Từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần phát triển KT - XH địa phương
HGĐT- Những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện KT - XH, thế nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự năng động của mỗi địa phương, đơn vị, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã từng bước được đẩy mạnh.
Có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng đi vào đời sống thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển của một địa phương còn thuộc diện khó khăn bậc nhất của cả nước.
Có thể nói, nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực KHCN, với sự chỉ đạo của tỉnh, lĩnh vực KHCN đã từng bước đổi mới, bắt nhịp với sự phát triển của đời sống. Trên cơ sở đó, công tác quản lí Nhà nước về KHCN đã có những chuyển biến và đi vào nề nếp. Công tác quản lí và tổ chức hoạt động khoa học ngày càng được tăng cường từ cấp tỉnh đến huyện. Hoạt động tuyên truyền cho lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN đã được thúc đẩy, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương về vai trò của KHCN. Qua đó, về bộ máy tổ chức làm công tác KHCN từng bước được củng cố, kiện toàn từ cấp tỉnh đến huyện. Đa phần các huyện đã bố trí được cán bộ làm chuyên trách thực hiện công tác quản lí KHCN. Công tác đầu tư, phát triển nguồn lực KHCN cũng đã được chú trọng. Ngoài việc đầu tư cho cán bộ đi học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước thì hàng năm tỉnh cũng đã bố trí kinh phí để mua sắm, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lí về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ, thông tin KHCN, hàng rào kỹ thuật thương mại, đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin...
Với sự quan tâm, đầu tư, từ giai đoạn 2006 – 2011, tỉnh đã bố trí cho sự nghiệp KHCN là 50.954 triệu đồng để chi triển khai các đề tài, dự án khoa học và hoạt động chuyên môn ngành. Cùng với đó, chúng ta cũng thu hút được các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KHCN từ Trung ương với số tiền 21.720 triệu đồng. Việc quản lí nguồn kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ KHCN được thực hiện theo đúng Luật KHCN đã phát huy được hiệu quả vốn đầu tư. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN ngày càng có hiệu quả rõ rệt. Trên cơ sở đó, 5 năm từ 2006 đến nay, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động nghiên cứu được phân bổ gần như đồng đều trên các lĩnh vực. Điểm qua các lĩnh vực được đầu tư nghiên cứu, ứng dụng có thể thấy lĩnh vực nông lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực hàng đầu được chúng ta qua tâm, ưu tiên. Qua đó, chúng ta đã tổ chức thực hiện thành công nhiều đề tài như: Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nước và phân bón trong thâm canh lúa, đưa năng xuất lên cao như tại Bắc Quang; phục tráng và bảo tồn các giống cây lương thực đặc sản có giá trị kinh tế cao như lúa Khẩu Mang, ngô nếp núi đá, lúa Già Dui, nếp Yên Minh, nếp Nàng Hương; xây dựng mô hình chè shan tuyết đặc sản tại các địa phương như Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Đồng Văn... Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cũng từng bước được chú trọng. Tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và khả năng sử dụng khoáng sản phi kim loại trên địa bàn; ứng dụng hiệu quả việc xây dựng các hồ treo trên Cao nguyên đá Đồng Văn mang lại hiệu quả to lớn cho đời sống người dân; ứng dụng phần mềm M-office vào hoạt động quản lí, điều hành tại cơ quan hành chính Nhà nước, hệ thống 1 cửa điện tử... góp phần hiện đại hóa hành chính công.
Với một địa phương còn vô vàn khó khăn, nhưng chúng ta cũng có thể tự hào khi lĩnh vực Y- dược đã tích cực vượt lên chính những khó khăn để trở thành một trong những địa phương miền núi áp dụng khá thành công nhiều phương pháp y học hiện đại vào khám chữa bệnh cho nhân dân. Nói về vấn đề này, thầy thuốc ưu nhân dân Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế chobiết, những năm qua, với sự năng động, sáng tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào khám, điều trị bệnh như kỹ thuật mổ nội soi cho nhiều loại bệnh lí; mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Pha – cô; nghiên cứu, ứng dụng laser – he ne nội mạch phối hợp thuốc điêu trị giảm đau một số bệnh mãn tính. Cùng với đó, hiện nay những tiến bộ y học đang từng bước được chuyển giao đến tuyến huyện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân...
Trong giai đoạn từ 2006 – 2011, chúng ta cũng đã triển khai 7 dự án KHCN cấp Nhà nước với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng để chuyển giao công nghệ mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn trong đời sống sinh hoạt cho nhân dân. Từ đó, những ứng dụng KHCN vào thực tiễn đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân vùng thực hiện dự án lên 1,5 đến 2 lần. Nhiều sản phẩm thế mạnh của chúng ta như cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà đã được đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ.
Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, tạo ra mô hình điểm cho nhân dân chủ động áp dụng vào sản xuất còn xây dựng được hàng trăm mô hình với trên 1 ngàn hộ dân được tham gia và hưởng lợi. Trên cơ sở đó, tạo được cơ sở khoa học cho các cấp chính quyền nhìn nhận, đánh giá và đẩy mạnh việc ứng dụng thúc đẩy sự phát triển KT – XH của địa phương. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song có thể nói, để đáp ứng với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, chúng ta còn phải đổi mới rất nhiều nhằm nâng cao hiệu quả của các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn. Qua đó, trong một buổi làm việc mới đây với tỉnh, đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm UB KHCN&MT Quốc hội và Đoàn công tác cho rằng, ngoài việc tăng cường thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực KHCN, Hà Giang cũng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho những vấn đề trọng tâm. Từ đó, mang lại hiệu quả cho một địa phương đang rất cần những ứng dụng KHCN cho nhu cầu XĐGN và nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, phục vụ cho sự phát triển KT – XH, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh...
Ý kiến bạn đọc