Khoa học và công nghệ giai đoạn 2010-2020:
Việt Nam phải rút ngắn khoảng cách
Bộ Khoa học và Công nghệ cuối tuần trước đã tổ chức buổi lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nhằm xây dựng định hướng và phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2020.
Tại hội thảo, GS TSKH Trần Xuân Hoài (Viện Khoa học-Công nghệ VN) đã cho biết, theo phân loại của TWAS (Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba), VN đang thuộc nhóm 79 nước trên thế giới và nhóm 4 nước trong khối ASEAN phát triển lạc hậu về khoa học. Do đó, VN phải rút ngắn khoảng cách.
GS Trần Xuân Hoài cho rằng, chỉ còn 10 năm để VN rút ngắn khoảng cách hơn 100 năm. Và để đạt được điều này, VN chỉ còn một cách là "đứng trên vai người khổng lồ"- tức là tận dụng những thành tựu khoa học của nhân loại để phát triển. Từ trước tới nay chúng ta đã thành lập các trường đại học, các viện nghiên cứu, xây dựng các chương trình KHCN, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển...
GS Trần Xuân Hoài cho rằng, giải pháp bây giờ là cần tổ chức cho toàn xã hội thực hiện phát triển ứng dụng KHCN cho xây dựng kinh tế. "Nếu như đối tượng thực hiện chỉ là cán bộ KHCN thì chúng ta xây dựng các chương trình KHCN. Nay đã đến lúc phải tổ chức lộ trình KHCN thì mới huy động được toàn xã hội... Sở dĩ phải đặt ra lộ trình vì chúng ta là nước lạc hậu về KHCN, chúng ta đã đạt được một số thành quả chọn lọc nhưng những thành quả đó nhân loại đã làm được", GS Hoài nói.
Cần đổi mới trên nhiều phương diện để khoa học công nghệ VN phát triển. |
Đầu tư cho KHCN cần bao nhiêu?
Theo thống kê của GS Bùi Thiên Sơn - Trưởng ban Chính sách đầu tư và tài chính KHCN (Viện Chiến lược và Chính sách KHCN), nếu tính trên đầu người mức đầu tư hàng năm cho phát triển KHCN của VN khoảng 5USD. Trong khi đó, Hàn Quốc là 1.000USD, Trung Quốc trên 20USD, Tây Ban Nha khoảng 4.000EUR/người/năm. Nếu xét riêng mức cho KHCN từ nguồn ngân sách nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước thì tỉ lệ ở VN là 5:1. Trong khi đó, Trung Quốc là 1:3.
Về tốc độ gia tăng chi tiêu cho phát triển KHCN ở nước ra đều chậm so với các nước khác. Trong giai đoạn 1998-2004, số chi cho nghiên cứu khoa học thực nghiệm bình quân hàng năm tăng 21,29%. Trong khi đó, tốc độ gia tăng đầu tư cho KHCN ở các nước lớn hơn nhiều. Tây Ban Nha năm 2008 đã dành 7,7 tỉ EUR cho công tác nghiên cứu- phát triển và đổi mới KHCN (cao hơn 17,4% so với năm 2007). Năm 2006, mức đầu tư từ cả hai phía là nhà nước và tư nhân của nước này là 11,8 tỉ EUR (tăng 16% so với năm 2005).
Nếu tính tới số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm, so với các nước thì ở VN hình thức đầu tư cho KHCN này muộn và số lượng các quỹ này còn ít. Tính tới năm 2008, VN có tất cả 7 quỹ với tổng số tiền là 311 triệu USD nhưng không phải tất cả nguồn vốn này đều dành cho đầu tư KHCN.
Tháng 3.2008, VN đã thành lập Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia. Dự kiến nguồn chi theo công bố ban đầu như sau: Đề tài nghiên cứu lý thuyết dưới hai năm được cấp tối đa 20.000USD; Đề tài nghiên cứu cơ bản lý thuyết mang tính thăm dò, khám phá lần đầu có mức chi tối đa 10.000USD; Đề tài nghiên cứu thực nghiệm dưới hai năm được chi tối đa 25.000USD. Tuy nhiên, kinh phí trên chưa bao gồm chi phí mua nguyên liệu và thuê máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Trong khi đó, xét về mặt tài chính, các nhà khoa học chưa được chủ động hoàn toàn trong chi tiêu cho đề tài hay chương trình nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân còn nhiều vướng mắc. Việc lập kế hoạch nghiên cứu khoa học và quyết toán chi tiêu còn theo năm ngân sách đã tạo ra độ vênh giải ngân thực và nhu cầu. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đối phó thiếu lành mạnh ở nhiều nơi, kể cả hợp thức hoá chứng từ để đủ thủ tục (nhiều trường hợp thời gian lo thủ tục giải ngân và giải trình tiến độ đề tài nghiên cứu chiếm gần 60% tổng thời gian cho nghiên cứu và thí nghiệm).
Việt Nam phải rút ngắn khoảng cách đầu tư khoa học và công nghệ. |
Đổi mới mô hình quản lý
GS Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng Nguyên tử VN) cho rằng, việc đứng trên vai người khác là không dễ. "Phải tập trung đầu tư xây dựng các tập thể nghiên cứu tiên tiến ở viện và trường ngang tầm thế giới. Họ là chủ thể là hiện thân nền khoa học và đại học của đất nước".
Theo con số thống kê của GS TS. Nguyễn Ngọc Châu (Viện KH&CN VN), đội ngũ cán bộ KHCN của VN hiện khá đông đảo về số lượng. Tính tới 2005, con số này là 21.000 người, trong đó có khoảng gần 5.000 GS, phó GS và 15.000 TS. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ KHCN lại rất yếu. Nếu chiểu theo tiêu chí tối thiểu: nhà khoa học ngoài bằng cấp phải có khả năng nghiên cứu tạo ra sản phẩm KHCN (là công bố, phát minh sáng chế hoặc giải pháp hữu ích) thì chúng ta mới có khoảng 750-10.00 người đáp ứng được tiêu chí này.
GS Châu cũng cho rằng, thực tế hiện nay là hầu hết cán bộ KHCN không biết làm nghiên cứu khoa học và không đáp ứng được yêu cầu mới. Cho nên cần "sàng lọc" đội ngũ này. Khuyến khích họ làm trợ lý, chuyển việc hoặc nghỉ chế độ.
"Những người không có khả năng nghiên cứu thật sự dù có được đầu tư cũng không có khả năng tạo ra các sản phẩm KHCN thực ra. Một khi tồn tại một số lượng lớn các "nhà khoa học" dạng này thì không những là gánh nặng mà còn là cản trở cho sự phát triển của KHCN", GS Nguyễn Ngọc Châu nói.
Ý kiến bạn đọc