“Sống vì Mẹ Trái đất”
27-10 là ngày kết thúc một tuần dự án “Không gây hại” do trang web nổi tiếng Huffington Post của Mỹ phát động. Hàng ngàn người đã tham gia thử nghiệm lối sống xanh, không gây hại cho môi trường.
Chiến dịch này lấy cảm hứng từ câu chuyện No impact man (Người không gây hại) của Colin Beavan. Nhà văn trẻ này ở New York đã thử sống không gây hại trong một năm cùng với vợ và con gái nhỏ hồi năm 2007. Họ đã chứng minh rằng một cuộc sống vì mẹ Trái đất không hề dễ dàng nhưng không phải là không thể.
Thử sống giản dị
Mục tiêu của Beavan và gia đình là giảm tối đa ảnh hưởng của sinh hoạt thường nhật đến môi trường. Thậm chí họ còn đề nghị công ty điện lực cắt luôn điện dùng cho căn hộ của mình ở Manhattan. Họ không dùng bất kỳ thứ hàng hóa nào dùng một lần, hoặc không mua đồ mới. Ở thành phố toàn nhà chọc trời, họ lại từ chối đi thang máy. Họ đi lại bằng xe đạp có thùng phía sau, vừa chở được người, vừa chở được thực phẩm do nông dân địa phương trồng trọt.
Beavan, nhà văn chuyên viết những cuốn sách về lịch sử của ngành pháp y, hay những sự kiện lịch sử nổi bật, cảm thấy ám ảnh trước thực tế Trái đất đang ấm dần lên. Rồi một lần anh trở về nhà và thấy mình để máy điều hòa chạy suốt thời gian không có ai ở nhà. Anh tự hỏi: mình có quyền gì để phàn nàn nếu bản thân cũng tàn nhẫn với môi trường như vậy?
Vì vậy Beavan nảy ra ý tưởng thử nghiệm, một phần vì môi trường, một phần làm đề tài cho cuốn sách tiếp theo. Vợ anh, chị Michelle, cũng rất hào hứng muốn thoát khỏi những “nghiện ngập” của phụ nữ, mà trong đó hai thứ hàng đầu phải loại bỏ là mua sắm vô hạn và “ngồi đồng” nhiều giờ trước màn hình tivi.
Họ bắt đầu ăn chay, mua thực phẩm của nông dân địa phương. Buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn chuyện trò thật ấm áp. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều thứ họ nghĩ phải... hi sinh nếu muốn thử nghiệm lối sống xanh hóa ra lại chẳng phải hi sinh chút nào. Họ có thêm tình yêu, có thêm nhiều thời gian dành cho nhau hơn.
Nhưng điều này không dễ đối với Beavan và vợ anh. Beavan là nhà văn còn là cố vấn truyền thông của nhiều tổ chức, còn Michelle là cây bút của tờ Business Week. Họ từng quen tiệc tùng, ăn tiệm, đi taxi, mua sắm giải trí, các chương trình truyền hình thực tế, thói quen ăn tối trước tivi đang nói ra rả. Khi anh và gia đình tạm dừng những thú vui như vậy, anh nói đã nhận ra được ảnh hưởng kinh hoàng của chủ nghĩa tiêu thụ mà con người sở hữu đối với Trái đất. Anh tìm được sự thư thái cho tâm hồn và lương tâm bớt cắn rứt.
Một năm sống theo những nguyên tắc - những thứ họ không được làm - cuối cùng cũng kết thúc. Trải nghiệm của Beavan với lối sống “không gây hại tới môi trường” được mọi người biết đến qua blog của anh tại trang No impact man. Đây cũng là tên cuốn sách anh mới xuất bản và một bộ phim tài liệu. Bộ phim được quay trong một năm qua cũng để trả lời các câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cố không làm hại tới môi trường? Điều này có khả thi hay không? Điều này có thoải mái hay không?”. Bộ phim dài 90 phút ra mắt đầu năm 2009, được đánh giá là “cực kỳ có ý nghĩa và hài hước”.
Sống xanh
Họ trở lại với cuộc sống hiện tại, và lượng nước thải họ đưa ra môi trường chỉ có 23 lít trong bốn ngày so với 409 lít trước đó... quả là đáng nể. Họ dùng lại tủ lạnh, nhưng bỏ đi bộ phận làm đông. Họ bắt đầu mua dầu ôliu hoặc vài thứ gia vị, dù chúng không phải do người địa phương làm. Họ bắt đầu gật đầu khi bạn bè mời ăn tối ở tiệm. Họ dùng giấy vệ sinh trở lại nhưng là giấy tái chế. Không ai trong số họ muốn đem trở lại cái tivi 46 inch về nhà. Khoảng một tuần/lần, có thể họ xem kịch trên máy tính xách tay.
Và rõ ràng chiếc xe lôi đã trở thành tình yêu của họ: đủ chỗ để đựng rau củ khi đi chợ, đủ chỗ cho con gái yêu Isabella ngồi. Thi thoảng trời mưa họ đi tàu điện ngầm. Họ dành thời gian buổi tối ở gần vòi phun nước trong công viên Washington. Họ xem xiếc rong và trò chuyện với mấy người hàng xóm. Cơn sốt mua sắm của Michelle đã biến mất. Không còn chuyện chi tiêu hóa đơn 1.000 USD cho một bộ váy hàng hiệu. Họ tặng hết quạt mát, dù những thứ này cũng không tốn nhiều năng lượng.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sống xanh như Beavan. Hệ thống xã hội ở nhiều nơi trên thế giới không phải được tạo ra để phục vụ cho lối sống bền vững. Ở những nơi đó hầu hết người dân không thể dùng xe đạp đi làm, không có năng lượng sạch để dùng, và mua cái gì cũng có một đống túi đựng bằng nilông kèm theo. Hạn chế ở mức cực đoan thì khó, và thậm chí có thể gây hại tới sự vận động tuần hoàn trong môi trường. Nhưng rõ ràng cách mà gia đình Beavan đã làm cho thấy chúng ta hoàn toàn có những cách để sống thân thiện với môi trường. Nhưng cho đến giờ đó vẫn là sự lựa chọn của mỗi cá nhân có trách nhiệm.
Vài lời khuyên để sống “không gây hại”: - Hạn chế (tốt nhất là không sử dụng) túi nilông để đựng hàng hóa. - Đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. - Chọn hoa quả phù hợp với mùa và sản xuất trong nước. - Tự nấu ăn. - Hạn chế thịt trong khẩu phần ăn. - Không tiêu thụ các loài động vật đang cần được bảo vệ. - Giải thích vì sao chúng ta làm như vậy với mọi người xung quanh để họ hiểu, chia sẻ để cùng làm. |
Ý kiến bạn đọc