10 năm xây 14 lò HN: Đó là quy hoạch lâu dài!
Dự kiến từ năm 2020 -2030 Việt Nam sẽ xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân với công suất 16.000 MW. Nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại tốc độ xây dựng lò phản ứng hạt nhân như vậy là quá cao so với khả năng. Trao đổi với ông Lê Văn Hồng, Viện Phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để hiểu thêm về vấn đề này.
hưa ông, hiện có nhiều chuyên gia lo ngại rằng kế hoạch 10 năm xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam là quá nhanh, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đó là quy hoạch dài hạn, mang tính chất định hướng lâu dài. Còn khi thực hiện, chúng ta phải vạch kế hoạch cụ thể cho từng dự án, cẩn thận từng bước một, đảm bảo chắc chắn, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn. Khi chúng ta đã có đủ năng lực, đủ tiềm lực, đủ điều kiện, chúng ta sẽ thực hiện những dự án tiếp theo. Còn hiện tại, chúng ta vẫn phải đưa ra định hướng trong quy hoạch dài hạn.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận |
Việt Nam đang làm những gì để triển khai cho định hướng xây dựng nhiều dự án điện hạt nhân như vậy, thưa ông?
Để triển khai thực hiện cho định hướng này, hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị xây dựng dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.
Về nhân lực, hiện đối tác chính của chúng ta trong dự án đầu tiên là Cộng hòa liên bang Nga, mà cụ thể là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử ROSATOM. Trong năm 2010 này, phía Nga đã tiếp nhận đào tạo cho Việt Nam 30 kỹ sư ngành điện hạt nhân. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, số lượng cán bộ gửi đi đào tạo tại Nga sẽ tăng dần theo tiến độ của dự án. Ngoài ra, lâu nay chúng ta vẫn gửi người đi đào tạo tại các nước khác nhưng số lượng ít hơn.
Về văn bản quy phạm pháp luật thì hiện tại, ta mới có Luật Năng lượng nguyên tử, ban hành năm 2008. Ngày 22 tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Nghị định về nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, Bộ KH&CN, Bộ Công thương và các bộ liên quan đang triển khai soạn thảo các thông tư hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan để sớm tạo hành lang pháp lý cho thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đang được đầu tư, đặc biệt là khi Nhà nước có chương trình phát triển điện hạt nhân. Hiện tại, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang soạn thảo và chuẩn bị trình đề án phát triển Viện thành cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân đầu ngành của cả nước và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Thưa ông, hiện chúng ta mới chỉ có Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng dường như dư luận chưa thấy nhiều về vai trò chỉ đạo của ban này?
Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong tháng 5 vừa qua.
Ban chỉ đạo đã có phiên họp đầu tiên để thảo luận quy chế hoạt động của Ban và thảo luận việc thành lập các tiểu ban (tổ) chuyên môn giúp việc. Nhiệm vụ của Ban là rất nặng nề và mang tính chất lâu dài. Vì mới được thành lập cho nên có thể dư luận chưa ghi nhận sự chỉ đạo của Ban này.
Tuy nhiên, về bản chất, tất cả các hoạt động chuẩn bị như đã nêu trên và còn nhiều hoạt động quan trọng nữa mà chưa có điều kiện trình bày tại phỏng vấn này, đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của các thành viên chủ chốt trong Ban chỉ đạo, đặc biệt là của Trưởng ban: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận chúng ta đã lựa chọn đối tác là Nga, còn những dự án tiếp theo chúng ta sẽ lựa chọn đối tác như thế nào, có tiếp tục hợp tác với Nga không, thưa ông?
Trong thời gian tới, chúng ta có nhiều lựa chọn về đối tác, tuy nhiên, việc lựa chọn đối tác nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài vấn đề về khoa học kĩ thuật chúng ta còn phải tính đến vấn đề chính trị ngoại giao, mối tương quan giữa 2 nước, và một vấn đề quan trọng nữa là khả năng thu xếp tài chính…
Ý kiến bạn đọc