Việt Nam chủ trương sản xuất vệ tinh nhỏ:
Từ mua - thuê đến khát vọng làm chủ công nghệ
Tháng 4.2008, vệ tinh đầu tiên của VN mang tên Vinasat1 được phóng thành công lên quỹ đạo. Với vệ tinh này, VN chính thức hội nhập vũ trụ và ghi tên mình vào bản đồ không gian. Tháng 12.2008, chủ trương sản xuất vệ tinh nhỏ đầu tiên của VN được phê duyệt.
Mô hình vệ tinh nhỏ của VN. |
Từ vệ tinh to đến... vệ tinh nhỏ
5 giờ 17 phút sáng 19.4, tên lửa Ariane5 của Arianespace đã kết thúc cuộc hành trình đưa vệ tinh Vinasat1 của VN vào quỹ đạo, đánh dấu giờ phút lịch sử VN hội nhập vũ trụ, xác định chủ quyền không gian.
Mang trên mình hình ảnh cờ Tổ quốc, Vinasat1 không chỉ đảm bảo sứ mệnh an ninh thông tin, quốc phòng; vệ tinh này còn là chìa khoá hội nhập thương mại; hội nhập công nghệ số với đầy đủ lợi ích về CNTT, viễn thông di động, thương mại điện tử...
Đây là một thành công, một nỗ lực lớn của VN trong việc đàm phán quỹ đạo, thực hiện kinh phí và công nghệ. Vệ tinh này có trị giá hơn 200 triệu USD, hoạt động ở quỹ đạo 132 độ Đông ở độ cao 35.768km so với trái đất.
Sau khi phóng thành công Vinasat1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Vệ tinh này là cầu nối truyền thông quan trọng với các quốc gia trên khu vực và trên thế giới. Với sự kiện này VN trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực có vệ tinh vào quỹ đạo. Vinasat1 sẽ giúp ngành viễn thông công nghệ thông tin cất cánh, đưa hệ thống thông tin truyền thông Internet, phát thanh, truyền hình tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo.
Các chuyên gia cho biết, Vinasat1 rất thành công với ý nghĩa xác định chủ quyền không gian; song đây lại là một vệ tinh thương mại được VN đặt hàng sản xuất tại Mỹ. Vì thế cùng với sự "bay lên" của Vinasat1, khát vọng có thể làm chủ công nghệ vệ tinh, sau đó tự sản xuất, khám phá không gian, ứng dụng công nghệ vũ trụ vào cuộc sống hằng ngày càng được thôi thúc.
Cũng trong năm 2008, Viện KHCN (Bộ KHCN) cho biết đã có báo cáo khả thi về dự án vệ tinh thứ 2 mang tên VNDREDSat1; dự án này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương.
Tại Diễn đàn các cơ quan vũ trụ Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 15 tổ chức cuối năm 2008, VN đã công khai tuyên bố về dự án. Theo đó, VNDREDSat1 là vệ tinh nhỏ có trọng lượng 150kg. Khác với Vinasat1 là cung cấp dịch vụ viễn thông, VNDREDSat1 là vệ tinh khoa học, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, quản lý tài nguyên, môi trường và thiên tai.
2012 - VN sẽ phóng vệ tinh thứ 2
Trên thực tế, định hướng "lên trời" của VN đã được xác định từ lâu. Đến tháng 6.2006, Thủ tướng Chính phủ đã hoạch định "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020 của VN".
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến thì CNVT là lĩnh vực công nghệ cao để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không phục vụ lợi ích con người. Tại VN, trong những năm qua một số thành tựu của khoa học và CNVT đã được triển khai ứng dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, khí tượng thuỷ văn, viễn thám
Tuy nhiên, phạm vi và hiệu quả nghiên cứu ứng dụng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Vậy VN đã làm gì để tiến dần đến mục tiêu này? Theo GS. Nguyễn Khoa Sơn - Chủ nhiệm Chương trình KHCN vũ trụ - thì VNDREDSat1 chính là bước đi cụ thể nhất. Đây là vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp, dùng để giám sát, chụp ảnh mặt đất, cung cấp ảnh về cho các trung tâm thu ảnh vệ tinh mặt đất. Ảnh này được dùng để giám sát tài nguyên, môi trường, theo dõi thiên tai, lũ lụt, bảo vệ tài nguyên... VNDREDSat1 có kinh phí khoảng 70 triệu USD được đầu tư bằng vốn ODA. Tháng 1.2009 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Pháp là nhà cung cấp công nghệ và vốn ODA để thực hiện dự án VNREDSat1.
Đại diện Bộ KHCN cho biết, dự kiến đến năm 2012, VNREDSat1 sẽ được đưa vào không trung. VNDREDSat1 sẽ cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải tương đối cao về tài nguyên, môi trường và đặc biệt là chụp ảnh về thiên tai... giúp VN chủ động phòng chống với thiên tai tốt hơn, không phải phụ thuộc vào ảnh vệ tinh mua của nước ngoài. Dự kiến Pháp sẽ thu xếp nguồn vốn trị giá khoảng 100 triệu USD cho dự án này.
Chủ động KHCN - tiết kiệm chi phí: Cùng với việc làm chủ công nghệ, ứng dụng KHCN vào cuộc sống, vệ tinh nhỏ còn giúp tiết kiệm chi phí. Hiện VN đã có một trạm thu ảnh từ vệ tinh để quan sát và dự báo thiên tai. Trạm này phải ảnh mua của các vệ tinh nước ngoài bằng với giá hàng ngàn USD/bức ảnh. |
Ý kiến bạn đọc