Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên phát triển sản xuất
HGĐT- Nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội Làm vườn (HLV) trong tỉnh chú trọng đó là chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT), giúp hội viên phát triển kinh tế VAC, trang trại.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cam ngọt cho hội viên.
|
Thông qua tập huấn, dạy nghề, xây dựng các mô hình sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tổ chức tham quan… đã giúp cho hàng ngàn hội viên có cơ hội được tiếp cận với phương pháp sản xuất tiến bộ, những kiến thức bổ ích để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
HLV tỉnh và các Huyện, Thị hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức 165 lớp tập huấn KHKT cho 6.460 hội viên. Phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề làm vườn cho 485 hội viên. HLV các cấp đã chú trọng đến việc chuyển giao các kiến thức, kỹ thuật cho hội viên thông qua việc tập huấn chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn cam, cách thu hoạch và tiêu thụ cam theo nhãn hiệu hàng hoá cho 2.825 lượt hội viên, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng rau vụ Đông cho gần 1.000 lượt hội viên.
Để đẩy mạnh sản xuất, HLV tỉnh đã tích cực chỉ đạo HLV các huyện, thị cơ sở hướng dẫn hội viên cải tạo, tu sửa vườn tạp, ao đầm, đầu tư chuồng trại để phát triển mô hình VAC. Từ những nỗ lực vận động của các cấp Hội, hội viên đã cải tạo được trên 800 vườn tạp thành vườn rau mầu và cây ăn quả, 156ha ao, đầm để phát triển thuỷ sản, 2.700m2 chuồng trại chăn nuôi... Qua học tập các mô hình ở tỉnh bạn, HLV tỉnh đã có sự phối hợp với HLV tỉnh Thanh Hoá để tổ chức tập huấn cho hội viên ở 2 xã Việt Vinh (Bắc Quang), Yên Hà (Quang Bình), xây dựng 10 mô hình nuôi 20.000 con ếch thương phẩm giống Thái Lan và ếch Nam Mỹ đạt kết quả tốt, trở thành mô hình có thể nhân rộng.
Đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi cao về các sản phẩm chất lượng, đa dạng, HLV tỉnh đã phối hợp với HLV huyện Vị Xuyên, thị xã Hà Giang xây dựng 125 mô hình trồng cam ngọt và bưởi giống mới với tổng diện tích 35ha. Mô hình trên đang được triển khai đạt kết quả tốt, giúp cho việc bổ sung, mở rộng diện tích vùng cây ăn quả cho các địa bàn trong những năm tới. Bên cạnh đó, HLV tỉnh cũng đã phối hợp với Công ty Chế biến dầu thực vật VINAGA tổ chức cung ứng giống, tập huấn kỹ thuật trồng gấc cho 300 hội viên ở nhiều xã thuộc các huyện Quang Bình, Vị Xuyên. Qua đó, đã triển khai trồng được 6.500 cây gấc, đồng thời ký hợp đồng với VINAGA bao tiêu toàn bộ sản phẩm gấc cho hội viên.
Với địa bàn miền núi, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vật tư nông nghiệp cũng như cách sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua sắm máy móc, công cụ… Trên cơ sở đó, HLV tỉnh đã tổ chức một số điểm dịch vụ của hội viên có sự tư vấn, hướng dẫn của Tỉnh hội. Từ đó, đã cung ứng 8,5 vạn cây giống ăn quả; 6,5 vạn con giống gia cầm; 15 vạn con giống thuỷ sản; hàng trăm con trâu, bò, dê giống. Cung ứng được trên 2.500 lít phân bón sinh học Thái Lan, trên 1 vạn gói thuốc bảo vệ thực vật và trên 1.215 dụng cụ làm vườn gồm cưa, kéo cắt tỉa, bình phun… Các vật tư cung ứng đã giúp cho hội viên làm vườn có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Trong nhiệm kỳ qua, HLV từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với các ngành tổ chức được 68 đoàn với trên 2.300 lượt hội viên được tham quan mô hình VAC, trang trại trong và ngoài tỉnh và ởtỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tổ chức các cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh bạn để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với những hoạt động trên, nhiều hội viên HLV cũng đã được hưởng lợi từ các dự án, mô hình do Hội triển khai nhằm nhân rộng ra các hộ hội viên. Những năm qua, đã có 25 hộ được hưởng lợi từ Dự án Bioga do Hội triển khai và hiện mô hình này đang được nhân rộng ra rất nhiều hộ dân trong tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực. Đã có 35 mô hình làm kinh tế VACR tổng hợp do Hội triển khai xây dựng tại xã Minh Tân (Vị Xuyên); Hội cũng đã xây dựng 100 mô hình nâng cao chất lượng vườn cam trong 100 hộ nông dân theo quy trình kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cam sành… Cùng với đó, Hội tích cực hướng dẫn hội viên thu hoạch và tiêu thụ trên 12.000 tấn cam theo nhãn hiệu hàng hoá, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.
Với một địa bàn mà sản xuất hàng hoá chưa phát triển mạnh, nhưng với sự nỗ lực của các cấp HLV trong tỉnh cùng với các ngành chức năng trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ giúp người nông dân nói chung, hội viên HLV nói riêng có thêm cơ hội để tiếp cận với KHKT, từng bước nâng cao trình độ, góp phần chuyển đổi cơ cấu và hiệu quả sản xuất. Từ đó, tích cực góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và tạo điều kiện cho hội viên có thể hoà nhập, thích ứng tốt với cơ chế thị trường.
Ý kiến bạn đọc