Thành công từ viêc phục tráng và bảo tồn các giống cây lương thực đặc sản
HGĐT- Với quỹ đất lớn, sự đa dạng về khí hậu và địa hình, đã tạo cho Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, như : Lúa nếp râu, nếp Nàng hương, lúa tẻ Khẩu Mang, lúa tẻ Già Dui, ngô nếp núi đá...từ lâu đã là những sản phẩm hàng hoá đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, sự hạn chế của các giống cây lương thực bản địa hiện nay là tình trạng thoái hoá giống do người dân gieo trồng và tự để giống qua nhiều vụ, đã làm cho các đặc tính quý của giống dần dần bị mất đi, chẳng hạn: Đối với cây lúa mùi thơm, độ dẻo dần dần giảm sút, hạt gạo đỏ xuất hiện ngày một nhiều, số hạt một bông ít dần làm cho năng suất suy giảm; cây ngô thì hiện tượng lẫn hạt ngày càng nhiều, bắp ngày càng nhỏ, độ dẻo hạt ngô giảm và chất lượng giảm sút. Nếu tiếp tục sử dụng các hạt giống đó cho vụ sau đần dần sẽ gây ra hiện tượng thoái hoá giống, gieo trồng các giống bị thoái hoá không những chỉ làm giảm năng suất mà còn làm giảm cả tính chống chịu và phẩm chất nông sản, gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân. Trước thực trạng trên, các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật NLN Miền núi phía Bắc, đã tiến hành phục tráng, bảo tồn các giống cây lương thực thông qua Đề tài”Phục tráng và bảo tồn một số giống cây lương thực đặc sản của tỉnh Hà Giang”. Đây là mộtquá trình áp dụng các biện pháp đồng bộ, liên hoàn nhằm khôi phục lại những đặc điểm quý vốn có của giống, sản xuất ra lô hạt giống có chất lượng gieo trồng cao, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của các giống cây lương thực bản địa của tỉnh.
Đề tài được triển khai thực hiện tại 3 địa điểm trên 6 đối tượng cây lương thực:
+ Thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn): Bảo tồn lúa tẻ Khẩu Mang và ngô nếp núi đá.
+ Xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần: Bảo tồn lúa tẻ Già Dui.
+ Trung tâm khoa học Giống cây trồng Đạo Đức: Phục tráng lúa nếp râu Yên Minh, nếp Nàng hương, giống ngô tẻ vàng.
Các giống lúa nếp Râu, nếp Nàng hương, giống ngô tẻ vàng đã được tiến hành phục tráng theo quy trình phục tráng cá thể, việc phục tráng đã được áp dụng theo thang tiêu chuẩn gốc được xây dựng thông qua quá trình điều tra khảo sát thực tế và hội nghị PRA. Quá trình phục tráng được tiến hành qua 3 vụ (G0, G1, G2) đã tạo ra được 20 kg giống nếp Râu, 20 kg giống nếp Nàng hương, 30 kg giống ngô tẻ vàng đạt cấp siêu nguyên chủng.
3 giống còn lại ( Lúa tẻ Già Dui, lúa tẻ Khẩu mang, ngô nếp núi đá), Ban chủ nhiệm Đề tài áp dụng kỹ thuật chọn lọc quần thể trong việc xây dựng mô hình bảo tồn các giống. Quá trình thực hiện đảm bảo chặt chẽ trong các khâu chọn vật liệu ban đầu, chọn ruộng phục tráng, kỹ thuật canh tác ở ruộng cấy, khử lẫn, thu hoạch và bảo quản. Qua các mô hình này đã sản xuất được 1,65 tấn giống lúa tẻ Khẩu Mang; 1,6 tấn giống lúa tẻ Già Dui và 1,1 tấn giống ngô nếp núi đá, tất cả lượng hạt giống này đều đạt cấp nguyên chủng để cung cấp cho sản xuất của địa phương ở các năm sau.
Thông qua việc triển khai thực hiện đề tài, gần 300 lượt hộ nông dân đã được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, bảo tồn giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các giống cây lượng thực bản địa. Kết quả phục tráng, bảo tồn các giống đã được tuyên truyền tới đông đảo bà con nhân dân tại các địa bàn triển khai đề tài thông qua các Hội nghị đầu bờ, do đơn vị thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức.
Đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - đơn vị chủ trì thực hiện Đề tài, đã chuyển giao công nghệ phục tráng giống ngô, lúa cùng các sản phẩm giống siêu nguyên chủng, cho Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức của tỉnh, để tiếp tục làm thuần và nhân giống tạo ra hạt giống đạt phẩm cấp cao cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Có thể khẳng định, đề tài triển khai thành công đã góp phần bảo tồn và phục tráng nguồn gen cây lương thực quý của tỉnh, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất./.
Ý kiến bạn đọc