Nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
HGĐT- Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm: Nước là nguồn tài nguyên vô tận, không bao giờ cạn kiệt. Xuất phát từ nhận thức đó nên nhiều người dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp thiếu ý thức trong việc sử dụng nguồn nước.
Thời gian gần đây, chúng ta đang phải hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, hầu hết các con sông, dòng suối đều cạn kiệt, nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Diễn đàn “Tăng cường quản lý nước“ do Liên Hợp quốc tổ chức đầu tháng 11.2009, các nhà khoa học, quản lý quốc tế về nước đã cảnh báo nguy cơ: Nguồn nước ngày càng khan hiếm, có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh về nước, song cũng có thể là chất xúc tác thúc đẩy hòa bình, hợp tác. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch, 1 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn; 2,5 - 5 triệu người chết mỗi năm do vấn đề nguồn nước; 37 cuộc xung đột liên quan đến phân chia nguồn nước đã xảy ra trong 50 năm qua. Thế giới đang đứng trước thách thức lớn: Dân số thế giới tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050 nhưng nguồn nước toàn cầu lại giảm tới 10%. Biến đổi khí hậu gây lụt ở một số nước nhưng làm giảm tới 30% nguồn nước ở nhiều vùng lãnh thổ khác.
Trên vùng cao Hà Giang, người dân luôn sống trong tình trạng thiếu nước, hơn ai hết họ khát khao và hiểu rõ giá trị của nguồn nước ngọt đối với hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Từ đó, người dân luôn có ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn sinh thuỷ phục vụ cuộc sống trong cộng đồng dân cư. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngân sách đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch cho người dân trong những năm qua đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch - VSMT nông thôn mỗi năm cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước tập trung, công trình cấp nước hệ tự chảy. Năm 2009, có 26/36 công trình nước sạch - VSMT nông thôn được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch. Để các công trình cấp nước vận hành, phát huy hiệu quả, Trung tâm Nước sinh hoạt - VSMT nông thôn đã hướng dẫn 31 xã, thành lập 44 tổ quản lý công trình cấp nước tại 3 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần; tập huấn vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước cho 35 tổ quản lý với 112 tổ viên tham gia. Từ đó, công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước được thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh các công trình được đầu tư theo chương trình, mục tiêu Quốc gia về nước sạch - VSMT nông thôn, từ năm 2008 đến nay, nhiều dự án liên quan đến việc cung cấp nước được triển khai cũng đã góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số các chương trình, dự án cấp nước sinh hoạt phải kể đến Dự án Đầu tư xây dựng hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Đầu tư xây dựng hồ chứa nước được triển khai trên địa bàn 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn với tổng số 30 hồ. Đến nay, 28 công trình có quyết định phê duyệt dự toán với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng, vượt trên 100 tỷ đồng so với Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; 12 công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 15 công trình đang thi công... Giá trị hoàn thành ước đạt 133,251 tỷ đồng, đạt 70% giá trị dự toán được duyệt, tổng kinh phí đã cấp trên 119 tỷ đồng, đạt trên 88% kế hoạch. Dự án Đầu tư xây dựng hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trong mùa khô cho khoảng 54 nghìn người và đã mở ra nhiều cơ hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi như hồ chứa nước, hệ thống kênh, mương, công trình thu gom nước từ các khe suốicũng đóng vai trò tích cực trong việc khai thác hiệu quả nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 994 công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, ngoài việc tưới chắc cho gần 7 nghìn ha lúa Đông - xuân, trên 19 nghìn ha lúa vụ mùa, nó còn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân. Hiện tại, có 97 công trình thuỷ lợi đang thi công bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư gần 146 tỷ đồng; 82 công trình chuẩn bị đầu tư với tổng nguồn vốn 124 tỷ đồng. Trong thời gian tới, một số khu vực có khả năng về nguồn nước sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi. Nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, năm qua Sở TN-MT cũng thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước như: Triển khai Đề án kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; điều tra, khảo sát thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước giai đoạn 2010-2020... Các giải pháp trên được triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, miền núi.
Quay trở lại Diễn đàn “Tăng cường quản lý nước”, các nhà khoa học, quản lý quốc tế cảnh báo: Khu vực khan hiếm nước trong thời gian tới sẽ là Châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam á. Giải pháp được đưa ra là cần cải tiến cách quản lý nguồn nước vì nó dẫn đến phân chia bình đẳng nguồn nước trên toàn cầu... Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta hãy hành động để giữ gìn nguồn nước - yếu tố quan trọng duy trì sự sống trên hành tinh.
Ý kiến bạn đọc