Xung quanh việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam

Cần đảm bảo an toàn khi xây nhà máy điện hạt nhân

08:50, 29/10/2009

Để đảm bảo an toàn của nhà máy có 4 yếu tố quyết định cần xem xét, trong đó quan trọng hàng đầu là công nghệ và nhân lực vận hành", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trao đổi về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sắp trình Quốc hội.


 Xin ông cho biết những nét cơ bản của dự án điện hạt nhân trình Quốc hội tại kỳ họp này?

- Theo dự kiến, hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW (công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình là 1.920 MW) sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) của tỉnh Ninh Thuận vào năm 2015. Dự kiến năm 2020 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, giúp giải quyết vấn đề thiếu năng lượng trong tương lai.

Ông Đặng Vũ Minh. (Ảnh: V.A)

Tại kỳ họp này, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương thì việc triển khai dự án sẽ do Chính phủ tiến hành.

- Nhiều nước có có trình độ khoa học công nghệ hơn Việt Nam nhưng lại chọn phương án năng lượng sạch từ gió, sóng biển... Tại sao chúng ta lại chọn phương án điện hạt nhân?

- Nhiều quốc gia phát triển các năng lượng khác từ gió, mặt trời, thậm chí là sóng biển, gọi chung là năng lượng tái tạo. Nhưng tính toán cho thấy năng lượng tái tạo phát triển cũng chỉ thoả mãn được khoảng 10% nhu cầu, giá thành cũng cao và có những điểm yếu so với các loại hình năng lượng khác.

Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, theo nhận xét của tôi, điện hạt nhân là phương án phù hợp nhất để giải quyết việc thiếu năng lượng trong những năm tới.

- Với trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay, nhiều người băn khoăn về an toàn khi vận hành nhà máy. Là cơ quan thẩm tra đề án, vấn đề trên được Ủy ban Khoa học công nghệ xem xét thế nào?

- Để đảm bảo an toàn của nhà máy có 4 yếu tố quyết định cần xem xét. Thứ nhất là công tác chuẩn bị. Kinh nghiệm các nước cho thấy cần ít nhất 15 năm chuẩn bị, đó là thời gian cần thiết để thông qua các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng nguyên tử, tìm hiểu kinh nghiệm các nước, đào tạo cán bộ và lựa chọn địa điểm.

Thứ hai là nguồn cán bộ. Một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW cần khoảng 1.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó có 10% trực tiếp liên quan đến việc vận hành và phục vụ vận hành lò phản ứng. Số cán bộ này, với những người đã có trình độ đại học về kỹ thuật thì phải đào tạo ít nhất là 5 năm nữa, thực tập tại những nước có công nghệ hạt nhân phát triển và sau đó phải trải qua kỳ sát hạch chặt chẽ để được cấp chứng chỉ vận hành lò phản ứng.

Thứ ba là công nghệ, phải chọn công nghệ để đến khi nhà máy bắt đầu hoạt động vào năm 2020 thì nó vẫn là công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thứ tư là công tác quản lý, tổ chức vận hành. Việc này đòi hỏi phải có kỹ luật lao động hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc tuân thủ các quy trình quy phạm kỹ thuật.

Trong những năm vừa qua, cán bộ chúng ta đã vận hành những công trình lớn như nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy khí- điện- đạm Cà Mau. Tôi cho rằng những kinh nghiệm thu được trong quá trình vận hành những công trình đó hết sức cần thiết để sau này có thể vận hành một công trình phức tạp hơn là nhà máy điện hạt nhân.

Qua thẩm tra, chúng tôi ủng hộ chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. 

Mô hình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ AP 1000 của Westinghouse. (Ảnh: WHN)

- Ông vừa đề cập đến trình độ nhân lực vận hành sẽ quyết định đến an toàn của nhà máy, nhưng Việt Nam đang thiếu nhân lực ngành hạt nhân, trong khi 10 năm nữa nhà máy đã vận hành?

