Triển vọng thị trường công nghệ Việt Nam
09:01, 30/01/2012
Được xem là thị trường non trẻ nhất ở Việt Nam hiện nay, thị trường công nghệ kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt, đó là những sản phẩm trí tuệ, những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ các đề tài của tổ chức khoa học trong nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh không cao, chỉ đạt 12-15%. Thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ vì lý do cung và cầu công nghệ chưa gặp nhau.
Sàn giao dịch Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình hoàn thiện, hàng được mang đến bày bán chưa nhiều. Vấn đề là ở chỗ, các doanh nghiệp có vốn trong nước thường có ít kinh nghiệm trong thương thảo hợp đồng, nên nhiều trường hợp phải chấp nhận giá cao. Trách nhiệm của bên bán vẫn chưa được ràng buộc trước và trong quá trình chuyển giao công nghệ.
Theo ông Phan Minh Tân, GĐ Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM: “Sàn giao dịch công nghệ là mô hình mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam, tuy nhiên ở các nước công nghiệp phát triển thì sàn giao dịch công nghệ đã có từ cách đây 20 năm”.
Đề án xây dựng và phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam đã nhận được ý kiến đóng góp của gần 20 bộ ngành khác nhau. Thực tế thì khi đã có cung, cầu hàng hoá, giải pháp cụ thể trước mắt là phải hình thành những định chế để thị trường hàng hoá công nghệ có thể hoạt động. Những đơn vị trung gian môi giới, chuyển giao, giao dịch các sản phẩm khoa học công nghệ sẽ là những bộ phận không thể thiếu để cung và cầu gặp nhau, khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giữ vai trò quản lý, điều hành, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.
Chợ công nghệ, techmart, sàn giao dịch công nghệ... những mô hình thị trường công nghệ phổ biến nhất hiện nay vẫn do nhà nước quản lý. Những phương thức này sẽ được xã hội hóa trong thời gian tới. Mục tiêu thời gian tới là tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ phải đạt bình quân năm từ 15-17% và khoảng 25% đối với một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu phát triển cao.
Ý kiến bạn đọc