Định giá phần mềm: Càng gỡ càng rối?
Hiện nay, việc chưa có một cơ sở định giá hợp lý hiện đang được coi là một rào cản lớn trong tiến trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Thiếu một cơ sở định giá phù hợp, người mua và người bán không thể tìm được tiếng nói chung dẫn đến chậm tiến độ những dự án đầu tư hay nâng cấp phần mềm là chuyện đã xảy ra không chỉ một lần. Bài toán định giá phần mềm không phải đến bây giờ mới được đặt ra, nhưng chưa biết đến bao giờ mới có được câu trả lời hoàn chỉnh.
Hải quan điện tử hay thông quan điện tử không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người. Nỗ lực hiện đại hóa ngành hải quan trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, cũng như nhiều đơn vị khác trong ngành tài chính nói riêng và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, việc đề xuất phê duyệt cho các dự án đầu tư phần mềm luôn là một khâu khó khăn.
Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Thống Kê, Tổng cục Hải quan: “Khi xây dựng dự án gói thầu theo đúng hướng dẫn của các cơ quan quản lý liên quan thì thường dẫn đến giá gói thầu thấp hơn thực tế. Mà theo quy định hiện hành chúng ta không thể chấp nhận giá bỏ thầu cao hơn dự toán. Trong trường hợp nhà đầu tư chấp nhận giá dự toán của ngành hải quan đã được phê duyệt, sẽ dẫn đến tình trạng việc thực hiện bị kéo dài”.
Hiện tại, tỷ lệ đầu tư cho phần mềm của ngành hải quan đang chiếm khoảng 20% ngân sách CNTT. Mặc dù tỷ lệ này đã được cải thiện nhiều và đang tiếp tục được nâng lên, nhưng để đáp ứng được nhu cầu quản lý tập trung, hướng đến thông quan điện tử trong toàn ngành thì chắc chắn vẫn chưa thể đáp ứng được.
Ở một lĩnh vực khác, với việc phải xử lý hàng triệu tờ khai thuế và chứng từ nộp thuế mỗi năm, việc ứng dụng CNTT là một khâu không thể thiếu trong cải cách quản lý hành chính của ngành thuế. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, mỗi năm Tổng cục Thuế cần đầu tư nâng cấp khoảng 20 dự án phần mềm, tuy nhiên, tỷ lệ ngân sách đầu tư cho "phần hồn" của hệ thống CNTT này lại rất khiêm tốn.
Bà Trương Thị Hải Đường, Giám đốc Trung tâm Tin Học và Thống Kê, Tổng cục Thuế cho biết: “Trước đây đầu tư cho phần mềm chỉ chiếm 10 - 12% tỷ lệ ngân sách cho CNTT, nhưng trong những năm vừa rồi chúng tôi đã đưa lên tỷ lệ 20% và năm ngoái chúng tôi đưa lên 25%. Không phải ngành thuế chỉ tập trung mua phần cứng, tuy nhiên với 10 – 20 dự án phần mềm được đầu tư trong 1 năm cũng không thể đẩy kinh phí lên được”.
Mặc dù đã được bật đèn xanh cho các dự án ứng dụng CNTT phục vụ nhu cầu tác nghiệp trong toàn ngành, nhưng có dự án chỉ có 1, 2 doanh nghiệp tham gia, thậm chí không có doanh nghiệp nào tỏ ra mặn mà là chuyện đã từng xảy ra không chỉ đối với ngành thuế. Lý giải cho tình trạng này chỉ có một câu trả lời: Nhà cung cấp dịch vụ không có lãi, thậm chí còn bị lỗ với giá của nhà đầu tư đưa ra: “Việc định giá phần mềm nói chung thấp hơn công sức làm ra. Khách hàng chấp nhận không chịu được lịch sử, quá trình phát triển của các lập trình viên hoặc các công ty phần mềm đấy. Thứ 2 là trong quá trình lập trình rất nhiều phát sinh mới không được tính tiền. Thứ 3 khi kết thúc, bàn giao cái việc nâng cấp, hỗ trợ bảo hành bảo trì không được tính giá nên giá trị phần mềm của khách hàng rất thấp”, ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng Giám đốc FIS phát biểu.
Càng gỡ càng rối?
Tại buổi Toạ đàm và đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến định mức và xác định giá trị phần mềm do Hội Tin học Việt Nam chủ trì, động đến vấn đề "nóng", buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm đông đảo của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp và các đơn vị ứng dụng.
Đối tượng chính được đem ra mổ xẻ tại tọa đàm lần này là hướng dẫn của Bộ TT - TT về hướng dẫn định giá phần mềm để áp dụng trong các dự án ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước hay vẫn thường được gọi tắt là công văn 3364. Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết: “Văn bản 3364 của Bộ TT - TT hướng dẫn việc xác định giá trị phần mềm được ban hành vào tháng 10/2008, tuy nhiên rất nhiều đơn vị phản ánh lại về sự phức tạp, chưa bao quát được vấn đề dẫn đến phần mềm bị định giá thấp. Chính vì vậy sau khi chúng tôi tiếp nhận công văn của Bộ TT - TT đề nghị góp ý, sửa đổi bổ sung cho công văn 3364 về xác định giá trị phần mềm đã có nhiều ý kiến khác nhau”.
