Cuộc chiến iPhone chính hãng và “ngoài luồng”
Dù đã sau 1 tháng các nhà mạng cung cấp iPhone chính hãng, song đến nay cuộc chiến iPhone chính hãng và ngoài luồng xem ra vẫn chưa hạ hồi. Vậy nên mua iPhone chính hãng hay "ngoài luồng"?
Chính sách “bán kèm” có hấp dẫn?
Sau khi chính thức phân phối iPhone, Viettel và VinaPhone cũng công bố các chính sách “bán kèm”. Theo đại diện Viettel, qua 1 tháng dù không đạt được như kỳ vọng, nhưng lượng iPhone tiêu thu vẫn khá khả quan. Đại diện Viettel cho rằng, thực tế iPhone là dòng điện thoại cao cấp, vì thế khó có thể “bình dân hoá” đến mức... ai cũng có thể dùng. Bên cạnh đó sự chính hãng, chế độ bảo hành... sẽ là lợi thế để NTD cân đong quyền lợi cho mình.
Với Vinaphone, khách hàng mua máy sẽ được sử dụng dịch vụ khuyến mãi, còn Viettel lại ưu đãi giảm giá máy. Với phương thức này, chính sách bán iPhone của Viettel giúp khách hàng bóc tách quyền lợi quy ra thành tiền được hưởng mỗi tháng.
Ví dụ với iPhone 1, khách hàng phải đóng cước 350.000đ/tháng và được hưởng 300 phút gọi (tương ứng 267.000đ), 300 SMS trong nước (tương ứng 105.000đ), 1GB Data (tương ứng 1.000.000đ). Như vậy, tổng số tiền được hưởng gồm 50.000đ (thuê bao), 267.000đ (cước gọi) 105.000đ (cước SMS), 1.000.000đ (Data) và tương ứng 1.422.000đ.
Tương tự với gói iPhone 2, khi khách hàng cam kết cước thuê bao 700.000đ/tháng sẽ được hưởng 50.000đ (thuê bao), 534.000đ (cước gọi) 210.000đ (cước SMS), 5.000.000đ (Data) gấp 8 lần giá trị gói cước. Theo tính toán của “dân công nghệ”, nếu bạn đúng là người có nhu cầu sử dụng 1 triệu đồng cước phí/tháng thì đây là hình thức bán kèm cạnh tranh.
Chính hãng hay “ngoài luồng”?
Để trả lời câu hỏi này, một nhóm “dân công nghệ” phân tích. Đối với sự lựa chọn chính hãng, những ưu điểm được đưa ra là: iPhone chính hãng được bảo hành theo tiêu chuẩn quốc tế, khi gặp sự cố sẽ áp dụng 1 đổi 1. Chính sách của VinaPhone và Viettel đều là thu tiền trước, hồi tiền sau.
NTD có khả năng về tài chính cũng như nhu cầu sử dụng cao sẽ được lợi sau khi nhà mạng khấu trừ tiền trả trước. Bên cạnh đó, NTD còn được “ưu ái” với kho nội dung trực tuyến, tự do cập nhật firmware lên các phiên bản mới ngay khi Apple phát hành mà không lo bị khoá máy. Đặc biệt là giá bán của Viettel thấp hơn hàng “ngoài luồng” trên dưới 1 triệu đồng, cùng chính sách bảo hành và đổi máy mới.
Với câu trả lời là không thì đôi khi, sự tìm tòi và bẻ khoá cũng là sự lý thú. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bản bẻ khoá iPhone hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, NTD cũng có thể mua hàng ngoài luồng với giá rẻ, không lệ thuộc vào hàng “bán kèm”.
Tuy nhiên, bạn lại phải rất thận trọng khi có thể đó lại là hàng “lướt”, thậm chí là hàng giả. Một chuyên gia tham gia dự án iPhone (VinaPhone) cho biết iPhone khó có thể có giá rẻ, do chính sách bán hàng, phân phối của Apple cực kỳ khắt khe về giá.
Sở dĩ ai đó có thể mua rẻ phần nhiều là do khách hàng cam kết sử dụng iPhone ở nước ngoài, sau đó “chạy” cam kết. Ở nước ngoài, đây là hành vi phạm pháp và có thể bị xử phạt nặng. Tuy nhiên lại không nên so sánh hàng chính hãng và hàng “ăn cắp”.
Thực tế là sau 1 tháng cung cấp, giá iPhone ngoài thị trường hoặc buộc phải giảm. Thậm chí, các chủ cửa hàng lo ngại iPhone “ngoài luồng” sẽ bị khai tử. Nhóm phân tích cũng cho rằng MobiFone chưa cung cấp iPhone đã giúp VinaPhone và Viettel có được cơ hội, trong đó Viettel đang chiếm lợi thế.
Ý kiến bạn đọc