07:28, 29/09/2010
Sau khi rà soát các thông tin của thuê bao di động trả trước đã đăng ký tại các nhà mạng, Bộ Thông tin - Truyền thông phát hiện ra nhiều chuyện nực cười: Có những chủ thuê bao điện thoại di động mới... hai tuổi, có người đã hơn trăm tuổi, có người không có tên, hoặc chỉ là các ký tự A, B, C…
1.400 chủ thuê bao đăng ký hơn 15 sim
Ngày 23-9, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức tổng kết công tác triển khai Đề án quản lý thuê bao di động trả trước sau hơn hai năm triển khai thực hiện.
Theo báo cáo tổng kết của Vụ Viễn thông, Đề án quản lý thuê bao di động trả trước được triển khai làm ba giai đoạn, bắt đầu từ ngày 4-9-2007 đến 31-3-2010. Sau hơn hai năm triển khai, 100% số thuê bao di động trả trước của bảy mạng di động đã hoàn thành việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định, trong đó có trên 98 triệu thuê bao phát sinh lưu lượng. Hiệu suất sử dụng kho số thuê bao của các doanh nghiệp đạt trung bình khoảng 50%.
Cụ thể, tính đến tháng 4-2010, số thuê bao di động trả trước đã đăng ký đối với năm doanh nghiệp di động: Viettel, Vinaphone, Mobifone, Gtel Mobile, HN Telecom hiện là hơn 131 triệu thuê bao. Trong số này, có hơn 7,3 triệu thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng chưa kích hoạt sử dụng. Đây là những thuê bao đã được đăng ký sẵn nằm trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp để bán cho khách hàng sử dụng. Theo Bộ đánh giá, số lượng các thuê bao này là quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng kho số thuê bao của doanh nghiệp.
Trong 5 nhà mạng, Viettel chiếm nhiều nhất với 53,4 triệu thuê bao di động trả trước đã đăng ký và 4,6 triệu thuê bao đã đăng ký nhưng chưa kích hoạt. VinaPhone có 37,5 triệu thuê bao trả trước đã đăng ký và 54 nghìn thuê bao đăng ký chưa kích hoạt. Tỷ lệ này với Mobifone là 31,5 triệu và 2,2 triệu.
Bản thống kê còn cho thấy, trong số 131 triệu thuê bao di động trả trước, có hơn 69 triệu thuê bao thuộc về các chủ chỉ đăng ký một thuê bao, 17 triệu chủ thuê bao đăng ký hai thuê bao, 8,5 triệu chủ thuê bao đăng ký ba thuê bao. Có gần 72 nghìn người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức đăng ký thuê bao, trong đó có đến 1.400 người đứng tên từ 15 số thuê bao trở lên.
Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn.
Qua phối hợp điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an còn cho biết, hai người đều mang tên Vũ Tuấn Đức nhưng số chứng minh thư khác nhau đăng ký mỗi người hơn 30 số điện thoại.
Quản lý thuê bao trả trước để bảo đảm an ninh
Theo Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, hiện nay ở Việt Nam, việc sử dụng thuê bao di động để xâm phạm an ninh quốc gia diễn ra tương đối phổ biến. Cụ thể, các thế lực thù địch sử dụng điện thoại để thực hiện một số phương thức như: trao đổi, nhận chỉ thị, nhận tiền từ nước ngoài, dùng nhiều số sim rác để tránh cơ quan điều tra. Có trường hợp tội phạm dùng điện thoại di động động để kích hoạt gây nổ mìn tự tạo.
Cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám phá các tội phạm sử dụng công nghệ cao như nhắn tin đe dọa khủng bố, tống tiền, bôi nhọ, quấy rối, trộm cướp thẻ tín dụng…
Thiếu tướng cũng lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp cùng Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an quản lý chặt thuê bao di động để bảo đảm an ninh quốc gia.
Tại Hội nghị, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao các nước quản lý thuê bao di động trả trước rất chặt, trong khi đó Việt Nam lại quản lý lỏng lẻo? Người Việt Nam khi ra nước ngoài mua sim điện thoại phải trình hộ chiếu hoặc có người bảo lãnh, còn ở Việt Nam, người nước ngoài vẫn mua được sim điện thoại mà không cần trình hộ chiếu.
Việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến nhiều hệ lụy như thông tin được khai không chính xác. Theo đại diện của Viettel, do phần mềm quản lý thông tin di động trả trước còn nhiều bất cập, nên cả những thông tin như 2 tuổi, 100 tuổi, không có tên cũng được chấp nhận.
