Hiểm hoạ của thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường, sức khoẻ con người và hướng phát triển của nền nông nghiệp an toàn và bền vững

16:40, 26/09/2011

HGĐT- Trong sản xuất nông lâm nghiệp (NLN), lợi ích của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mang lại là không thể phủ nhận. Thuốc BVTV giúp tiêu diệt các loài dịch hại cây trồng như: Sâu, bệnh, cỏ dại... và mối, mọt, nấm mốc... trong dụng cụ, kho bảo quản thóc, ngô, đậu tương, các loại gỗ, hàng mây che đan... Góp phần vào nâng cao năng suất, giá trị sản xuất rất thiết thực, hiệu quả.


Tuy nhiên, những tác hại mà thuốc BVTV gây ra cho sức khoẻ con người và môi trường về trước mắt cũng như lâu dài không phải ai cũng nhận ra được như:


Gây ô nhiễm môi trường sống (đất, nước, không khí) khi phun thuốc trên đồng ruộng, khử trùng nông sản, ngâm ủ rau quả.


Để lại dư lượng với mức độ gây độc khác nhau trên các loại nông sản tiêu dùng hàng ngày như: Gạo, ngô, các loại rau quả... đã làm suy giảm sức khoẻ con người, gây nên nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư, thoái hoá xương khớp, bị nhiễm nặng có thể gây dị tật cho các thế hệ sau...


Ngoài ra, việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, không đúng kỹ thuật, phun thuốc theo kiểu “đi tắt, đón đầu”, không cần căn cứ vào hiện trạng của hệ sinh thái đồng ruộng sẽ làm cho hiểm hoạ sâu bệnh của những năm sau ngày càng trầm trọng và việc chi phí cho thuốc BVTV ngày càng lớn hơn; đây chính là vòng luẩn quẩn trong canh tác nông nghiệp hiện nay.


Thuốc BVTV là một trong các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường

Là một trong các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường sống vì: Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, khi phun thuốc BVTV để trừ dịch hại ngoài đồng ruộng thì chỉ có 5 - 7% lượng thuốc tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu diệt dịch hại, còn 93 – 95% bị rửa trôi vào nguồn nước, thẩm thấu vào đất canh tác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và tiêu diệt các loài vi sinh vật có ích. Mặt khác, khi phun, thuốc bị khuếch tán vào trong không khí và nhờ gió và mưa sẽ di chuyển đến nhiều vùng khác nhau.


Ngoài ra, tại một số vùng của nước ta do việc xây dựng một số kho thuốc BVTV không đúng qui định đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm nghiêm trọng mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng công bố.


Thuốc BVTV để lại dư lượng trong các sản phẩm nông nghiệp gây nguy hiểm tới sức khoẻ người tiêu dùng.


Theo nguyên tắc khi sử dụng thuốc trên đồng ruộng nếu tuân thủ đúng kỹ thuật và thời gian cách ly thì theo thời gian và tác động của các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, ánh sáng, nước mưa, sự phân giải của các vi sinh vật thì đa số các loại thuốc bị phân huỷ thành các chất ít độc hại đối với con người.


Nhưng hiện nay, do lợi nhuận nên nhiều loại hoá chất có độ độc cao, tồn tại lâu trong môi trường và sản phẩm đã bị cấm sử dụng, các loại thuốc BVTV nhập lậu từ nước ngoài vẫn tràn lan trên thị trường được người nông dân sử dụng hàng ngày để phun trừ sâu, bệnh trên các loại cây trồng và bảo quản các loại nông sản, thậm chí không đảm bảo thời gian cách ly nên đã để lại dư lượng các loại hoá chất độc hạikhá lớn trong nhiều loại nông sản thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.


Thuốc BVTV làm đảo lộn hệ sinh thái nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây lên những đợt dịch sâu bệnh trầm trọng trên cây trồng những năm sau:


Khi phun thuốc BVTV trên đồng ruộng không chỉ tiêu diệt các loài sâu, bệnh, cỏ dại... gây hại cây trồng mà còn tiêu diệt các loài thiên địch có ích (thiên địch là những côn trùng hoặc nhện... lấy sâu hại làm thức ăn hoặc ký sinh sâu hại như các loài o­ng mắt đỏ, o­ng đen kén trắng ký sinh trứng và sâu non của một số loài sâu hại, bọ cánh cứng 3 khoang ăn các loài sâu hại, bọ xít nước ăn rầy nâu, nhện lưới bắt sâu...); đa số các loài thiên địch bị tiêu diệt trước và chết nhiều hơn do chúng dễ mẫn cảm với thuốc BVTV hơn nhiều so với các loài sâu hại. Bên cạnh đó, các loài sâu hại sau khi bị phun thuốc, những cá thể còn sống sẽ phục hồi quần thể nhanh hơn nhiều so với các loài thiên địch vì các loại thuốc BVTV hiện nay không thể tiêu diệt được hết các loài sâu, bệnh khi phun trên đồng ruộng (hiệu quả của thuốc BVTV chỉ đạt từ80 – 85%). Vì vậy, ở những nơi nào người dân dùng nhiều thuốc để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa hoặc các cây rau mầu khác... thì ở chính những nơi đó sẽ thường xuyên bùng phát dịch sâu bệnh vào những vụ và năm sau do thiên địch chưa kịp hồi phục để đủ sức khống chế sâu hại. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật sẽ gây hiện tượng sâu hại quen thuốc dẫn đến kháng thuốc và chống thuốc. Vì vậy, những vụ và năm sau muốn tiêu diệt sâu bệnh hại người dân lại phải tăng nồng độ và liều lượng các loại thuốc BVTV dẫn đến hiện tượng lượng thuốc BVTV tăng dần qua các năm trên cùng đơn vị diện tích. Điều đó gây tốn kém về kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, dư lượng các loại thuốc BVTV ngày càng cao trên các loại nông sản, ảnh hưởng càng nguy hại tới sức khoẻ con người. Theo thống kê của Viện bảo vệ thực vật: Nếu như cả nước ta năm 1990 đã sử dụng 10 nghìn tấn thuốc BVTV thì đến năm 2003 lượng thuốc BVTV đã sử dụng tăng lên 45 nghìn tấn và vào năm 2005 cả nước đã sử dụng 50 nghìn tấn thuốc BVTV trong một năm. Đây thực sự là con số nguy hiểm cần báo động.