- Từ cuối những năm 1959, nhà nước đã cử người đi tạo tạo tại Liên Xô và Đông Âu về vật lý hạt nhân, hoá phóng xạ, vật lý lò phản ứng...là những chuyên ngành liên quan hết sức chặt chẽ đến việc ứng dụng năng lượng hạt nhân. Năm 1975 chính số cán bộ này đã tham gia đã tham gia vào việc khôi phục lò phản ứng Đà Lạt. Từ năm 1984 tới nay, lò phản ứng này đã chạy an toàn và hiệu quả. Đúng là hiện nay có khó khăn về nhân lực vì phần lớn số cán bộ này đã lớn tuổi, một số đã nghỉ hưu.

Hiện, chúng ta có thể dựa vào 3 nguồn nhân lực. Thứ nhất là những cán bộ có ngoại ngữ, trình độ chuyên môn giỏi được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Thứ hai, tạo điều kiện mời các chuyên gia người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có chuyên môn phù hợp tham gia tư vấn. Thứ ba là thuê chuyên gia của các tổ chức tư vấn quốc tế như đã làm đối với một số công trình quan trọng quốc gia.

Theo tôi, cần đặc biệt chú ý đến việc đào tạo nguồn cán bộ từ trong nước. Năm 2015 khi bắt đầu xây dựng thì số cán bộ này sẽ tham gia ngay từ khâu lắp đặt, điều chỉnh, vận hành thử các thiết bị chỉ yếu và đến khi nhà máy xây xong vào năm 2020 thì có thể trực tiếp tham gia vận hành.

- Thời gian qua, Ủy ban Khoa học Công nghệ và nhiều cơ quan khác đã có những chuyến khảo sát tại những nước có công nghệ điện hạt nhân tiên tiến. Theo ông, công nghệ nào là phù hợp với Việt Nam?

- Hiện nay, có 31 nước với 439 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Bản thân tôi đã đi tìm hiểu ở Pháp, Đức, Nhật Bản và Nga, một số thành viên của Uỷ ban đã đi một số nước khác. Mỗi nước đều có kinh nghiệm riêng, mỗi công nghệ đều có thế mạnh nhất định. Đối với lò phản ứng hạt nhân công suất 1.000 MW, có nơi cần gần 1.000 cán bộ, công nhân nhưng có nơi chỉ có hơn 500 người, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại công nghệ, trình độ tự động hoá cũng như phuơng thức quản lý.

Tất nhiên, chúng ta phải cần mời các chuyên gia giỏi để tư vấn trong việc đánh giá thế mạnh và yếu của từng loại công nghệ.

Dự kiến ngày 6/11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ trình bày trước Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Một tuần sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về vấn đề này.

Ngày 25/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.


vnexpress

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Úc: phát hiện 850 sinh vật mới dưới lòng đất
Sau bốn năm tiến hành một cuộc khảo cứu toàn diện mạch nước ngầm và các hang động ở miền trung và miền nam nước Úc, các nhà khoa học đã tìm thấy 850 loài sinh vật chưa từng được biết đến trước đó sống dưới lòng đất.
30/09/2009
Kết quả bước đầu về phân cấp hoạt động khoa học và công nghệ đến các huyện, thị
HGĐT- Ở tỉnh ta, hoạt động phân cấp quản lý khoa học và công nghệ (KHCN) sớm được tỉnh quan tâm triển khai. Nhìn lại hai năm phân cấp, kết quả hoạt động KHCN các huyện, thị dần đi vào nề nếp. Phong trào nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống ngày càng sôi động hơn.
30/09/2009
Nước có ở khắp nơi trên mặt trăng
Ba nghiên cứu riêng rẽ của các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra những bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của nước trên mặt trăng. Nước tập trung nhiều ở hai cực và có thể được tạo nên bởi gió mặt trời.
29/09/2009
Nguồn mở đã kém an toàn hơn
Xu hướng công khai mã nguồn của virus kèm với đó là sự mất an toàn của các hệ thống mã nguồn mở và sự “vượt mặt” của virus với những phần mềm bảo mật đang là những vấn đề đáng ngại.
29/09/2009