Đề tài nghiên cứu khoa học Về đặc điểm sinh học, độc tính các loài nấm độc thường gặp và đề xuất một số biện pháp cấp cứu, điều trị nấm độc ở Hà Giang
HGĐT- Trong nghiên cứu có rất nhiều loài nấm, trong đó có loài ăn được và không ăn được. Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện được hàng trăm loại nấm có độc tính... Việt Nam là một trong những nước có nhiều loài nấm độc, các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc thường xuyên xảy ra ở các tỉnh có nhiều rừng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Hà Giang là một trong những địa phương liên tục xảy ra các vụ ngộ độc nấm và dẫn đến tử vong.
Ngộ độc nấm ở Hà Giang thường xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc ít người, dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn và thường để lại hậu quả nặng nề. Nhiều trường hợp trong một gia đình, cả gia đình bị ngộ độc và tử vong nhiều người. Năm 2005, tại xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm ở 2 gia đình đồng bào Mông làm 9 người bị tử vong. Đầu năm 2008, một gia đình đồng bào Tày, xã Đồng Yên (Bắc Quang) hái nấm rừng về ăn làm 5 người bị ngộ độc, 3 bố con ông Kết đều bị tử vong. Theo số liệu thống kê trong 4 năm (2004 - 2007), trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 33 vụ ngộ độc nấm độc, với tổng số 165 người mắc, trong đó tử vong 24 người (chiếm 14,5 %). Số vụ, số người bị ngộ độc và số người bị tử vong cao nhất vào năm 2005.
Xuất phát từ tính cấp thiết nêu trên, Học viện Quân y (HVQY) đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Giang và Trung tâm Y tế các huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Quản Bạ, Yên Minh, Bắc Quang để tiến hành nghiên cứu. Những người tham gia Đề tài gồm: Chủ nhiệm Đề tài, TS Hoàng Công Minh, HVQY; Phó Chủ nhiệm Đề tài, BSchuyên khoa I, Nguyễn Thị Tuyết, TTYTDP Hà Giang cùng các cộng sự. Cơ quan chủ trì đề tài HVQY và cơ quan chủ quản là Sở KH & CN Hà Giang. Nội dung của đề tài chỉ giới hạn ở nghiên cứu các loài nấm độc hái ở rừng, không nghiên cứu tới ngộ độc do các loài nấm mốc, vi nấm mọc ở bánh ngô, mèn mén. Mục tiêu của Đề tài là khảo sát đặc điểm sinh học, độc tính các loài nấm độc thường gặp tại một số vùng của trong tỉnh. Đề xuất các biện pháp tuyên truyền giáo dục, dự phòng nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc nấm độc và nâng cao trình độ cấp cứu, điều trị ngộ độc nấm độc cho cán bộ y tế của tỉnh. Về đối tượng vật liệu và phương pháp nghiên cứu, thông qua hồ sơ bệnh án của 128 bệnh nhân ngộ độc nằm điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh từ năm 2004 - 2007 và hồ sơ, số liệu về 37 trường hợp ngộ độc nấm độc không đi bệnh viện hoặc bị tử vong tại gia đình (không có bệnh án). Về tiêu chí lựa chọn khu vực nghiên cứu là các khu vực thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm độc tại các huyện trên (Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh). Thực trạng ngộ độc nấm độc xuất hiện trong tất cả các tháng trong năm (trừ tháng 1 và tháng 9). Đa số các vụ ngộ độc nấm có số người mắc từ 1 đến 3 người chiếm (51,5%); số vụ ngộ độc có số người mắc từ 4 đến 6 người chiếm 21,2%; từ 7 đến 100 người chiếm 15,2%, đặc biệt có 4 vụ số người mắc trên 10 người (12,1%). Về đặc điểm sinh học, độc tính các loài nấm độc thường gặp tại một số vùng trong tỉnh gồm 9 loài nấm độc như: Nấm độc tán trắng (Amanita), nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites), nấm xốp thối (Russula foetens), nấm phiến đốm bướm (Panaeolus papilionaceus), nấm phiến đốm vân lưới (Panaeolus retirugis), nấm phiến đốm chuông (Panaeolus campanulatus), nấm mực nhỏ mọc cụm (Coprinus disseminatus), nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata) và nấm trứng vàng vỏ cứng (Scleroderma citrinum). Quá trình nghiên cứu tại Hà Giang, các nhà