Bộ Thông tin - Truyền thông công bố 10 sự kiện nổi bật 2009

07:39, 31/12/2009

Sáng 30-12, Bộ TT-TT đã chính thức công bố danh sách 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2009.


1. Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện đã được Quốc hội thông qua

Ngày 23-11, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện. Hai Luật quan trọng này có hiệu lực từ ngày 1-7-2010 sẽ tạo điều kiện thuận lợi huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông với công nghệ mới, hiện đại và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin.

Cùng với Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xuất bản và các Nghị định, Quyết định, Thông tư đã được ban hành tạo hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế cạnh tranh bình đẳng cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông phát triển, tích cực đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

2. Diễn đàn Công nghệ Thông tin thế giới được tổ chức thành công tại Việt Nam

Diễn đàn Công nghệ Thông tin thế giới năm 2009 (WITFOR 2009) với chủ đề “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững” đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 1.500 quan chức chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ thông tin từ 70 nước và vùng lãnh thổ.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm thu hút về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của khu vực. Thông qua Diễn đàn này, Việt Nam đã quảng bá được hình ảnh của mình với bạn bè quốc tế và giới thiệu được những thành tựu, cũng như quyết tâm của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin.

Tại Diễn đàn, Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần đầu tiên được phát hành, cung cấp những thông tin, số liệu cơ bản về hiện trạng phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam.

3. Việt Nam đoạt giải Nhì quốc tế cuộc thi viết thư Bưu chính Thế giới

Tại cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 38 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức, em Nguyễn Đắc Xuân Thảo - học sinh lớp 7/10 Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã đoạt giải Nhì. Đây là giải thưởng cao nhất trong 7 lần Việt Nam đoạt giải qua 20 năm tham dự.

Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của xã hội về hoạt động bưu chính, rèn luyện cho thế hệ trẻ Việt Nam kỹ năng viết văn, sáng tạo trong tư duy, hiểu rõ hơn về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và sự phát triển xã hội, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Tại Lễ kỷ niệm 135 năm ngày Bưu chính Thế giới 9-10, ngành bưu chính Việt Nam đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự, phát biểu chỉ đạo và trao giải thưởng cho em Nguyễn Đắc Xuân Thảo.

4. Dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) chính thức được cung cấp tại Việt Nam

Ngày 13-8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 4 giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 (WCDMA) trong băng tần số 1900-2200MHz (3G) thông qua hình thức thi tuyển.

Việc tổ chức thi tuyển, cấp phép, triển khai cung cấp dịch vụ 3G đã tạo nên một cuộc cách mạng về thông tin di động tại Việt Nam, thể hiện tính công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

3G là hệ thống thông tin băng rộng, ngoài những dịch vụ giống thế hệ 2G, mạng 3G trên cơ sở truyền tải dữ liệu, hình ảnh tốc độ cao, doanh nghiệp sẽ có điều kiện đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất để phát triển các dịch vụ khác như: Thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, giải trí qua mạng.

Dịch vụ 3G được phát triển nhanh trên nền cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, đồng bộ của Việt Nam đã được xây dựng trong những năm qua và đang được tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa.

5. Giải thưởng quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông lần thứ nhất được tổ chức thành công

Ngày 14-3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công Lễ trao giải thưởng quốc gia về CNTT - TT (ICT Awards), 21 giải thưởng đã được trao cho các tổ chức, doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: Dịch vụ thông tin di động và Internet; Công nghiệp CNTT; Đào tạo nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT. Đây là Giải thưởng quốc gia đầu tiên do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhằm công nhận, tôn vinh và quảng bá thành tựu của các tổ chức, doanh nghiệp đã có những thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Việt Nam.

Giải thưởng cũng khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các giải pháp, sáng tạo, nâng cao hình ảnh của CNTT-TT Việt Nam.

6. Chính phủ công bố Lộ trình chuyển đổi công nghệ phát thanh, truyền hình tương tự sang phát thanh, truyền hình số

Ngày 16-1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Tại Quyết định này, lộ trình chuyển đổi công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital) được xác định phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng quốc tế. Thực hiện Quyết định này, trong năm 2009, dịch vụ truyền hình độ nét cao (HDTV), truyền hình qua giao thức mạng Internet (IPTV) đã chính thức phát sóng tại Việt Nam.

HDTV là công nghệ hiện đại nhất trong công nghệ truyền hình hiện nay. Đặc biệt, thông qua hệ thống vệ tinh Vinasat 1, HDTV đã nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng tới cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số nước trên thế giới, nhằm phục vụ công tác thông tin tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.

Truyền hình qua mạng (IPTV) ra đời đáp ứng các nhu cầu của khách hàng không chỉ dừng lại ở việc xem truyền hình theo cách truyền thống mà có thể lựa chọn chương trình yêu thích không bị lệ thuộc vào giờ phát sóng, đồng thời khách hàng có thể nhắn tin, gọi điện thoại, truy nhập Internet, mua sắm qua hệ thống IPTV.

7. Triển khai các hệ thống cáp quang biển quốc tế và phủ sóng thông tin di động trên vùng biển, đảo Việt Nam

Năm 2009, Việt Nam đã chính thức tham gia ba hệ thống cáp quang biển quốc tế có dung lượng lớn là: Liên Á- Mỹ (AAG); Liên Á (IACS); Châu Á - Thái Bình Dương (APG). Việc này sẽ mở rộng băng thông truyền tải cho loại hình dịch vụ liên thông với thế giới, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Dịch vụ VSAT-IP qua vệ tinh Vinasat-1 đã được triển khai, cùng với việc tăng cường phủ sóng phát thanh, truyền hình, dịch vụ thông tin di động mặt đất lần đầu tiên được phủ sóng tới các vùng biển và hải đảo, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nâng cào đời sống văn hóa, tinh thần của quân và dân trên các hải đảo và của ngư dân hoạt động đánh bắt cá trên biển. Những nỗ lực này đã góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh quốc phòng biển, đảo.