Theo thống kê của Bộ, hiện nay các nhà mạng có đến hơn 200 nghìn điểm giao dịch được ủy quyền, nhưng trong số đó lại chỉ có hơn 41 nghìn điểm, thường là ở các phường, quận nội thành được trang bị máy tính kết nối với mạng viễn thông hoặc internet. Vì thế, các thông tin kê khai của khách hàng thường được các chủ điểm giao dịch dùng sim đa năng nhắn tin về trung tâm thông tin của các nhà mạng, mà không xác minh được thông tin đó có chính xác không.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng cũng cho biết, ông đã từng đến các điểm giao dịch này để đăng ký thông tin di động, nhưng thậm chí người lấy thông tin không cần nhìn đến chứng minh thư của người đăng ký thông tin mà chỉ yêu cầu họ đọc số, có khi đó chỉ là dãy số bất kỳ.
Tiếp tục “siết” việc mua sim thay thẻ điện thoại di động
Tại Hội nghị, nhiều giải pháp quản lý thông tin thuê bao trả trước được đưa ra. Đại diện Viettel đề nghị các nhà mạng nên “dùng chung” những điểm giao dịch ủy quyền. Danh sách các chủ điểm giao dịch có uy tín sẽ do Bộ lựa chọn và thống nhất, vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa bảo đảm được thông tin chính xác. Ý kiến này được ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc Công ty VinaPhone và Thứ trưởng Lê Nam Thắng ủng hộ. Thứ trưởng cho biết, điều kiện để trở thành chủ điểm giao dịch sẽ được đưa và Nghị định hướng dẫn Luật viễn thông ban hành sắp tới. “Để hơn 200.000 điểm giao dịch là khó quản lý và không cần thiết”, Thứ trưởng nói.
Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông Nghệ An còn kiến nghị áp dụng những biện pháp mạnh hơn như hủy bỏ quy định về việc cho phép một chứng minh thư nhân dân được đăng ký ba thuê bao trên một mạng mà thay bằng việc chỉ cho phép đăng ký một thuê bao trên một mạng.
Một số đại biểu còn kiến nghị bổ sung thông tin về ngày cấp chứng minh thư nhân dân trong cơ sở dữ liệu, cần có bản photo chứng minh thư nhân dân khi đăng ký thông tin, hướng dẫn lại khái niệm “máy tính” tại mục 4 công văn số 3814/BTTTT-VT ngày 25-11-2009 để giải quyết vấn đề sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng; cần quy định quản lý chặt đối với các sim đa năng hoặc cắt chức năng đăng ký thông tin của các sim đa năng đã cấp phát ra cho chủ điểm giao dịch tại các quận, phường nội thành thuộc các thành phố, thị xã thời gian qua.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã đưa ra các nhóm giải pháp cần tiến hành đồng bộ trong thời gian tới. Trong đó, về giải pháp tuyên truyền, từ trước việc tuyên truyền về đăng ký thông tin thuê bao trả trước chủ yếu được giao cho doanh nghiệp, nay Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền và phối hợp với doanh nghiệp. Nhóm giải pháp về kỹ thuật: Doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phải rà soát lại quy trình đăng ký thông tin thuê bao.
Nhóm giải pháp liên quan đến kinh tế: Mọi vi phạm trong khuyến mại sẽ buộc phải dừng, phải tăng cường chính sách giá cước. Bộ sẽ có chính sách thúc đẩy phát triển sử dụng thuê bao trả sau. Bộ cũng sẽ ban hành mức phí và lệ phí mới với tài nguyên viễn thông.
Nhóm giải pháp quản lý điểm giao dịch: Hiện nay hơn 200.000 điểm giao dịch là quá nhiều, doanh nghiệp cần nghiên cứu phương án giảm xuống còn nửa.
Nhóm giải pháp liên quan đến hành chính: công tác thanh tra, kiểm tra cần có trọng điểm, trọng tâm, chú trọng vào những nơi mật độ thuê bao nhiều. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra giám sát đại lý của mình, thanh tra sẽ tăng cường xử phạt đơn vị vi phạm và sẽ áp dụng biện pháp mạnh là cắt thông tin liên lạc.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công an kiểm tra đối soát cơ sở dữ liệu chứng minh thư nhân dân thí điểm tại Hà Nội sau đó áp dụng tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, vì số lượng thuê bao di động tại các thành phố lớn đã chiếm một nửa. Các vi phạm nghiêm trọng sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc