Nặng nỗi lo nguồn nhân lực cho Bưu chính
10:07, 16/02/2009
Tỷ lệ nhân lực có trình độ ĐH còn thấp, số lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn khiến quá trình hội nhập và phát triển của VNPost gặp không ít khó khăn.
Ngày 13/2, tại Hải Phòng, Công đoàn Bưu điện Việt Nam (CĐBĐVN) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2009. Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực của Tập đoàn VNPT nói chung là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Báo cáo tại hội nghị, bà Hoàng Thị Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực CĐBĐVN cho biết, lực lượng lao động trong VNPT đông nhưng trình độ không đồng đều, tỷ lệ người có trình độ ĐH và trên ĐH chưa cao (khoảng 35%). Đặc biệt, tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, lao động giản đơn chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn. Đây là thách thức không nhỏ đối với VNPT trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CĐBĐVN năm 2009 là tăng cường đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi bên lề hội nghị, nhiều lãnh đạo, cán bộ công đoàn cũng tán thành với nhận định chất lượng cán bộ công đoàn cũng như nguồn nhân lực đang là khó khăn lớn đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn. Bà Châu Thị Triển, Chủ tịch CĐBĐ Cần Thơ cho biết, khi tách ra bưu chính gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chất lượng lao động. ở Bưu điện Cần Thơ sau khi chia tách, đa số cán bộ quản lý còn trẻ, bên cạnh ưu điểm là năng động, dám đề xuất và dám làm thì họ cũng thiếu kinh nghiệm; lực lượng cán bộ công đoàn cũng mới được bổ sung, chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm. Bưu điện Cần Thơ vẫn tồn tại một lực lượng lao động lớn tuổi, không đáp ứng yêu cầu mới của công việc, có tâm lý chờ đợi cơ chế, sự hỗ trợ của Tập đoàn và CĐBĐVN.
Ông Nguyễn Như Vân, Giám đốc Bưu điện Đắk Lắk bộc bạch: "Sau khi chia tách, điều tôi lo lắng hơn cả chính là lực lượng lao động. Bưu điện Đắk Lắk có 460 lao động nhưng chỉ 15% có trình độ đại học. Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc giữ những lao động có trình độ ở lại. Năm ngoái, Bưu điện Đắk Lắk đã mất 5 cử nhân và năm nay cũng có 2 cử nhân ra đi. Cái khó nữa là lực lượng lao động lớn tuổi không theo kịp yêu cầu phát triển". "Trước mắt, để giải quyết khó khăn về lao động, chúng tôi tạo áp lực với người lao động bằng cách sắp xếp lại phân phối thu nhập, trả lương căn cứ vào dịch vụ, doanh thu", ông Vân cho hay.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất trong thời gian tới CĐBĐVN và công đoàn các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho người lao động. Bà Nguyễn Thúy Huệ, Phó Giám đốc Bưu điện TP.Hà Nội khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng của Bưu điện Hà Nội trong năm 2009 là đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho người lao động thông qua 3 hình thức: cử đi học theo chỉ tiêu đào tạo, đào tạo tại chỗ, phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức qua nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Cùng quan điểm với bà Huệ, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của Tập đoàn đề nghị: lãnh đạo CĐBĐVN xem xét xây dựng và phát động phong trào, cuộc vận động lớn trong toàn VNPT học tập và tự học tập, tự đào tạo mọi lúc, mọi nơi; công đoàn các đơn vị xem xét có chính sách khuyến học bằng chính quỹ của mình và từ quỹ chính sách xã hội; phối hợp với chuyên môn đưa ra tiêu chí bắt buộc khi tuyển dụng lao động mới vào làm việc thì các đơn vị phải tổ chức đào tạo cơ bản để người được tuyển dụng hiểu được về truyền thống, quá trình phát triển của VNPT.
quantrimang.com
Ý kiến bạn đọc