“Ngôi nhà chung” của giới trí thức khoa học và công nghệ
HGĐT- Năm 2006, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (KHKT) tỉnh Hà Giang được thành lập. Đây là nơi thu hút, tập hợp lực lượng trí thức khoa học và kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực cùng phát huy tiềm năng trí tuệ để cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nhà.
Mô hình sản xuất đậu tương tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên). |
Những kết quả đạt được từ ngày thành lập đến nay chưa nhiều nhưng đó là cơ sở, bài học kinh nghiệm để Liên hiệp Hội tiếp tục phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, trí thức khoa học và kỹ thuật toàn tỉnh hiện có trên 19.000 người. Về trình độ: Có 6 tiến sỹ; 62 thạc sỹ; 3.834 đại học. Nhằm thu hút, đoàn kết lực lượng trí thức này phát huy tiềm năng, trí tuệ vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà đòi hỏi cần có sự ra đời của Liên hiệp các Hội KHKT. Trên cơ sở đó, ngày 9.5.2006, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hà Giang chính thức được UBND tỉnh ký quyết định thành lập. Sau khi thành lập, các hoạt động của Liên hiệp Hội chủ yếu do Sở Khoa học- Công nghệ là cơ quan thường trực của Hội triển khai, thực hiện. Đến năm 2010, UBND tỉnh ra quyết định kiện toàn BCH lâm thời gồm 23 đồng chí. Sau khi kiện toàn, BCH lâm thời đã xúc tiến công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất. Đồng thời từng bước xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, bộ, ngành T.Ư, các Hội KHKT chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội. Đến nay, Liên hiệp các Hội đã có 8 Hội chuyên ngành với tổng số 8.226 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Một số Hội ngành còn có Chi hội xuống tận cấp xã, phường như: Hội Làm vườn; Hội Đông y... Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội. Từ năm 2006 đến nay, Liên hiệp Hội có 1 đề tài khoa học thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp được triển khai, 1 dự án xây dựng thương hiệu cam sành Hà Giang.
Cùng với đó, các Chi hội thành viên cũng xây dựng nhiều đề tài khoa học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đã tiến hành phục tráng, bảo tồn các giống cây lương thực đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Từ đó góp phần khôi phục lại những đặc điểm quý của giống, nâng cao năng suất, chất lượng giống cây lương thực bản địa như: Giống lúa tẻ Khẩu Mang; ngô nếp núi đá; lúa tẻ Già Dui; lúa nếp râu Yên Minh; nếp Nàng hương; giống ngô tẻ vàng... Qua đó đã sản xuất ra những lô hạt giống có chất lượng cao, làm cơ sở cho các Trung tâm Khoa học Kỹ thuật giống của tỉnh nhân ra diện rộng. Song song với cây lương thực, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm phát triển cây chè Shan bản địa, cây cam Sành địa phương cũng được chú trọng. Tỉnh đã xây dựng được các vườn ươm giống chè Shan tại địa phương, các mô hình thâm canh cải tạo vườn chè năng suất thấp; mô hình trồng cây cam Sành kết hợp với trồng ổi... Đào tạo nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức thâm canh và ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật để nâng cao hiệu quả khai thác cây chè Shan, cây cam Sành đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Các huyện, thành phố cũng đã triển khai 45 dự án nhân rộng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất với cơ chế ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ 40 đến 60% kinh phí. Kết quả đã xây dựng được 194 mô hình trình diễn trên tổng diện tích 372 ha. Ngoài việc xây dựng mô hình trình diễn, kết quả đạt được là cơ sở để chính quyền địa phương đưa vào mục tiêu phát triển trên địa bàn. Bên cạnh đó, nguồn vốn khoa học cũng đầu tư cho công tác nghiên cứu đề xuất các biện pháp công nghệ phù hợp nhằm phục vụ sản xuất công nghiệp trong các khâu như khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng bằng công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường thông qua các đề tài: Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và khả năng sử dụng khoáng sản phi kim loại trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại Hà Giang.... Kết quả đạt được là tiền đề để xây dựng định hướng phát triển, quy hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, phục vụ cho các ngành sản xuất trong tỉnh, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Trên các lĩnh vực thương mại- dịch vụ; văn hóa - xã hội; Y tế; an ninh - quốc phòng cũng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện, chó kết quả khả quan và có tính nhân rộng cao.
Mục tiêu tổng quát của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh trong giai đoạn 2011- 2016 đó là: “Củng cố tổ chức chính trị xã hội của giới trí thức khoa học công nghệ; hoàn thiện một bước bộ máy, từng bước triển khai và mở rộng hoạt động chuyên môn; tăng cường thu hút, tập hợp, vận động giới trí thức khoa học và công nghệ phát huy sự cống hiến góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo lập được các điều kiện để Liên hiệp Hội phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo”. Liên hiệp Hội thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” của giới trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc