Một số tác động môi trường khi xây dựng các công trình thuỷ điện
HGĐT- Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh, hệ thống sông suối có độ dốc lớn, nên có tiềm năng khá lớn về thuỷ điện vừa và nhỏ. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hiện nay có một số công trình thuỷ điện đã và đang thi công như: Thuỷ điện Thái An, thuỷ điện Sông Bạc, thuỷ điện Nậm Ngần, thuỷ điện Nho Quế 3...
Các công trình thủy điện đó đã đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, các công trình thủy điện cũng có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời kỳ chuẩn bị thi công, cũng như vận hành công trình thuỷ điện sẽ gây ra một số tác động tới môi trường tự nhiên và kinh tế-xã hội trong khu vực.
Các tác động này bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Tuỳ từng vị trí, địa điểm, quy mô của các công trình mà mức độ ảnh hưởng có khác nhau. Do vậy, ngoài những lợi ích do công trình thuỷ điện mang lại, chúng ta cũng cần quan tâm xem xét tới những tác động của công trình đối với môi trường tự nhiên và kinh tế- xã hội nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực, phát huy những tác động tích cực.
Những tác động tích cực:
Khi công trình được xây dựng, hàng năm sẽ cung cấp sản lượng điện lên điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông, một số cơ sở hạ tầng trong khu vực được cải thiện, cùng với nguồn điện được cung cấp đảm bảo sẽ kích thích các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp trong khu vực phát triển, khả năng lưu thông giữa các địa phương được nâng cao; sẽ làm thay đổi bộ mặt của khu vực cả về cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế. Người dân bị ảnh hưởng nói riêng và các địa phương bị ảnh hưởng nói chung sẽ được hưởng các phúc lợi xã hội tốt hơn, thay đổi điều kiện kinh tế, giảm hộ đói nghèo tại địa phương.
Đối với môi trường tự nhiên: Khi công trình đi vào hoạt động sẽ làm cho một số yếu tố môi trường ổn định hơn. Môi trường nước, đất khu vực xung quanh hồ sẽ được cải thiện, tiểu vùng khí hậu xung quanh hồ trở nên ôn hoà hơn, điều này sẽ cải thiện môi trường sinh thái theo hướng tích cực, góp phần phát triển du lịch và nghề cá vùng hồ; bổ sung nguồn nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân.
Các tác động tích cực này có phạm vi ảnh hưởng khá rộng, không những chỉ trong khu vực công trình mà còn đối với nền kinh tế toàn khu vực trong cả quá trình phát triển lâu dài.
Những tác động tiêu cực:
Tác động đến chất lượng không khí: Các hoạt động xây dựng, khai thác chuyên chở vật liệu, nổ mìn gây nên bụi và khí thải ...Đây chỉ là tác động tạm thời trong thời gian thi công và xảy ra ở các khu vực xa khu dân cư hoặc dân cư đã được di chuyển.
Khi hình thành hồ chứa, do tích nước làm ngập khối lượng lớn sản phẩm thực vật bị phân huỷ tạo ra khí H2S tác động xấu đến chất lượng không khí. Nhờ tác động của gió lưu thông trên mặt thoáng của hồ sẽ có tác dụng giảm sự ô nhiễm. Tác động này cũng sẽ giảm và mất dần theo thời gian.
Tác động đến khí hậu: Do các hồ chứa thuộc loại nhỏ và chạy dài dọc sông nên tác động của hồ chứa tới chế độ thời tiết như: nhiệt độ, mưa, gió và độ ẩm của khu vực sẽ không đáng kể cả về trị số lẫn vùng chịu ảnh hưởng. Đây là tác động tích cực và duy trì suốt thời gian vận hành; chúng rất có ý nghĩa trong việc làm dịu đi tính hà khắc của mùa khô, đem lại điều kiện phát triển tốt cho động thực vật trong khu vực lân cận hồ chứa.
Tác động đến môi trường nước: Thay đổi hình thái dòng sông, tại vị trí đập chính, lòng sông cũ được mở rộng, mực nước tăng cao và dao động tuỳ theo hoạt động sản xuất điện năng của nhà máy điện.
