Tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cùng với việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn trong bài toán cân bằng năng lượng quốc gia.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng tăng dần
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo, trong 3 năm từ 2006 đến 2008, lượng năng lượng tiết kiệm được tương đương 15,2 tỷ kWh điện. Tỷ lệ tiết kiệm tăng dần theo các năm với mức 1,56%, 3,15% và 3,48%.
Hệ thống văn bản pháp quy, mạng lưới quản lý và triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã cơ bản hình thành. Về hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng, đã triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ, phân tích báo cáo, định mức chuẩn cho một số ngành như xi măng, thép, dệt may, chế biến thủy hải sản.
Công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường cũng được tăng cường với nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, các ngành chức năng đã phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp, với hàng chục triệu bóng đèn compact, thiết bị đun nước nóng năng lượng mặt trời,… Đồng thời, xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các doanh nghiệp, các tòa nhà thông minh, tòa nhà xanh.
Tuy nhiên, Chương trình cũng đang vấp phải một số hạn chế về nguồn kinh phí, nhận thức và ý thức tiết kiệm năng lượng chưa cao trong các hộ sử dụng, một số dự án tiết kiệm năng lượng khó tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, vấn đề giá năng lượng hiện nay cũng là rào cản lớn để triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cùng với việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, yếu tố sống còn trong bài toán cân bằng năng lượng quốc gia hiện nay là tiết kiệm năng lượng.
Theo tính toán, hệ số đàn hồi năng lượng của Việt Nam (tỷ số giữa tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng/tốc độ tăng trưởng GDP trong cùng giai đoạn) vẫn còn quá cao so với các nước trong khu vực. Dù có những chuyển biến nhất định, kết quả khuyến khích, kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm vẫn còn khiêm tốn.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, điểm đầu tiên mà Chương trình cần tập trung khắc phục là vấn đề cơ sở dữ liệu năng lượng còn yếu.
“Ấn phẩm có thể gọi là đầu tiên về dữ liệu năng lượng đã được xuất bản năm 2010, nhưng số liệu hầu hết là của năm 2008, thậm chí phần so sánh với các nước còn sử dụng số liệu năm 2006. Không đảm bảo cơ sở thực tế thì làm sao xác định đúng định hướng, mục tiêu, để chương trình thực sự hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhận xét về Báo cáo năng lượng do Chương trình vừa thực hiện.
Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa 6 nhóm nội dung của Chương trình, trong đó nhấn mạnh vấn đề tuyên truyền, thay đổi nhận thức, rút ngắn tiến độ xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, việc triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong các ngành tiêu thụ năng lượng lớn, hiệu suất thấp.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan có đánh giá cụ thể ngành, lĩnh vực nào là trọng điểm sử dụng năng lượng không hiệu quả để đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn. Đồng thời, so sánh từng chỉ số với các ngành trong khu vực và thế giới để có hướng phấn đấu.
Đầu năm 2011, sẽ tiến hành tổng kết giai đoạn I của Chương trình, triển khai giai đoạn II (2011-2015) với những mục tiêu cao hơn.
Ý kiến bạn đọc