Cạnh tranh chộp giật trong lĩnh vực CNTT: Cần bốc “thuốc” đúng bệnh

10:13, 23/09/2010

Hiện nay, với sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử trong nước đã ra đời của nhiều “cổng” thanh toán trực tuyến và ví điện tử.


Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực này là điều tất yếu song cần công bằng và lành mạnh để hai bên cùng phát triển, tránh tình trạng “đứng lên vai” nhau để tiến, thậm chí là vi phạm bản quyền- vấn đề dường như khá phổ biến song lại khó xác định trong lĩnh vực CNTT, thương mại điện tử.

Khi “cổng” này bảo “cổng” kia “cạnh tranh không lành mạnh”

Mới đây, công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hoà bình (PeaceSoft)  đã thông báo với báo chí về hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” của công ty cổ phần Vật giá Việt Nam (VG). Vụ việc bắt đầu từ việc PeaceSoft cho rằng, lãnh đạo hai công ty đã cùng nhau cam kết (qua email) về việc không tuyển dụng nhân sự của nhau song phía VG vẫn tiếp tục “hút” người của PeaceSoft. Theo thông tin mà PeaceSoft đưa ra, tính đến tháng 4-2010, đã có năm nhân viên của họ sang làm việc cho VG.

Cũng theo PeaceSoft, sản phẩm mới của VG là “cổng” Bảo Kim (baokim.vn) giống công cụ Ngân lượng (nganluong.vn) phiên bản 1.0 của họ từ module, ngôn từ, cách thiết kế…Đây chính là phiên bản giúp Ngân lượng giành được giải thưởng ví điện tử được người dùng yêu thích nhất năm 2009 (hồi tháng 2-2010). Ông Đỗ Công Diễn, Giám đốc phụ trách Ngân lượng khẳng định “rất nhiều khách hàng đã gọi điện cho chúng tôi khi thấy có sản phẩm giống Ngân lượng đến vậy” và hợp đồng mà hai bên đưa ra cũng có nhiều điểm “tương tự”. Điều đó có nghĩa là khách hàng đã có thể nhầm lẫn về hai sản phẩm.

Đại diện của  PeaceSoft cho rằng, chính việc VG lôi kéo nhân viên của họ tại Ngân lượng khiến cho Bảo Kim có thể dễ dàng có tài liệu giới thiệu, giao diện website, hợp đồng … giống Ngân Lượng. Ông Đỗ Công Diễn còn khẳng định, Bảo Kim đã so sánh trực tiếp thông tin, giá cả giữa hai bên để lôi kéo khách hàng. Nếu thực tế đúng là Bảo Kim làm vậy thì họ đã vi phạm điều 44, 45 Luật Cạnh tranh. 

Trước cáo buộc trên, ông Nguyễn Bảo Trung – Giám đốc Bảo Kim cho rằng, họ không ăn cắp công nghệ và những gì thuộc về quyền sở hữu trí tuệ của Ngân lượng vì tất cả những hình ảnh mà hai bên sử dụng trong việc giới thiệu dịch vụ đều được tải ….miễn phí từ Internet. Đối với việc tuyển dụng lại nhân sự của PeaceSoft, ông này cũng thừa nhận và cho đây là việc tuyển dụng hợp pháp đối với những người có nhu cầu làm việc cho họ, còn về cam kết giữa lãnh đạo PeaceSoft với VG, Bảo Kim đang muốn… rút lại. 


Bản cam kết không lôi kéo người của nhau giữa lãnh đạo VG và PeaceSoft

Đương nhiên, việc thi tuyển hay tuyển dụng lao động phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của các bên liên quan. Song nhiều vụ “tố” nhau vi phạm về bản quyền phầm mềm Web tại Việt Nam thời gian qua đều có liên quan đến việc các đối thủ “hút” nhân sự của nhau. Vụ kiện về bản quyền đầu tiên của Việt Nam là vụ giữa Công ty TNHH Định Gia (DigiNet) và Công ty P.C.I. Năm 2005, Công ty TNHH Định Gia (DigiNet) đã gửi đơn kiện Công ty P.C.I vi phạm quyền tác giả của phần mềm kế toán Lemon3. Tại Tòa, P.C.I đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết thực thi các điều kiện của DigiNet và vụ việc kết thúc ở đó.  

Vụ kiện này đã xảy ra từ vài năm trước, song hiện nay vẫn còn những DN kinh doanh trong lĩnh vực CNTT lỏng lẻo trong việc bảo vệ mã nguồn khiến nhân viên IT có thể sao chép sử dụng khi muốn. Và ngay cả sau khi họ rời khỏi công ty rồi, vẫn có thể tiếp tục sử dụng những gì đã biết để giúp cho công ty đối thủ có được điều mà họ mong muốn, kể cả vấn đề bảo mật.  Đây cũng là bài học quản lý xương máu cho các DN trong lĩnh vực phần mềm - một lĩnh vực còn rất non trẻ ở Việt Nam. Điều này cho thấy, CNTT càng phát triển, các DN càng phải quan tâm đến bản quyền và phương thức ngăn chặn các hành vi vi phạm chế độ bảo mật thông tin, bảo mật phần mềm bằng các quy định của pháp luật chứ không nên chỉ dựa vào …niềm tin.