Thay đổi về chế độ dòng chảy, chất lượng nước trong sông: Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông vùng hồ sẽ chuyển từ chế độ dòng chảy trong sông thiên nhiên sang chế độ thuỷ văn hồ. Nước từ chế độ sông thiên nhiên chuyển sang chế độ nước tĩnh sẽ tạo điều kiện cho bùn cát thượng lưu bồi lắng.
Tác động của công trình lên địa hình, địa mạo khu vực: Hiện tượng bán ngập, sạt lở hồ chứa, bồi lắng lòng hồ, xói lở hạ du, xâm thực có thể xảy ra theo cả chiều sâu và chiều ngang. Toàn bộ diện tích đất bị ngâm trong nước sẽ trở thành trầm tích đáy hồ; diện tích đất chiếm dụng để xây dựng khu mặt bằng công trình như: tuyến dập, nhà máy, nhà điều hành, đường thi công vận hành...
Đối với môi trường kinh tế xã hội: Trong giai đoạn chuẩn bị và thi công, đời sống của nhân dân trong khu vực công trình sẽ bị xáo trộn do ảnh hưởng của chương trình di dân và tái định cư: Ảnh hưởng cả nhà ở và đất sản xuất phải tái định cư. Các hộ bị ảnh hưởng chủ yếu là đồng bào các dân tộc;
* Một số đề xuất biện pháp giảm thiểu:
Qua các đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của việc xây dựng và vận hành công trình thuỷ điện đến các yếu tố môi trường cho thấy cần có các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực từ thời kỳ chuẩn bị xây dựng đến giai đoạn thi công và vận hành. Cụ thể: Trong giai đoạn dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật:Nghiên cứu, thiết kế các biện pháp công trình và thi công hạn chế các ảnh hưởng đối với chất lượng nước và không khí, các quá trình sạt lở, bồi lắng lòng hồ và xói lở hạ du, vùng bán ngập, nghiên cứu bảo vệ cảnh quan và bờ hồ; nghiên cứu mức độ nguy hiểm về địa chất đối với công trình. Điều tra đánh giá chi tiết hơn về tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng trong khu vực.
Điều tra đánh giá chi tiết tài nguyên rừng và thảm phủ thực vật, động vật, sinh vật thuỷ sinh trong các khu vực lòng hồ, chiếm đất xây dựng và khu vực ảnh hưởng khác. Nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết kế có hiệu quả cao và giảm thiểu các thiệt hại về môi trường sinh thái. Điều tra chi tiết về thiệt hại dân sinh, kinh tế khu vực lòng hồ và khu vực xây dựng công trình. Lập kế hoạch bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Trong giai đoạn thi công: Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Phần diện tích sử dụng tạm thời xong cần được san lấp và trồng cây. Quản lý chặt chẽ rừng các khu vực lân cận công trình và hành lang thi công. Phục hồi kịp thời rừng trồng tại các mỏ, bãi tập kết vật liệu, bãi thải ngoài khu vực lòng hồ. Tổ chức tuyên truyền các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Trong giai đoạn vận hành: Xây dựng và thực hiện chương trình quản lý môi trường trong thời gian vận hành. Quản lý chặt chẽ khu vực công trình và phát triển rừng đầu nguồn. Các hoạt động giám sát chủ đầu tư phải phối hợp, hợp đồng với các cơ quan chuyên môn thực hiện. Các số liệu trong chương trình giám sát luôn là tư liệu quý làm cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác các vấn đề môi trường để có những giải pháp khắc phục đúng lúc và hữu hiệu hơn.
Tóm lại, nếu thực hiện tốt các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và chương trình quản lý, chương trình giám sát đã đề ra thì các tác động tích cực mà công trình sẽ đem lại cho môi trường tự nhiên cũng như kinh tế -xã hội ở mức độ cao, trên diện rộng và kéo dài. Mặt khác trên quan điểm kết hợp hài hoà giữa bảo vệ môi trường và nhu cầu cấp thiết về năng lượng điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước việc xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh là phù hợp và đúng đắn.
Ý kiến bạn đọc