Các kênh truyền hình tìm cơ hội lớn trên Internet
07:41, 24/08/2011
Không chỉ coi Internet là “cánh nối dài”, các kênh truyền hình quốc tế đang làm ăn ở châu Á cũng như bản thân các kênh truyền hình châu Á cũng tăng cường sức mạnh cho chính mình trên Internet.
Nửa đầu năm 2011, truyền thông châu Á chứng kiến bước phát triển mạnh của các kênh truyền hình trong khu vực trong đó sự bùng nổ của các showgame, các cuộc thi tìm kiếm tài năng theo các phiên bản quốc tế, các kênh thể thao chuyên biệt, sự đầu tư mạnh cho công nghệ làm phim tài liệu… được coi là những đặc điểm nổi bật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham gia diễn đàn về băng thông quốc tế (Broadband World Forum 2011) mới diễn ra tại Malaysia, truyền thông châu Á thời gian qua còn chứng kiến một “cuộc tấn công” mới của các kênh truyền hình sang lĩnh vực Internet. Không chỉ coi Internet là “cánh nối dài”, các kênh truyền hình quốc tế đang làm ăn ở châu Á cũng như bản thân các kênh truyền hình châu Á cũng tăng cường sức mạnh cho chính mình trên Internet, xác định đây là mảng nội dung và kinh doanh đầy tiềm năng.
Tạp chí Content Asia số tháng 5 nhận định, đây là xu hướng đã được nhiều Đài truyền hình trong khu vực nhận thức và tiếp cận trong nhiều năm qua, song đến thời điểm này sự đầu tư của các đài truyền hình quốc tế tại châu Á cũng như nhiều kênh truyền hình lớn đã bước sang một giai đoạn mới, tận dụng tối đa những hình thức tương tác mới, cung cấp nội dung đa nền tảng trên Internet, góp phần thay đổi thói quen và nhận thức của người xem về khái niệm “xem tivi”.
“Nhiều kênh truyền hình xác định xây dựng cả một hệ thống trên Internet với mục tiêu, khán giả có thể tiếp cận với kênh ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào và bất cứ hình thức nào”, tạp chí Content Asia nhận định.
CNBC.com được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn cho CNBN trong tương lai |
CNBC.com ra mắt phiên bản dành riêng cho khu vực châu Á
Kênh truyền hình quốc tế CNBC đã chính thức cho ra mắt phiên bản châu Á Thái Bình Dương trên hệ thống trang chủ CNBC.com đầu tháng 8 vừa qua.
Theo lãnh đạo của CNBC, phiên bản mới này sẽ cung cấp thêm nhiều nội dung, những vấn đề nổi bật, những phân tích, đánh giá, nhận định dành riêng cho các nhà đầu tư châu Á. Trang web này cũng tích hợp nhiều các nội dung được sản xuất riêng cho châu Á, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư khu vực trong mối liên kết với các vấn đề toàn cầu. Dịch vụ blog của trang web mới cũng được CNBC kỳ vọng sẽ là nơi kết nối các nhà đầu tư trên một diễn đàn chung của trang.
Ông John Casey, Phó giám đốc phụ trách các bản tin và chương trình toàn cầu của CNBC khẳng định, việc ra mắt phiên bản châu Á trên trang web CNBC.com được coi là bước đi chiến lược, nhằm thu hút thêm các khán giả trong khu vực đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của kênh truyền hình chuyên về tài chính kinh tế này tại châu Á – Thái Bình Dương.
“Trang web mới được coi là sự mở rộng cho các nội dung về khu vực châu Á được phát trên sóng hành ngày trên CNBC. Việc ra mắt này cho phép CNBC có thể phục vụ khán giả tốt hơn bởi như bạn đã biết, Internet có không gian không hạn chế, có thể cho phép người sử dụng tiếp cận nội dung ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào”, ông John Casey cho biết.
Ban lãnh đạo của CNBC cũng cho biết thêm, việc ra mắt phiên bản châu Á nằm trong chiến lược chung của kênh trên Internet. Về lâu dài, CNBC coi Internet là một môi trường cung cấp nội dung tương đối độc lập, phối hợp với các kênh sóng nhằm cung cấp một dịch vụ thông tin hoàn chỉnh cho khán giả toàn cầu.
“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho khán giả những thông tin kinh doanh cạnh tranh và thiết thực cho khán giả. Vì thế CNBC.com và hệ thống phát sóng của CNBC sẽ cùng nhau tạo nên khối lượng thông tin đa phương tiện, hấp dẫn và phong phú nhất”, ông John Casey khẳng định.
