Quản lý game online, cách nào tối ưu?
Bài toán quản lý game online (GO) tại Việt Nam sau nhiều năm vẫn rơi vào bế tắc, gây áp lực cho nhà quản lý, đau đầu cho xã hội và cả doanh nghiệp. Với Việt Nam, đâu là bài toán tối ưu?
Chơi game ở quán net . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Ba xu hướng chính
Đối với ngành game, nhiều chính phủ trên thế giới có 3 xu hướng quản lý chính: Không giới hạn và để xã hội và doanh nghiệp tự điều chỉnh; Cấm đoán nghiêm ngặt; Dung hòa giữa phát triển và hạn chế những điểm tiêu cực.
Tại Mỹ, châu Âu và Nhật, chính phủ để ngành công nghiệp game và xã hội tự quản lý và điều chỉnh. Lấy ví dụ như hệ thống phân loại game, hai hệ thống nổi tiếng nhất là ESRB (của Bắc Mỹ) và PEGI (của châu Âu) đều là tổ chức phi chính phủ.
Các doanh nghiệp tham gia phân loại game một cách tự nguyện để hướng dẫn cho phụ huynh và người dùng về nội dung của game. Tuy nhiên, một số nước vẫn chủ động cấm hẳn một số tựa game với nội dung xấu, ví dụ như trò chơi Grant Theft Auto bị cấm ở Singapore, Úc và nhiều nước khác do có nội dung bạo lực và kích động tội phạm.
Hai quốc gia thành công trong việc vừa khuyến khích ngành game phát triển và giới hạn các tác động tiêu cực là Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn Quốc từ cuối thập niên 1990 được coi là thánh địa của game online, với 50% dân số chơi game. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có một cơ quan chuyên quản lý và thúc đẩy ngành game phát triển.
Nội dung game được kiểm soát rất chặt chẽ với hệ thống phân loại game của chính phủ. Từ năm 2002, Hàn Quốc đưa hệ thống CMND điện tử lên mạng để quản lý công dân chơi game, theo đó, quy định giới hạn nội dung và thời gian với những tài khoản chơi của trẻ em vị thành niên.
Để hạn chế tình trạng chơi game quá độ, Trung Quốc đã đưa ra đạo luật giới hạn điểm thưởng chơi game vào năm 2006 cho các nhà phát hành game, tập trung vào đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi. Trung Quốc cũng đưa ra những chính sách khuyến khích các công ty game nội địa phát triển để chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế game nhập ngoại.
Nghiêm khắc hơn, một số chính phủ đưa ra những đạo luật cấm hay giới hạn việc chơi game như: Hy Lạp, Pakistan, Iran, Campuchia cấm chơi game tại quán internet. Tuy nhiên, những biện pháp cấm này chỉ mang tính hành chính và chịu nhiều chỉ trích của dư luận.
Quản lý GO ở Việt Nam: Cách nào?
Với Việt Nam, theo các chuyên gia, việc quản lý nội dung game cần chú ý 4 giải pháp: Thứ nhất, quản lý nội dung game online phát hành tại Việt Nam thông qua hội đồng kiểm duyệt, giới hạn các game dành cho người từ 17 tuổi trở lên.
Thứ hai, tăng cường kiểm soát nội dung các game nước ngoài. Vì hiện nay đa phần các game nước ngoài (cả game online và game offline) vì nhiều lý do không chịu bất cứ sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý nào. Một số game trên PC và console (PS3, Xbox) đều là game nhập lậu được bày bán công khai ở các cửa hàng đĩa CD.
Thứ ba, Việt Nam nên tăng cường các biện pháp kỹ thuật để quản lý (như Trung Quốc triển khai giải pháp lọc thông tin xấu trên mạng Internet bằng một hệ thống kiểm soát khổng lồ) thay vì chỉ có các quy chế hành chính.
Thứ tư, tuyên truyền phổ biến nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội. Do vậy, song song với việc quản lý chặt nội dung game và quy định giờ đóng cửa với các quán net, biện pháp giáo dục tại gia đình nhằm nâng cao ý thức người chơi, nhất là thanh thiếu niên là cực kỳ cần thiết.
Ý kiến bạn đọc