Lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp cho vùng cao núi đá để phát triển nông nghiệp
HGĐT- 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh được cả nước biết đến vì là những huyện khó khăn nhất nước. Trong những năm qua, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư khá nhiều chương trình dự án phát triển nông thôn miền núi và xoá đói giảm nghèo, cũng như sự lỗ lực không ngường của Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, song trên cao nguyên đá tình trạng đói nghèo vẫn còn phổ biến.
Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, mùa đông lạnh và ẩm lại nằm trên nền đá vôi nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất là vấn đề hết sức cấp thiết. Để giải quyết một phần những khó khăn cho địa phương, Chính phủ và chính quyền của tỉnh đã đầu tư xây dựng rất nhiều các hồ, bể chứa nước quy mô hộ gia đình, cụm hộ hay cụm thôn xóm nhưng những hồ chứa này chỉ giải quyết được nước cho sinh hoạt của người dân, còn nước phục vụ sản xuất thì vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Có điều kiện khí hậu tương đối giống với cao nguyên Đồng Văn với lượng mưa rất thấp, có nơi chỉ đạt 100 mm/ năm nhưng Israel lại được cả thế giới biết đến với một nền nông tiên tiến bậc nhất thế giới. Làm được điều này là do nông nghiệp Israel ứng dụng rất thành công công nghệ tưới tiết kiệm nước. Nông dân Israel sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho tất cả các loại cây trồng từ rau, hoa cho đến cây ăn quả lâu năm như cây bơ hay các giống thuộc họ cam quýt. Phân bón được hoà vào nước và mang đến từng gốc cây, nên có thể tiết kiệm được 60 - 70% lượng nước so với canh tác truyền thống, nhưng năng suất cũng như chất lượng nông sản được đảm bảo. Công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng giúp cho nông dân tiết kiệm được rất nhiều phân bón và hoá chất để tiêu diệt cỏ dại. Hiện tại, để ứng dụng công nghệ này vào cao nguyên Đồng Văn là vấn đề không tưởng, vìđầu tư vượt quá khả năng thu nhập trên đồng ruộng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cao nguyên đã cần tập trung nghiên cứu cho phù hợp và tập chung theo các hường sau đây:
Thứ nhất: Cần lựa chọn các loại cây trồng có khả năng sinh trưởng nhanh để tranh thủ nước mưa. Tuy nhiên, cần sử dụng các giống cây trồng lâu năm để tạo độ che phủ và tạo nguồn sinh thuỷ. Những loại cây trồng này có thể kể tới như: Chuối, táo, lê, đào, mận và một số cây trồng khác, nhưng cần có sự quy hoạch hợp lý để tạo vùng sản xuất hàng hóa có đủ sản phẩm để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuyệt đối không nên phát động thành phong trào dẫn đến tình trạng nguồn cung tăng quá nhanh nhưng năng lực tiêu thụ chưa đáp ứng kịp, dẫn tới tình trạng được mùa mất giá mà hiện đang rất phổ biến trong ngành nông nghiệp.
Thứ hai: Tận dụng các vùng có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển để đầu tư xây dựng các mô hình trang trại sử dụng công nghệ cao tạo sản phẩm sớm, trái vụ hay nông sản đặc sản tạo ra hiệu quả kinh tế cao, hình thành các trung tâm nông nghiệp mạnh sau đó phát triển ra các vùng lận cận, cũng như các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự.
Thứ ba: Xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với trình độ thâm canh cao với mục tiêu chủ yếu cho xuất khẩu và liên kết với các tua, tuyến du lịch phục vụ tham quan, quảng bá hình ảnh và tiềm năng của tỉnh. Hướng nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào các loại hoa và cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao, các loại hoa cây cảnh mang tính bản địa đặc trưng khu vực Đông Bắc bộ hay đặc hữu Việt Nam. Cũng có thể nghiên cứu triển khai sản xuất các cây trồng có tác dụng làm thuốc chưa bệnh hay các cây trồng khác có ý nghĩa về mặt bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Thứ tư: Cần nghiên cứu quy hoạch xây dựng các chợ đầu mối nông sản tại các địa điểm thuận lợi giao thông, thuận tiện cho người sản xuất cũng như khách tham quan, du lịch và đặc biệt là những đối tượng thu mua, tiêu thụ nông sản.
Để triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản xuất nông nghiệp cho vùng cao nguyên Đồng Văn, cần tập trung vào một số chính sách và giải phát thực hiện, như:
Về chính sách: Cần có chính sách về đất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tích luỹ một diện tích nhất định để đầu tư phát triển sản xuất bằng hình thức cho thuê đất hay liên kết giữa nhà đầu tư với nông dân. Trong đó chính quyền phải tham gia và giữ vai trò trung gian cũng như có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan khi có sự tranh chấp về lợi ích. Chính sách về tài chính: Ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp trên vùng đặc biệt khó khăn. Chính sách về khoa học: Ưu tiên cho các chưng trình đề tài, dự án ứng dụng có khả năng mang lại hiệu quả ngay. Tranh thủ nguồn nhân lực và tài chính của các cơ quan Trung ương, các tổ chức khác để xây dựng các chưng trình nghiên cứu dài hạn mang tính chất chiến lược và quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục giúp đỡ những trang trại, nông dân trong việc đào tạo, tập huấn và một phần phí chuyển giao công nghệ. Với ngành nông nghiệp cần đào tạo, tăng cường cán bộ về giúp đỡ những nơi có triển khai các mô hình trọng điểm: Cần cung cấp thông tin thị trường và định hướng đầu tư cho nông dân cũng như doanh nghiệp khi tiếp cận với địa phương. Chính sách về lao động: cần có chính sách đào tạo nghề về nông nghiệp cho người làm nông nghiệp giúp họ có những kiến thức cơ bản nhất, để lao động trong ngành nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt phải nâng cao được kỷ luật lao động cho họ.
Để phát triển kinh tế trên vùng cao nguyên Đồng Văn, trước mắt chúng ta cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp thực hiện được các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất vật liệu và nông cụ và phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khám phá.
Ý kiến bạn đọc