ thi ngày 8/4 và sau đó trải qua phỏng vấn về hoàn cảnh gia đình để được xét duyệt. Sinh viên hoàn trả học phí đã vay trong vòng 5 năm sau khi ra trường. Thực tế hiện nay 100% sinh viên FPT sau khi ra trường đã có việc làm trong đó không ít em làm việc tại nước ngoài. Trường có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho toàn bộ sinh viên.
- Có những lĩnh vực CNTT trong nước đào tạo chưa được chuyên sâu như nước ngoài, theo ông, để nâng cao trình độ hơn nữa thì ở sinh viên nên đến nước nào học tập, đào tạo thêm, có thể như Ấn Độ? Các cơ sở đào tạo CNTT ở Việt Nam có hỗ trợ được học viên trong trường đi học thêm ở nước ngoài hay có cơ hội nào cho học viên tìm kiếm việc làm ở các nước đang cần nhiều lao động chuyên môn cao về CNTT? (Hải Hà, 18 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Lâm Quang Nam: Sinh viên nói chung, nhất là ngành CNTT, cần phải biết tận dụng Internet để tự học. Sinh viên CNTT lại có ưu thế đặc biệt so với sinh viên những ngành khác là có thể thông qua Internet để cập nhật kiến thức, kỹ năng, tham gia các dự án toàn cầu, tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường mà không phải tốn kém đi lại tìm hiểu ở bên ngoài. Việc tìm kiếm việc làm ở các nước khác thông qua Internet cũng không phải là việc khó và xin viên nên chủ động chọn đường đi cho mình chứ không nên trông đợi vào nhà trường quá nhiều.
- Bằng cấp đào tạo CNTT ở Việt Nam có thể sử dụng ở phạm vi quốc tế không? (Trần Trọng Bảo Bình, 28 tuổi, Hưng Yên)
- Ông Lê Trường Tùng: Chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chưa được quốc tế đánh giá cao nên bằng cấp của Việt Nam ở phạm vi quốc tế có nơi chấp nhận, có nơi yêu cầu chứng chỉ hoặc đào tạo bổ sung. Mục tiêu của trường Đại học FPT là sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở bất cứ nơi nào trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, sinh viên của trường được đào tạo nâng cao về ngoại ngữ, các chương trình đào tạo chuyên môn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, các quy trình đào tạo cũng định hướng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, trường Đại học FPT triển khai quy trình chất lượng ABET. Bằng cấp do các trường đạt tiêu chuẩn ABET cấp đều được các công ty quốc tế công nhận.
- Thầy cho em hỏi trường có đào tạo và tuyển sinh ở Vũng Tàu không? Em cám ơn thầy (Minh Thái, 30 tuổi, Vũng Tàu)
- Ông Lê Trường Tùng: Trường tuyển sinh trên quy mô toàn quốc và hiện nay chưa có cơ sở đào tạo ở Vũng Tàu.
- Gửi thầy Nguyễn Xuân Phong, người ta hay nói "ĐH FPT" là đại học của con nhà "giàu". Vậy thưa thầy có con đường nào cho con nhà "nghèo" có năng khiếu tin học bước chân vô "ĐH FPT" không? (Nguyễn Đức, 28 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Thông tin mà bạn nêu ra không hoàn toàn chính xác. Tại Đại học FPT có khoảng 30% số sinh viên là đến từ các gia đình có mức thu nhập trung bình trở xuống. Các sinh viên "nghèo" có thể theo học tại trường nhờ hàng trăm suất học bổng toàn phần và bán phần cũng như chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của trường. Thí sinh và phụ huynh có thể tham khảo thêm chương trình học bổng, tín dụng tại website của trường: www.fpt.edu.vn
- Cho tôi xin hỏi con tôi đang học trường phổ thông dân lập sau này có thi vào trường công nghệ thông tinh được không? (Phan Đình Đức, 44 tuổi, An linh phú giáo bình dương)
- Ông Lê Trường Tùng: Đại học FPT không phân biệt loại hình trường phổ thông khi tuyển sinh. Tất cả các thí sinh từ trường phổ thông công lập, dân lập hoặc tư thục đều có cơ hội tuyển sinh như nhau.
- Tiếng Anh của em không được tốt lắm, liệu khi học ở FPT có gặp trở ngại gì không? Và trường có chương trình phụ đạo thêm ngoại ngữ cho những thí sinh như bọn em không? (Thùy Dương, 18 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trường Đại học FPT không thi tuyển đầu vào bằng tiếng Anh. Như vậy bạn có thể thấy chúng tôi không đòi hỏi trình độ tiếng Anh ở đầu vào. Để có thể theo học được chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại trường, chúng tôi có khóa học dự bị tiếng Anh trong năm đầu tiên. Nếu trình độ tiếng Anh của bạn tốt, bạn có thể bỏ qua một phần hoặc toàn bộ khóa học này.
