Theo dõi diễn biến biến đổi khí hậu qua Google
08:17, 24/02/2012
Với tình trạng trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu, điều gì sẽ xảy ra ở Việt Nam khi nhiệt độ trái đất tăng lên 4 độ C. Bạn có thể hình dung rõ ràng và khá chính xác nếu tra cứu bản đồ Google về tác động của BĐKH đối với khu vực Đông Nam Á.
Bản đồ này sẽ được chính thức giới thiệu và chia sẻ từ ngày 22/2 - đây là công trình của các nhà khoa học Trung tâm Hadley (Văn phòng khí tượng Vương quốc Anh). Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Chris Gordon, thuộc trung tâm Hadley - một trong những tác giả của tấm bản đồ này để tìm hiểu ứng dụng của nó.
Theo chia sẻ của tiến sỹ Chris Gordon, nếu máy tính của bạn đã có phần mềm bản đồ Google, thì bạn chỉ cần vào phần tìm kiếm của Google, rồi gõ từ khóa “4 degree Celcius map”, tức là “bản đồ 4 độ C” là có thể tìm thấy bản đồ Google về tác động của BĐKH đối với khu vực ĐNA khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng thêm 4 độ C vào cuối thế kỷ này, nếu cộng đồng thế giới đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu tác động của BĐKH. Đây là kết quả sau nhiều năm thu thập thông tin và nghiên cứu của Tiến sĩ Chris Gordon cùng các nhà khoa học về khí tượng hàng đầu của Anh.
Tiến sĩ Chris Gordon cho biết, khi nhìn vào bản đồ, “chúng ta sẽ thấy những vòng tròn nhiều màu sắc, có 9 màu sắc khác nhau. Mỗi màu tượng trưng cho một yếu tố khác nhau, bị ảnh hưởng bởi BĐKH bao gồm: Nông nghiệp, nước sạch, nước biển dâng, các cơn bão nhiệt đới, hệ sinh thái biển, nhiệt độ cực đoan, hạn hán, sức khỏe của con người và dao độ của El Nino. Những khu vực nằm trong vòng tròn... màu nào thì tức là bị ảnh hưởng bởi yếu tố đó. Ví dụ: màu nâu tượng trưng cho hạn hán, thì tất cả khu vực nằm trong vòng tròn màu nâu đều bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Nếu không dùng vòng tròn thì bạn có thể click vào các biểu tượng ở các khu vực”.
Trên bản đồ có thể thấy rằng: Việt Nam nằm trong tất cả các vòng tròn, tức là từ giờ cho tới cuối thế kỷ này, nếu cứ với đà tăng nhiệt trung bình của Trái đất thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng về mọi mặt. Biểu tượng số 1 là đồng bằng sông Cửu Long, đây là khu vực trũng ở Nam bộ nước ta. Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 4 độ C thì mực nước biển khu vực này sẽ dâng thêm 65 cm. Phần lớn đất đai ở khu vực ĐBSCL sẽ biến mất. Còn các vùng khác cũng sẽ bị xâm nhập mặn và thiệt hại đến mùa màng do mưa bão bất thường.
Cũng theo tiến sỹ Chris Gordon: “Những thông tin khoa học đưa ra ở bản đồ này cũng là một cảnh báo rằng, cộng đồng thế giới cần phải hành động vì môi trường để làm chậm lại quá trình tăng nhiệt của trái đất. Trước mắt, chúng ta mong muốn là nhiệt độ trung bình của trái đất chỉ tăng 2 độ C thôi, theo như cam kết của cộng đồng thế giới”.
Với tấm bản đồ này, nguy cơ và hậu quả của BĐKH sẽ không chỉ là những lời cảnh báo chung chung, mà sẽ được hình dung rõ ràng. Có thể thế giới sẽ tăng lên 4 độ trong thời gian không xa, mà cũng có thể không bao giờ xảy ra. Điều đó phụ thuộc vào hành động bảo vệ môi trường của mỗi chúng ta.
Ý kiến bạn đọc