Vậy làm thế nào để xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV nhưng vẫn giữ vững và tăng năng suất cây trồng?


Từ những hiểm hoạ mà thuốc BVTV đã gây lên cho con người và môi trường sinh thái ngày càng hiện hữu, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) đã khuyến cáo người nông dân thực hành canh tác và bảo vệ cây trồng theo hướng phòng trừ tổng hợp ( IPM). Theo đó, nhiều biện pháp kỹ thuật tổng hợp như: Tạo cây trồng sinh trưởng khoẻ bằng các biện pháp canh tác như làm đất, bón phân, chọn giống tốt... để cây có thể tự bù đắp (đền bù) những thiệt hại do sâu, bệnh gây lên. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ và nhân nuôi các loài thiên địch có ích trên đồng ruộng. Đây chính là những “người bạn” đồng hành cùng nông dân trong tiêu diệt các loài sâu hại cây trồng không để chúng phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế; nâng cao kiến thức về kỹ thuật canh tác cho người nông dân thông qua các lớp tập huấn IPM hoặc các mô hình trình diễn để họ trở thành những “chuyên gia” trên đồng ruộng của mình, từ đó mà họ tự quyết định có nên phun thuốc hay không trong từng điều kiện cụ thể của đồng ruộng (điều này còn phải căn cứ vào số tiền đầu tư cho thuốc BVTV, công phun và lợi nhuận thu được sau khi phun thuốc ra sao, trong chuyên môn gọi là ngưỡng kinh tế); và thuốc BVTV chỉ là một biện pháp cuối cùng khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại về kinh tế mà các biện pháp khác không đủ khả năng khống chế. Một thực tiễn quan trọng của hệ sinh thái đồng ruộng cần phải được nhắc lại là: Người nông dân và cán bộ kỹ thuật phải biết chấp nhận rằng trên các loại cây trồng đang sinh trưởng lúc nào cũng phải cũng phải có sâu bệnh gây hại, nhiệm vụ trong chỉ đạo kỹ thuật là phải nắm bất từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và giai đoạn phát triển gây hại của sâu bệnh, yếu tố thiên địch, thời tiết... để khống chế sâu bệnh không để chúng phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế. Biện pháp phun thuốc chỉ cần tiến hành khi sâu bệnh tiến gần tới ngưỡng gây hại về kinh tế và có chiều hướng tăng mật độ, chứ không phải cứ có sâu bệnh là chỉ đạo phun thuốc. Vì vậy, nếu chỉ đạo không đúng kỹ thuật sẽ gây tốn kém tiền của nông dân đồng thời kéo theo những hệ luỵ khác về môi trường, sức khoẻ, chất lượng nông sản, nhất là làm suy giảm sự cân bằng của hệ sinh thái nông nghiệp... Do đó, biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) đã được nông dân Thế giới và Việt Nam đón nhận từ thập niên 90 và ngày càng thể hiện tính ưu việt của một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” trong thâm canh lúa, đây chính là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm giảm lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng nhưng vẫn giữ vững và tăng năng suất lúa. Nhưng trên thực tế hiện nay, một số cán bộ nông nghiệp và người nông dân do không hiểu hết kỹ thuật nên chỉ coi thuốc BVTV nhất là các loại thuốc hoá học là một phương tiện duy nhất trong phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại... gây hại cây trồng. Nếu không thay đổi tư duy khoa học thì “nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững” sẽ mãi xa vời trên thực tế và sức khoẻ con người, môi trường sống ngày càng bị đe doạ nghiêm trọng.


PHẠM VĂN PHÚ (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấp trứng bằng… “nước nóng”
Mất điện người dân vùng nông thôn Việt Nam vẫn có thể sử dụng năng lượng mặt trời để ấp trứng, tỷ lệ thành công tới trên 85%.
31/08/2011
Facebook treo thưởng 40.000 USD cho lỗi bảo mật
Facebook cho biết họ vừa treo thưởng 40.000 USD cho những người có công phát hiện các lỗi bảo mật tồn tại trên trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Đây là giải thưởng mới nhất trong ba tuần đầu tiên của cuộc thi Bug Bounty (tạm dịch Săn lỗi có thưởng).
31/08/2011
VN đoạt huy chương đồng giải ABU Robocon 2011
Chiều 28/8, đội các sinh viên trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) của Việt Nam cùng với đội của trường Đại học bách khoa Batam (Indonesia) đã giành huy chương đồng giải Robot châu Á-Thái Bình Dương ABU 2011 (ABU Robocon 2011), tổ chức tại trung tâm hội nghị triển lãm Muong Thong Thani.
29/08/2011
Kinh nghiệm tạo đam mê khoa học của Hàn Quốc
Hàn Quốc vươn lên đứng thứ 6 thế giới về giao dịch thương mại trong khi dân số chỉ có hơn 50 triệu dân với thu nhập đầu người trung bình khoảng 21.000 USD/năm.
29/08/2011