Giấy chứng nhận bản quyền - “bùa hộ mệnh” của các DN khi xảy ra tranh chấp

Trên thực tế, các mô hình thanh toán trực tuyến nổi tiếng trên thế giới đã xuất hiện từ lâu như Paypal.com hay Alipat.com và nhiều công ty của Việt Nam cũng học hỏi kinh nghiệm từ đó. Phía  Bảo Kim vẫn tuyên bố thẳng thừng : “Nếu PeaceSoft khẳng định được những nội dung như logo và các hình ảnh được sử dụng trên Ngân lượng là có bản quyền, Bảo Kim sẵn sàng đền bù thiệt hại và gỡ bỏ”. 

Mới đây, lãnh đạo của công ty PeaceSoft đã cho công bố giấy chứng nhận bản quyền cho lo go và hình ảnh…. sử dụng trên Ngân lượng. Giấy chứng nhận bản quyền  tác giả mà PeaceSoft có trong tay chính là văn bản pháp lý khẳng định quyền khai thác, sử dụng phẩn mềm của chính DN cũng như là chứng cứ quan trọng để các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề có hay không sự vi phạm của VG trong vụ việc này.


Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả của Ngân lượng

Có một thực tế là khi CNTT phát triển, các giao diện thương mại điện tử cũng ngày càng “nở rộ” nhưng việc đăng ký bản quyền không phải công ty nào cũng làm và làm đẩy đủ, nhất là các phiên bản “giông giống” của nước ngoài. Do đó, khi tranh chấp xảy ra, vị thế của họ trước pháp luật đương nhiên không được đảm bảo. Vì vậy các DN trước hết phải học cách để lập ra “hàng rào” pháp lý cho chính mình để phòng ngừa rủi ro bởi không phải bao giờ các cơ quan chức năng cũng có thể giải quyết.

Theo ông Trần Anh Sơn - Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, thực tế họ chưa xử lý vụ nào về hành vi cạnh tranh giữa các DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham gia xử lý các vụ việc dựa trên chứng cứ mà phía các DN cung cấp. Còn đa phần các DN đều muốn tự giải quyết, thoả thuận với nhau trước khi vấn đề ra cáo kiện vì sợ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh, gây thiệt hại cho quyền lợi của khách hàng và thời hạn kiện tụng thường “mất quá nhiều thời gian”. Nếu DN cứ ngần ngại tiếp cận với các nhà quản lý thì rất khó cho lực lượng này trong việc xử lý cũng như biết được những điểm còn chưa phù hợp hay còn “vênh”  giữa luật pháp với thực tế để “bốc thuốc đúng bệnh”.

Hiện, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng Bảo Kim có hành vi vi phạm bản quyền hay cạnh tranh không lành mạnh đối với Ngân Lượng, nhưng sự việc của hai công ty đã gióng lên một hồi chuông báo động về  vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, là văn hoá kinh doanh và môi trường cạnh tranh giữa các DN Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực CNTT. Môi trường kinh doanh nào cũng vậy, cũng cần được “làm sạch” để không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh cho các DN trong nước mà cá DN nước ngoài khi vào hoạt động tại Việt Nam.

Điều 44: Gây rối hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp khác
Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Điều 45: Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:

1. So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác.

2. Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng;

3. Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:

a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, ngày sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công;

b) Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành

c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một tỷ đồng cho ý tưởng sử dụng năng lượng bền vững
Ngày 28/8, cuộc thi "Ý tưởng Xanh 2010" với chủ đề "Sử dụng năng lượng bền vững" được phát động tại Hà Nội, với tổng giải thưởng 230 triệu đồng và 750 triệu đồng để hiện thực hóa 3 dự án xuất sắc nhất.
31/08/2010
Nguồn gốc của một số biểu tượng quen thuộc trên máy tính
Biểu tượng chỉ dẫn làm việc trên máy tính quen thuộc với người sử dụng hằng ngày, nhưng ít ai biết về nguồn gốc của chúng.
30/08/2010
Các mạng tăng dịch vụ nội dung số
Bắt đầu từ ngày 25-8, Yahoo chính thức cung cấp dịch vụ chat Yahoo! Messenger trên mạng di động Viettel.
27/08/2010
Đến 30-8, cắt dịch vụ các đại lý internet gần trường học không di dời
Theo số liệu thống kê từ 17/29 quận, huyện của TP Hà Nội do Sở Thông tin và Truyền thông công bố trong cuộc họp chiều nay, 23-8, thủ đô có 194 đại lý internet cách trường học dưới 200m, trong tổng số hơn 2.100 đại lý internet.
24/08/2010
Tìm hiểu về kiến thức tim mạch