Tối nay 9.2, người dân Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực
Theo ông Nguyễn Đức Phường (Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam), nguyệt thực một phần vùng nửa tối có tỉ lệ che phủ trên 90% và kéo dài 2 giờ 21 phút 25 giây sẽ xảy ra vào tối nay 9.2.
Theo tính toán của các nhà thiên văn, nguyệt thực một phần xuất hiện lúc 12 giờ 38 phút 46 giây giờ UT (tức 19 giờ 38 phút 46 giây giờ Hà Nội) khi bóng Trái đất bắt đầu đi vào đĩa Mặt trăng và kết thúc lúc 16 giờ 37 phút 40 giây giờ UT (tức 23 giờ 37 phút 40 giây giờ Hà Nội) khi bóng Trái đất ra khỏi đĩa Mặt trăng. Trong đó, nguyệt thực toàn phần đạt tỷ lệ che phủ lớn nhất lúc 14 giờ 38 phút 15 giây giờ UT ( tức 21 giờ 38 phút 15 giây giờ Hà Nội). Theo ông Phường, hầu hết các quốc gia châu Á và phần lớn các quốc gia Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Phi đều có khả năng được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Cụ thể: phần lớn các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam và các quốc gia, lãnh thổ như Alaska, Hawaii, Úc có khả năng quan sát toàn bộ các pha nguyệt thực. Một số quốc gia đông và bắc Phi, Châu Âu được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực lúc mặt trăng bắt đầu mọc ở phía đông trong khi các quốc gia bắc và tây Mỹ lại quan sát được hiện tượng này khi mặt trăng bắt đầu lặn ở đường chân trời phía Tây. Vì là nguyệt thực một phần diễn ra trong vùng bóng nửa tối nên người dân Việt Nam có thể thấy đĩa mặt trăng sáng hơn nhiều so với những nguyệt thực một phần trước đây. Lúc bắt đầu và kết thúc nguyệt thực rất khó quan sát nên người dân chỉ có thể quan sát thấy nguyệt thực lần này trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 22 giờ 20 phút (giờ Hà Nội). Ông Phường cũng cho biết, sẽ có 4 lần nguyệt thực xảy ra trong năm 2009. Nguyệt thực xảy ra tối nay 9.2 là nguyệt thực một phần vùng nửa tối có tỷ lệ che phủ lớn nhất trong năm. |
Ý kiến bạn đọc