- Tôi là phụ huynh của thí sinh sắp thi vào ĐH FPT, tôi đang rất lo lắng về điều kiện ăn ở, đi lại của cháu trên Hòa Lạc, xin các thầy có thể cho biết cụ thể thêm các thông tin về Hòa Lạc? (Phạm Đức, 51 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Sinh viên học trên Hòa Lạc sẽ sống trong ký túc xá của trường. Chúng tôi tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập sao cho các em có thể cả tuần không cần ra khỏi khuôn viên của trường
- Chào anh Phong, sau khi học sinh nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo và trước khi kỳ thi đại học diễn ra, học sinh phải làm thủ tục, hồ sơ gì không để được nhập học? (Trần Thị Tỵ, 52 tuổi, Việt trì - phú thọ)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Học bổng Nguyễn Văn Đạo là học bổng toàn phần của trường Đại học FPT dành cho những học sinh xuất sắc nhất của 100 trường trung học phổ thông hàng đầu trên toàn quốc. Khi trao học bổng cho các cá nhân này, chúng tôi đã có hương dẫn chi tiết về thủ tục nhập học. Chị có thể hỏi thêm thông tin theo số điện thoại:(04) 37687717.
- Xin hỏi ông Nam, ông Tùng và ông Phong, Nhiều trưởng mở ra nhưng đào tạo không chuyên dẫn đến việc đào tạo tràn lan mà không có hiệu quả nhưng lại thu tiền học phí rất cao? Như vậy, theo BTC giải quyết vấn đề này ra sao? (Nguyễn Dũng, 18 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Lê Trường Tùng: Nhiều trường mở ra nhưng đào tạo không chuyên dẫn đến việc đào tạo tràn lan với chất lượng không cao. Để giải quyết tình trạng này cần tăng cường quản lý nhà nước, giám sát từ phía xã hội. Từng trường phải có trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của mình đồng thời cần có cơ chế cạnh tranh thị trường lành mạnh tạo điều kiện cho các trường tốt phát triển và đóng cửa các trường chất lượng kém.
- Tôi hiện là thí sinh ở miền Bắc và đang muốn học ngành khoa học máy tính nhưng do đang phân vân về chất lượng đào tạo giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Công nghệ Quốc gia Hà Nội. Tôi nghe nói ĐH Bách khoa rất khó ra trường vì chương trình học nhưng đầu ra lại không bằng ĐH Công nghệ. Vậy thực hư thế nào kính mong được giải đáp. (Ken-le, 18 tuổi, TP HCM)
- Ông Lê Trường Tùng: Cá nhân tôi thích Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hơn.
- Tôi muốn dự thi vào đại học FPT nhưng hầu như đã quên kiến thức phổ thông, xin hỏi nhà trường có lớp ôn thi hay không (Bùi Thanh Tùng, 24 tuổi, Cần Thơ)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Dạng đề thi vào Đại học FPT nhằm đánh gia tư chất của thí sinh chứ không đánh giá kiến thức phổ thông. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể làm tốt bài thi này mà không sợ đã quên kiến thức phổ thông. Cá nhân tôi, đã tốt nghiệp phổ thông hơn 20 năm vẫn có thể làm tốt dạng bài thi này thậm chí có thể giành học bổng -:)
- Cảm ơn các thầy đã tham gia buổi tư vấn. Qua buổi trực tuyến này, các thầy có lời khuyên nào cho những thí sinh đam mê công nghệ thông tin sắp bước vào kỳ tuyển sinh của Đại học FPT? (Hoàng Anh, 18 tuổi, Hà Nội)
- Ông Lê Trường Tùng: Kỳ thi tuyển sinh sắp tới của Đại học FPT sẽ diễn ra vào ngay 8/4 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Để làm tốt bài thi, em cần tìm hiểu kỹ dạng đề thi của trường, làm thử các đề thi mẫu hoặc dự thi trực tuyến trên website của trường theo địa chỉ www.fpt.edu.vn. Chúc các em thành công trong các kỳ thi sắp tới và trong tương lai sẽ trở thành những chuyên gia CNTT giỏi của đất nước. Cảm ơn các bạn đã tham gia nhiệt tình buổi trực tuyến ngày hôm nay.
Ý kiến bạn đọc