Một ví dụ được ban lãnh đạo CNBC đưa ra để minh họa cho sự phối hợp giữa các kênh sóng và hệ thống thông tin trên Internet là sự kiện thảm họa kép ở Nhật Bản. Vào thời điểm được coi là “nóng bỏng” đó, sự kết hợp giữa các hình thức đưa tin và các phương tiện truyền thông mới đã giúp CNBC có những tin tức mới nhất.
“Ví dụ gần đây cho sức mạnh tổng hợp chính là sự kiện động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Khi thảm họa xảy ra, trưởng phân xã của chúng tôi Kaori Enjoji đã liên tục cập nhật tin tức từ nơi tâm chấn qua blog. Và những dòng tin tức ngắn ngủi nhưng được thông tin liên tuc đó đã giúp chúng tôi có những bản tin trực tiếp sống động và những câu chuyện đầy xúc cảm trên sóng”, ông Casey cho biết.
Hiện CNBC khu vực châu Á đã sở hữu riêng một studio, các phương tiện số hiện đại cũng như được đầu tư một hệ thống máy chủ và bộ công cụ đủ mạnh để phát huy sức mạnh trên Internet.
ESPNSTAR.com đang thu thành công lớn ở châu Á |
ESPNSTAR.com thu được thành công lớn
Là trang web được cung cấp bởi hai kênh thể thao rất được yêu thích là ESPN và StarSport, ESPNSTAR.com được coi là dịch vụ trên Internet đặc biệt thành công, thu hút lượng người xem kỷ lục tại các quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Không chỉ cung cấp tin tức, kết quả trực tiếp, bình luận, nhận định về hầu hết các môn thể thao được yêu thích ở châu Á như bóng đá, bóng rổ, criket, tennis, cầu lông, bóng bàn… ESPNSTAR.com được đánh giá rất cao ở dịch vụ video–on–demand (video theo yêu cầu) và live streaming (truyền hình trực tuyến). Hệ thống video của ESPNSTAR.com được chia nhỏ, cập nhật liên tục và chỉ chậm hơn so với các chương trình trên sóng một khoảng thời gian không đáng kể.
Bên cạnh đó, với khán giả ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Hongkong ESPNSTAR.com còn thu hút một lượng lớn độc giả thường xuyên theo dõi các chương trình tường thuật trực tiếp các sự kiện thể thao qua Internet.
Theo thống kê của trang onscreen Asia, mới đây trang ESPNSTAR.com đã thu hút một số lượng khán giả kỷ lục: 10 triệu người xem trực tuyến trận chung kết thế giới môn critket giữa Ấn Độ và Pakistan vừa qua.
Dịch vụ xem truyền hình trực tuyến của trận chung kết được cung cấp trên chính trang
www.espnstar.com
với tốc độ khoảng 70 Gbps.
Trận chung kết criket thế giới được coi là sự kiện thành công nhất của ESPNSTAR cả về mặt truyền hình lẫn online. Trong suốt giải đấu Cricket World Cup 2011, trang web
www.espnstar.com
thường xuyên thu được thu hút khoảng 100 triệu lượt người xem trên toàn cầu trong đó có khoảng 64 triệu lượt người xem các video theo yêu cầu.
Trong vòng hơn 1 tháng kể từ khi ra mắt, trang
www.espnstar.com
đã thu hút hơn 275 triệu lượt người xem, một con số được xem là thành công nổi bật của hai kênh thể thao hàng đầu ở khu vực châu Á.
Châu Á là thị trường băng thông đầy tiềm năng
Đó là ý kiến chung của rất nhiều các diễn giả tham gia diễn đàn về băng thông quốc tế (Broadband World Forum 2011) mới diễn ra tại Malaysia. Trong hai ngày diễn ra diễn đàn, châu Á, sự phát triển băng thông rộng ở châu Á là chủ đề nóng được rất nhiều diễn giả quan tâm.
Diễn đàn đã thu hút được hơn 2000 chuyên gia đến từ 55 nước nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến băng thông rộng, tốc độ cao nhằm phát triển các dịch vụ xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
“Có những cơ hội vô cùng lớn cho thị trường băng thông ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Internet trong khu vực đã có bước phát triển vô cùng mạnh trong những năm qua. Chắc chắn các nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ sẽ tìm thấy những cơ hội mới ở khu vực này. Một số thị trường như Ấn Độ, Bangladesh hay nhiều nước khác đang sẵn sàng đầu tư cho băng thông để mở rộng các dịch vụ của mình”, ông Gavin Whitechurch, giám đốc của diễn đàn cho biết.
Một trong những chủ đề nóng của diễn đàn là “triển khai video on demand đem lại những thách thức mới cho các dịch vụ nền tảng”. Việc triển khác các dịch vụ mới trong truyền hình cũng đặt ra nhiều chủ đề thảo luận cho diễn đàn nhằm đảm bảo tính thông suốt và liên tục của kết nối.
Ý kiến bạn đọc