8. Xuất bản bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”; lần đầu tiên sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm dịch ra tiếng Tây Ban Nha và tiếng Lào

Tiến tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành Xuất bản Việt Nam đã triển khai xuất bản bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” gồm 4 tập, dày 12.000 trang, hơn 5000 tranh ảnh minh họa,… Đây là ấn phẩm quý giá, đồ sộ bậc nhất từ trước tới nay viết về văn hóa Thăng Long-Hà Nội.

Bộ sách là sản phẩm trí tuệ của hàng chục cơ quan, các tổ chức chính trị, hàng trăm trường học, hơn 1.200 tác giả là các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu hàng đầu ở nước ta và được chọn lọc tư liệu từ hơn 1600 Bộ sách tiếng Hán, hơn 5000 bộ sách tiếng Anh, tiếng Pháp và hơn 2500 bài báo thuộc nhiều lĩnh vực. Bộ tổng tập có nhiều tư liệu được công bố lần đầu, nhiều hình ảnh, bản đồ quý. Bộ sách đã đạt trình độ in quốc tế.

Năm 2007, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản với số lượng kỷ lục ở Việt Nam, sau đó được dịch ra tiếng Anh. Năm 2009, lần đầu tiên cuốn sách này được dịch ra tiếng Tây Ban Nha và tiếng Lào sẽ được phát hành rộng rãi trong thời gian tới tại Lào, Cu Ba và một số nước Châu Mỹ La tinh.

9. Chứng thực chữ ký số đã được triển khai tại Việt Nam

Ngày 15-9, Bộ TT-TT đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ Chứng thực chữ ký số công cộng (CA) đầu tiên của Việt Nam cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Các loại chứng thư số được cung cấp bao gồm: Chứng thư số cá nhân cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chứng thư số dành cho trang thông tin điện tử; Chứng thư số dạng chứng thực phần mềm dành cho ứng dụng…

Việc cho phép triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số sẽ góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam. Triển khai dịch vụ này sẽ đem lại những bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú và hiệu quả, từ đó mở rộng toàn bộ các giao dịch, phục vụ cho hoạt động kinh tế-xã hội. Việc ứng dụng chữ ký số giúp doanh nghiệp đẩy nhanh các ứng dụng giao dịch trực tuyến, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của chữ ký số trong quá trình hội nhập.

Hiện nay, CNTT được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, và trở thành yếu tố không thể thiếu trong nhiều ngành kinh tế quan trọng. Số cán bộ công chức sử dụng thư điện tử đạt tỷ lệ cao, nhiều cuộc họp của Chính phủ và các Bộ, ngành được tổ chức qua môi trường mạng... Hầu hết các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã có trang/cổng thông tin điện tử và một số dịch vụ hành chính công trực tuyến đã được cung cấp cho xã hội.

10. Lần đầu tiên tổ chức thi thiết kế, trình bày và triển lãm những trang báo, tạp chí đẹp toàn quốc

Đây là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam và khuyến khích sự sáng tạo các cách tiếp cận thông tin phong phú trong thiết kế, trình bày báo chí; góp phần đưa báo chí Việt Nam hội nhập nhanh hơn với báo chí hiện đại của thế giới.

Cuộc thi tôn vinh những người làm công tác thiết kế trình bày báo; hoạt động này cũng khẳng định vai trò hình thức của báo chí, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nội dung, thu hút độc giả, làm cho báo chí ngày càng hấp dẫn hơn, phát hành rộng rãi hơn, vượt qua những thách thức do sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với báo chí.

Cuộc thi này có gần 1.000 trang báo và tạp chí của các cơ quan báo chí trong toàn quốc tham gia. 24 tác phẩm thiết kế xuất sắc được giải là những trang trình bày đẹp về bố cục, về các mảng tít bài và hình ảnh, nêu bật được chủ đề của từng số báo, đưa thông tin hấp dẫn đến với bạn đọc. Giới báo chí, công chúng trong nước, bạn bè quốc tế tham dự đã đánh giá cao sự kiện quan trọng này.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 50% người dùng Internet VN là game thủ
“Cộng đồng game thủ tại VN hiện là 12 triệu người” là số liệu được ông Trương Hoài Trang, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN (Vinasa), công bố tại hội thảo “Tình hình công nghiệp game VN và triển vọng phát triển game Việt” vừa diễn ra.
30/11/2009
Nhọc nhằn gọi di động cuối năm
Cả MobiFone, VinaPhone và Viettel đều bị trục trặc, dù còn hơn nữa mới là Tết và các mạng quảng cáo mạng lưới hoạt động tốt.
28/12/2009
43 phút/ngày/người là thời gian trung bình của người Việt Nam sử dụng Internet
Theo một khảo sát được công bố hồi đầu năm 2009 của Yahoo! Việt Nam và công ty nghiên cứu thị trường TNS thì thời gian sử dụng Internet của người dùng Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với năm 2008 (đạt 43 phút/ngày/người).
27/11/2009
Thời tiết sẽ nóng nhất vào năm 2010
Các nhà nghiên cứu khí tượng thuỷ văn, thuộc Trung tâm dự báo thời tiết Met Office Hadley (Anh), dự đoán năm 2010 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử thế giới.
27/11/2009