Được ban hành vào tháng 10/2008 sau bao chờ đợi mòn mỏi của các đơn vị ứng dụng CNTT cũng như các công ty lập trình của Việt Nam, nhưng công văn 3364 được hồ hởi đón nhận bao nhiêu, thì lại khiến chính những đơn vị này phải nhăn mặt, nhíu mày bấy nhiêu vì quá khó hiểu và khó áp dụng trong thực tế. Cho đến nay, đã 9 tháng kể từ khi có hướng dẫn này, nhiều bộ ngành vẫn chưa biết phải áp dụng như thế nào.
Bà Trương Thị Hải Đường cho biết: “Bộ TT - TT đã rất cố gắng đêt có thể ban hành một văn bản hướng dẫn và đó là dấu hiệu tích cực để chuẩn hóa dần việc quản lý đầu tư CNTT. Khi tiếp nhận văn bản này tôi rất phấn khởi, nhưng khi đọc văn bản tôi thực sự phải vận lộn với những công thức phức tạp, rồi một lọat những từ chuyên môn về CNTT...”.
Không chỉ khó hiểu, khó áp dụng, văn bản hướng dẫn của Bộ TT - TT còn được cho là chưa bao quát hết các khâu trong quy trình sản xuất phần mềm dẫn đến việc phần mềm bị đánh giá thấp. Hướng dẫn tính giá được cho là chỉ phù hợp với những phần mềm gia công này không chỉ khiến cho các công ty lập trình tỏ ra bức xúc, mà ngay cả các cơ quan ứng dụng cũng thấy bất hợp lý. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng Giám đốc CMC Soft bày tỏ: Thà không có quy định gì cả mọi người sẽ có căn cứ khác để bám vào.
Bà Trương Thị Hải Đường thì cho rằng: “Việc đầu tư cho một dự án phần mềm giống như giữa sinh và dưỡng, sinh thì chi phí một đồng thôi nhưng dưỡng nó không phải trăm đồng và có khi hàng ngàn đồng. Cái phần định mức toàn bộ chi phí về sau như thế nào thì trong 3364 này chưa có, mới chỉ bao quát được giai đoạn đầu”.
Trong khi các thiết bị CNTT, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư mua sắm thiết bị “chưa theo kịp” là tình trạng thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, việc định giá cho một sản phẩm vô hình lại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ông Nguyễn Kim Cương cho rằng: “Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam còn rất non trẻ và các công ty cũng rất non trẻ nên khó có được những dự báo, dự đoán chính xác và bao quát để xác định giá phần mềm”.
Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long thì cho rằng: “Đây là một vấn đề cực kỳ khó. Chúng ta phải tháo gỡ dần qua những buổi tọa đàm, góp ý”.
Gỡ được không?
Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều diễn giả đều thống nhất quyết tâm đưa công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế mũi nhọn và định hướng xây dựng tiềm lực mạnh về CNTT. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết phải tháo gỡ được rào cản trong việc định giá phần mềm, mà khâu mấu chốt là phải có một hướng dẫn có hiệu lực và có tính khả khi cao.
Theo ông Nguyễn Long: “Mong ước của giới CNTT là công nghiệp phần mềm phải là ngành công nghiệp quan trọng, then chốt của đất nước và nó đóng vai trò quan trọng trong ngành CNTT. Nó là vấn đề đang được tất cả các đơn vị ứng dụng sản xuất phần mềm cũng như CNTT hết sức quan tâm vì nó liên quan đến vấn đề xác định giá trị phần mềm tức là xác định giá trị ứng dụng”.
Tại buổi tọa đàm liên quan đến việc xác định giá trị phần mềm cũng là lần đầu tiên, văn bản do Bộ TT - TT ban hành được trình bày trực tiếp và giải thích khá cặn kẽ với các đối tượng chịu tác động trực tiếp từ công văn này. Cùng với việc mổ xẻ và phân tích nhiều điểm bất hợp lý của văn bản 3364, mỗi đơn vị cũng đều đưa ra những ý kiến của riêng mình để đóng góp, hoàn thiện văn bản, bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, đây sẽ là căn cứ quan trọng giúp khai thông những dự án phần mềm.
Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Thống Kê, Tổng cục Hải quan: “Chúng ta phải cụ thể hóa từng công đoạn xây dựng phần mềm, từ khâu khảo sát phân tích thiết kế hệ thống đến triển khai bảo hành bảo trì. Từ cơ sở đó chúng ta xác định số ngày công cũng như nguồn nhân lực có trình độ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu xây dựng phần mềm đó. Từ trên cơ sở đó chúng ta phải đưa ra một đơn giá ngày công hợp lý”.
Một phương pháp định giá đơn giản, dễ áp dụng và phù hợp với thực tế là mong mỏi của cả các đơn vị ứng dụng CNTT và các công ty lập trình. Và để phương áp định giá có thể ứng dụng trơn tru trong thực tế, có lẽ nên có một dự án dùng thử để rút kinh nghiệm, trước khi công bố và áp dụng rộng rãi tại các đơn vị khác.
Có thể nói, vấn đề định giá phần mềm hiện nay vẫn đang là một bài toán phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án CNTT của đất nước. Việc ban hành một cơ chế định giá thống nhất là việc cần làm ngay, nhưng không thể làm vội , làm sót để khiến cả người mua, người bán đều bị mắc, không biết gỡ từ đâu. Với những đóng góp của các đơn vị chịu tác động trực tiếp và có kinh nghiệm, hi vọng trong thời gian sớm nhất sẽ có phản hồi tích cực từ Bộ TT - TT để có lời giải chính thức và hợp lý cho bài toán định giá phần mềm.
Ý kiến bạn đọc