nghiên cứu đã xác định được 2 loài nấm độc gây ra các trường hợp bị ngộ độc nấm và gây rối loạn tiêu hoá là loài nấm ô tán trắng phiến xanh và loài nấm gây chết người do suy gan là nấm độc tán trắng. Các loài nấm thuộc nhóm này có các độc tố khác nhau nhưng đều gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn, đau bụng, ỉa chảy, mệt mỏi... Triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn nấm (trừ loài nấm vàng, triệu trứng xuất hiện muộn từ 5 đến 10 giờ) và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thường kéo dài 2 - 3 ngày (tuỳ theo loài nấm và số lượng nấm đã ăn). Những trường hợp bị ngộ độc nặng có thể xuất hiện những dấu hiệu mất nước và chất điện giải dẫn đến tử vong do trụy tim mạch. Các trường hợp bị ngộ độc nấm gây rối loạn tiêu hoá chủ yếu là ở loài nấm ô tán trắng phiến xanh và loài nấm gây chết người do suy gan là nấm độc tán trắng. Vì vậy, cần chẩn đoán phân biệt giữa ngộ độc nấm ô tán trắng phiến xanh và nấm độc tán trắng. Về xử trí cấp cứu và điều trị ở trạm y tế xã, cần gây nôn (nếu bệnh nhân không có triệu chứng nôn), rửa dạ dày (nếu có bộ dụng cụ rửa dạ dày) đồng thời cho uống than hoạt, dùng với liều 1g/ kg thể trọng pha trong 50 - 100ml nước và uống cùng với sorbitol với liều gấp đôi bình thường. Cho uống oresol (pha 1 gói oresol trong 1 lít nước đun sôi để nguội) nhằm bù mất nước và chất điện giải do nôn, ỉa chảy nhiều lần... đề phòng tình trạng trụy tim mạch ở trẻ em và cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện huyện để tiếp tục điều trị và chỉ chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh đối với những trường hợp nặng hoặc có các bệnh lý khác kèm theo hoặc nghi ngờ ăn nhiều loài nấm cùng một lúc. Điều trị ngộ độc nấm có độc tố gây rối loạn tiêu hoá ở tuyến bệnh viện, chủ yếu là truyền dịch và bù chất điện giải, hầu hết các trường hợp ngộ độc các loài nấm này khỏi bệnh sau vài ba ngày điều trị. Lưu ý: Việc xử trí cấp cứu ở tuyến y tế xã là rất quan trọng và nhiều khi đóng vai trò quyết định trong việc cứu sống nạn nhân. Trạm y tế xã cần có các thuốc chống độc theo danh mục của tài liệu hướng dẫn để xử trí ngộ độc nấm độc. Đề tài nghiên cứu khoa học về đặc điểm sinh học, độc tính các loài nấm độc ở Hà Giang là đề tài có nhiều nội dung nghiên cứu thống kê ngộ độc, điều tra thực địa, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trên động vật… Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đề tài và cán bộ tham gia đã cố gắng thực hiện toàn bộ nội dung nghiên cứu. Đặc biệt là việc điều tra nấm độc phải đến các gia đình bị ngộ độc để lấy mẫu và xác định loài nấm đã gây ngộ độc. Địa bàn điều tra rộng, nhiều gia đình lại ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, Đề tài xác định được 2 loài nấm chủ yếu gây nên các vụ ngộ độc ở Hà Giang, trong đó có một loài nấm không có trong “danh mục nấm lớn của Việt Nam”. Đây là một thành công lớn của Đề tài nhằm góp phầnnâng cao khả năng bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm độc.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Đề tài cũng khuyến cáo, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư về phòng, chống ngộ độc nấm độc, đặc biệt là các loại nấm độc mọc trên địa bàn tỉnh; đồng thời phổ biến rộng rãi tình hình các vụ ngộ độc nấm độc xảy ra trong khu vực để nhân dân biết cách đề phòng;tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội, cơ quan, đoàn thể trường học, các đơn vị bộ đội, biên phòng trên địa bàn, các già làng, trưởng bản tham gia cùng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền phòng, chống ngộ độc nấm độc; chú trọng treo những tờ tranh về hình ảnh, đặc điểm nhận dạng các loài nấm độc ở các khu công cộng như trụ sở xã, trạm y tế, trường học, nhà văn hoá, chợ, nhà hàng... để nhân dân nhận biết và phòng tránh.
Ý kiến bạn đọc